Ghi nhận từ đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy

15:56, 15/10/2020

BHG - Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiên phong đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII. Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương của Đảng, đa phần các đơn vị được sắp xếp đã tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Giờ thực hành may thời trang của cô, trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.
Giờ thực hành may thời trang của cô, trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.

Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày 8.2.2018, Đề án số 22-ĐA/TU về đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII của Tỉnh ủy chính thức đi vào cuộc sống. Đề án xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 10 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan cấp tỉnh, huyện tương đồng về chức năng nhiệm vụ.

Điển hình có thể kể đến việc hợp nhất: Sở, Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức (BTC) cấp ủy; UBKT cấp ủy với Thanh tra (TT) nhà nước cùng cấp; thành lập Văn phòng cấp ủy tỉnh phục vụ chung trên cơ sở hợp nhất bộ phận Văn phòng thuộc các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy vào Văn phòng Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh để thành lập Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh... Đối với 11 huyện, thành phố đã có 5 huyện thí điểm hợp nhất BTC Huyện ủy với Phòng Nội vụ; UBKT Huyện ủy với TT huyện. Riêng Vị Xuyên, Xín Mần thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND-UBND huyện thành Văn phòng huyện.

Cán bộ Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh tham mưu thực hiện Đề án số 22 của Tỉnh ủy.
Cán bộ Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh tham mưu thực hiện Đề án số 22 của Tỉnh ủy.

Khi “về chung một nhà”, các cơ quan đã kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc. Thực hiện phân công công tác trong tập thể lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ một cách cụ thể; theo hướng một người giao nhiều việc, một việc chỉ giao một bộ phận chuyên môn đảm nhiệm để vận hành bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Có thể thấy, việc hợp nhất Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật vào Trường Cao đẳng Nghề, đổi tên thành Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ đã giảm 1 đầu mối tổ chức sự nghiệp cấp tỉnh; giảm 1 Ban giám hiệu, 6 phòng/khoa và 30 vị trí lãnh đạo. Mô hình tổ chức sau hợp nhất được tập trung, thống nhất, hoạt động hiệu quả, khẳng định sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đặc biệt, nhà trường được Bộ Lao động - TBXH lựa chọn là địa chỉ đào tạo 5 nghề trọng điểm cấp Quốc gia được đầu tư theo Dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), như: Thú y, vận hành nhà máy thủy điện, công nghệ ô tô... Và đây cũng là cơ sở duy nhất trong hệ thống GDNN của tỉnh đào tạo cả 3 trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Còn việc hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) đã giảm đơn 4 đơn vị đầu mối, 4 cấp trưởng và 11 cấp phó đơn vị; giảm 36 trưởng, phó phòng/khoa, giảm trụ sở làm việc. Không những vậy, công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành được tập trung thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị đã từng bước khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tinh gọn 4 sở, ngành, 33 đơn vị sự nghiệp, 58 phòng và tương đương, giảm 165 vị trí lãnh đạo. Hơn nữa, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc được tập trung về một đầu mối quản lý để đáp ứng yêu cầu hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Vướng mắc sau sáp nhập

Thực tế cho thấy, việc hợp nhất cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Sau hợp nhất, mặc dù bộ máy vận hành hiệu quả, song vướng mắc nảy sinh khiến không ít đơn vị dù sáp nhập vẫn phải sử dụng 2 con dấu, thậm chí 2 tài khoản.

Nguyên nhân dẫn đến vướng mắc đa phần do khó tìm được “tiếng nói chung”: Khối Đảng thực hiện theo Điều lệ, quy định, nguyên tắc lãnh đạo tập thể trong khi khối Nhà nước thực hiện theo nghị định, pháp luật, chế độ thủ trưởng cơ quan, đơn vị... Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn của T.Ư về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc khắc dấu, sử dụng con dấu chung đối với cơ quan thực hiện hợp nhất, như: BTC - Nội vụ, UBKT - TT, Ban Dân tộc - Tôn giáo. Hơn nữa, biên chế các cơ quan chính quyền chưa được Bộ Nội vụ chuyển sang khối Đảng và các cơ quan hợp nhất vẫn sử dụng 2 con dấu cũ, thậm chí sử dụng 2 tài khoản như Văn phòng huyện Vị Xuyên, Xín Mần. 

