Hà Giang

Chè chốt 468 và câu chuyện khởi nghiệp của anh Lý Đức Dân

17:10, 11/09/2021

BHG - Phía sau thương hiệu Chè chốt 468, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là câu chuyện khởi nghiệp đầy nỗ lực, cảm động của chàng thanh niên Lý Đức Dân, thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm Chè chốt 468 của HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy
Lý Đức Dân giới thiệu sản phẩm Chè chốt 468 của HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy

Lý Đức Dân sinh năm 1993 nơi vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Tuổi thơ đầy nhọc nhằn của chàng thanh niên gắn liền với những vườn chè Shan tuyết cổ thụ, bởi thế, tình yêu và ước mơ làm giàu với cây chè quê hương cũng lớn dần theo năm tháng. Gia đình Dân có truyền thống làm chè từ lâu đời, nhưng chè được thu hái nhỏ lẻ, sản phẩm chè mang bán ở chợ xã chỉ đủ tiền đổi lương thực, thực phẩm cho gia đình. Muốn phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập lớn, cần phải liên kết sản xuất bền vững và xây dựng thương hiệu riêng bằng sản phẩm chất lượng. Nghĩ là làm, năm 2017, Dân vận động bà con liên kết, thành lập HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy. HTX có 13 thành viên, chủ yếu sản xuất, chế biến chè với quy mô 150 ha tại 4 thôn: Nà Toong, Cốc Nghè, Nặm Ngặt và Lùng Đoóc; tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 – 6 triệu đồng/người. Riêng gia đình Dân còn đầu tư phát triển chăn nuôi gà, lợn, thu nhập hàng năm đạt trên 150 triệu đồng.

Sao chè tại HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy
Sao chè tại HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ, Dân mạnh dạn đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển HTX như: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư trang thiết bị hiện đại; xây dựng thương hiệu sản phẩm Chè chốt 468; tham gia cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh;  cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu sạch để sản xuất chè hữu cơ; ký hợp đồng với tất cả các hộ trồng chè thu mua và tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm.

Năm 2018, HTX được hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn Quỹ khuyến công địa phương để đầu tư thiết kế, in bao bì sản phẩm. Dân đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả, tạo ra sản phẩm Chè chốt 468 chất lượng với bao bì đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các hoạt động khuyến công của địa phương, của tỉnh cũng đã hỗ trợ, tạo những không gian để HTX có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm Chè chốt của mình vươn rộng ra thị trường.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2020, sản phẩm Chè chốt 468 của HTX đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic Agriculture. Nói về thương hiệu Chè chốt 468, Dân chia sẻ: “Tôi lớn lên trên mảnh đất vùng biên Thanh Thủy đầy khó khăn, nơi ghi dấu sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của các anh hùng liệt sỹ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Điểm cao 468 là địa danh lịch sử đầy tự hào. Vì vậy HTX chọn đặt tên cho sản phẩm là Chè chốt 468 là để ghi nhớ lịch sử truyền thống dân tộc, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh thanh xuân của mình cho vùng chè Thanh Thủy xanh tốt hôm nay; đồng thời cũng là xây dựng thương hiệu chè đặc biệt, riêng có của chính mình.”

Là 1 đảng viên trẻ, Lý Đức Dân không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, đẩy mạnh học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể mỗi ngày. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng tháng 4.2021 vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 của  Bộ chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 được Dân treo trang trọng trong gian giữa ngôi nhà. Dân bảo: “Mỗi ngày đều ngắm nhìn Bằng khen, tự hứa với bản thân mình phải nỗ lực hơn nữa. Trong rất nhiều nội dung lựa chọn để học tập và làm theo Bác, tôi tâm đắc nội dung vì nhân dân phục vụ. Là cán bộ bán chuyên trách Hội Nông dân xã Thanh Thủy, là đảng viên, ngoài tinh thần đoàn kết, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôi luôn vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tế cuộc sống để phát triển kinh tế hộ gia đình; quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.”  

Rời HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy khi bóng chiều đã ngả, chúng tôi mang theo niềm trăn trở của chàng trai trẻ Lý Đức Dân gửi đến ngành chức năng: "Tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nhưng Nà Toong chưa có điện lưới. Muốn làm gì cũng khó.”

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp với nghề chăm sóc thú cưng ở Hà Giang

BHG - Bác sĩ thú y không phải là một nghề mới, tuy nhiên tại Hà Giang vẫn còn rất ít người theo đuổi nghề này. Nhìn nhận được những tiềm năng còn bỏ ngỏ, chị Phùng Thị Hảo – chủ phòng khám Thú y Hà Giang (Tổ 8, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) là một trong những người tiên phong đưa dịch vụ thú y trở nên phổ biến hơn tới người dân ở Hà Giang.

31/03/2021
Triệu Quang Vinh khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ

BHG - Năm 2008, hồ thủy điện Nặm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) dâng nước, gần 20 ha đất trồng lúa của thôn Nặm An nằm dưới lòng hồ. Diện tích đất lúa của thôn bị thu hẹp, anh Triệu Quang Vinh, dân tộc Dao, người con của quê hương Nặm An luôn trăn trở tìm hướng đi mới để thoát nghèo.

20/01/2021
Hoàng Minh Dương với mô hình nuôi Ba Ba

BHG - Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện Xín Mần phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình do đoàn viên, thanh niên làm chủ đã mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống. Điển hình như mô hình nuôi Ba Ba của đoàn viên Hoàng Minh Dương (sinh năm 1997), thôn Nậm Sái, xã Nà Chì (Xín Mần) đã trở thành tấm gương điển hình "dám nghĩ, dám làm", làm giàu trên quê hương.

19/07/2021
Vương Quốc Hiếu với khát vọng làm giàu trên nương rau
BHG - Thời gian qua, "luồng gió" khởi nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ; đây cũng là hướng phát triển sinh kế dành cho thanh niên có sức trẻ, ý chí vươn lên làm giàu. Trong đó, có thể kể đến niềm khao khát, ý chí quyết tâm và khát vọng làm giàu trên chính nương ngô, mảnh ruộng nơi vùng quê của thanh niên Vương Quốc Hiếu, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến. 
18/02/2021