Hà Giang

Rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân

09:42, 30/08/2019

BHG - Bộ phận “một cửa” tại các cơ quan hành chính Nhà nước ra đời đã chứng minh bước đi đột phá của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC); dần chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Điều này không chỉ hướng đến mục tiêu “Vì Hà Giang phát triển” mà còn rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp tỉnh; 206 bộ phận tếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại 11 huyện, thành phố, 195 xã, phường, thị trấn. Điều này tạo thành hệ thống đồng bộ từ tỉnh đến xã trên cơ sở áp dụng phần mềm “một cửa” điện tử thống nhất trong toàn tỉnh. Đặc biệt, mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh - đơn vị hành chính đặc thù (trực thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND và UBND tỉnh) chính là bước đi đột phá, làm thay đổi chất lượng cải cách TTHC; nâng cao tinh thần phục vụ của cơ quan Nhà nước, tạo sự tin tưởng cho tổ chức, cá nhân. Trung tâm trở thành đầu mối tập trung quản lý việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; tham mưu quản lý nhà nước về hoạt động kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC; đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), áp dụng phần mềm điện tử nhằm tin học hóa tất cả các giao dịch hành chính trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Đến nay, 19 sở, ngành và 4 cơ quan ngành dọc (Công an tỉnh, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Công ty Điện lực) đã cử 36 công chức trực chính, 30 công chức trực dự phòng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định đến làm việc tại Trung tâm.

Riêng 11 huyện, thành phố của tỉnh đã kiện toàn bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định với tổng số 95 công chức trực chính, 21 công chức trực dự phòng. Các bộ phận này được trang bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị ứng dụng CNTT để thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông, như: Màn hình tra cứu thông tin, hiển thị tiến độ giải quyết TTHC; phát sóng wi-fi, hệ thống mạng LAN, bảng thông báo điện tử, máy tính bảng đánh giá sự hài lòng của người dân; 100% bộ phận “một cửa” đều có đường truyền internet, đa phần các vị trí trực tiếp tham gia giải quyết TTHC được trang bị máy tính kết nối internet…

Theo số liệu tổng hợp từ Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh: Trong 8 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả trên địa bàn tỉnh lên đến 51.380 hồ sơ. Số hồ sơ phải giải quyết xong trong kỳ là 48.512 hồ sơ (trong đó, hồ sơ đã giải quyết trước hạn chiếm đến 70,72%; đúng hạn đạt 14,48%; quá hạn chiếm 10,87%; đang giải quyết nhưng quá hạn chỉ chiếm 3,93%)… Có 351 hồ sơ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trực tuyến. Cùng với kết quả trên, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành mới 444 TTHC; sửa đổi, bổ sung 416 TTHC; thay thế 18 TTHC; bãi bỏ 109 TTHC; rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết đối với 339 TTHC so với quy định. Đồng thời, tiếp nhận 362 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 86 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tiếp nhận hàng nghìn TTHC qua bưu chính và tại bộ phận “một cửa” điện tử các cấp; xây dựng quy trình liên thông giải quyết 191 TTHC giữa 18 cơ quan; cập nhật, đăng tải lên Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh và tích hợp dữ liệu, nhập sửa đổi, bổ sung thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 987 TTHC. Theo số liệu tổng hợp trên công cụ đánh giá qua mạng xã hội (Zalo, Facebook), máy tính bảng: Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh có 17 cơ quan, 30 giao dịch viên được khách hàng đánh giá hài lòng, rất hài lòng với tỷ lệ lần lượt 95,24% và 99,48%.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC và kiểm soát TTHC được cấp ủy, chính quyền tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện CCHC. Quá trình thực hiện có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, sự đồng thuận, hưởng ứng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Chính điều này góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan chính quyền và người dân, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC. Trên cơ sở đó, tăng cường sự minh bạch, khách quan trong giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, qua “nhiều cửa”, nhiều cấp chính quyền để giải quyết công việc. Đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết TTHC của các cấp chính quyền địa phương và là biện pháp tích cực nhằm đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.

Minh chứng cho quyết tâm “Đẩy mạnh CCHC vì Hà Giang phát triển”, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân của các cấp, ngành trong tỉnh chính là kết quả không ngừng cải thiện những chỉ số quan trọng: Trong 2 năm 2017 – 2018, tỉnh ta tăng liên tiếp 7 bậc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố. Năm 2018, xếp thứ 34 về Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 27 bậc so với năm 2017; đứng vị trí thứ 17 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (tăng 5 bậc so với năm 2017). Đặc biệt, chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS)…

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính cấp Chứng minh thư nhân dân

BHG - Nếu như trước đây, để làm Chứng minh thư nhân dân (CMTND), người dân phải đến cơ quan Công an thực hiện các bước theo quy định và đợi trong thời gian khá dài. Nhưng hiện nay, người dân có thể đăng ký làm CMTND qua mạng, nhận CMTND qua hệ thống bưu điện; thậm chí được hoàn thiện các thủ tục và nhận CMTND tại nhà hoặc trường học. Đó được xem là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của lực lượng Công an tỉnh, với mục tiêu vì nhân dân phục vụ.

 

31/05/2019
Quang Bình tập huấn nghiệp vụ CCHC cho cán bộ, công chức

BHG - Sáng 27.8, UBND huyện Quang Bình phối hợp với Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc UBND huyện Quang Bình. Dự Lễ khai giảng có lãnh đạo các cơ quan đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

 

28/08/2019
Xã Chiến Phố đẩy mạnh cải cách hành chính

BHG - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng thực thi công vụ, tạo lực đẩy cho KT – XH địa phương phát triển. Có mặt tại trụ sở UBND xã vào sáng thứ 2 đầu tuần, chưa đến 7 giờ sáng, cán bộ, công chức (CBCC) xã đã có mặt, trang phục chỉnh tề và đeo thẻ công chức đầy đủ, ngồi ngay ngắn tại vị trí làm việc.

27/06/2019
Thành phố Hà Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính

BHG - Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang, với quyết tâm thực hiện các mục tiêu trong 6 nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Ttrong đó, đặc biệt coi trọng công tác cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong CCHC...

26/06/2019