Quá trình “sống chung một nhà” cũng bộc lộ bất cập. Rõ nhất là việc sáp nhập 3 Văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh thành một cơ quan. Sau đó, buộc phải tổ chức lại thành 2 đầu mối, gồm: Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND và Văn phòng UBND tỉnh. Bởi chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng sau hợp nhất sẽ tham mưu, giúp việc cho ba chủ thể khác nhau. Trong cùng một tổ chức, vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa thực thi chính sách lại giám sát việc thi hành chính sách nên không khách quan, chất lượng, hiệu quả công việc không cao. Hơn nữa, việc hợp nhất còn làm phát sinh nguồn ngân sách địa phương. Nếu như trước kia, kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH do Văn phòng Quốc hội đảm bảo. Nhưng khi hợp nhất, nguồn kinh phí này không được phân bổ cho tỉnh; do đó, năm 2019 và 2020, ngân sách địa phương đã cấp gần 13 tỷ đồng cho hoạt động của Đoàn ĐBQH… Còn với BTC - Nội vụ, UBKT - TT cấp tỉnh, huyện, quy trình nghiệp vụ chung chưa bảo đảm tính khách quan, độc lập giữa tham mưu và thẩm định một cách riêng biệt. Đơn cử như cùng một công việc nhưng BTC – Nội vụ vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tiến hành thẩm định. Sau đó, lại tham mưu triển khai tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc công việc, lập lưu hồ sơ... Hơn nữa, BTC - Nội vụ, UBKT – TT cấp tỉnh, huyện do cấp ủy cùng cấp quyết định thành lập, chịu sự quản lý trực tiếp của cấp ủy nhưng vẫn sử dụng đồng thời 2 con dấu của 2 cơ quan cũ. Và người đứng đầu cơ quan là Ủy viên BTV cấp ủy cùng cấp nhưng không phải thành viên UBND cùng cấp, không phải thành viên Ban cán sự Đảng UBND (đối với cấp tỉnh). Đặc biệt, người đứng đầu Cơ quan UBKT-TT cấp tỉnh, huyện không thể ký quyết định TT mà thẩm quyền ký quyết định thành lập Đoàn TT do Chủ tịch UBND các cấp, Chánh TT cấp tỉnh, huyện ký theo luật. Trong khi đó, chức danh Chủ nhiệm UBKT chưa được bổ nhiệm Chánh TT; chức danh Chánh TT, Ủy viên kiêm chức UBKT Tỉnh ủy chưa được bầu Phó Chủ nhiệm UBKT hay các chức danh Ủy viên UBKT chưa được bổ nhiệm ngạch TT và cấp thẻ TT...

Dù còn vướng mắc, bất cập nhưng kết quả trên đã chứng minh sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII. Nhiệm vụ chính trị này được tỉnh ta vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm; quá trình tinh gọn bộ máy luôn được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn; đảm bảo hoạt động của cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Tinh giản biên chế 88 trường hợp theo Nghị định 108 của Chính phủ

BHG - Ngày 26.6.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 995 phê duyệt danh sách tinh giản biên chế tỉnh Hà Giang đợt II năm 2020, gồm 88 trường hợp. Trong đó, 83 trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, 5 trường hợp thôi việc ngay, theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31.8.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP. 

29/06/2020
Sở Giao thông vận tải nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

BHG - Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh, Sở GTVT đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng cải cách, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Trong 6 tháng đầu năm 2020, sở đã tiếp nhận hơn 23.600 hồ sơ TTHC, hồ sơ đã giải quyết gần 23.500, hồ sơ trả đúng hạn gần 23.500, hồ sơ trả chậm 1 hồ sơ, 126 hồ sơ đang giải quyết do chưa đến hạn và trả lại 13 hồ sơ không đạt yêu cầu.

25/09/2020
PAR Index - công cụ phản chiếu hoạt động cải cách hành chính

BHG - Trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC), PAR Index (Chỉ số CCHC) chính là công cụ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hằng năm của các cấp, ngành trong tỉnh. Từ chỉ số này góp phần quan trọng xác định ưu điểm, hạn chế trong thực hiện CCHC nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

 

25/05/2020
Thi đua thực hiện văn hóa công sở ở Quản Bạ

BHG - Những năm qua, cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) trên địa bàn huyện Quản Bạ không ngừng phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là thi đua thực hiện văn hóa công sở.

24/08/2020