Thoát nghèo nhờ trồng cây Thanh long

15:08, 13/08/2020

BHG - Anh Phạm Võ Quan - người mạnh dạn mang cây Thanh long ruột đỏ Thái Lan về trồng ở thôn Lùng Châu, xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã thành công vượt sự mong đợi.

Anh Phạm Võ Quan kiểm tra sự phát triển của quả Thanh long ruột đỏ.
Anh Phạm Võ Quan kiểm tra sự phát triển của quả Thanh long ruột đỏ.

Phạm Võ Quan sinh ra trong một gia đình người Hoa, đã định cư 5 đời ở xã Thuận Hòa, có hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế. Bố mẹ sinh được 9 người con, Phạm Võ Quan là con thứ 6 trong nhà. Từ bé Quan đã quen với cuộc sống vất vả, nên trong suy nghĩ và tư tưởng luôn hướng về những ước mơ làm giàu trong tương lai. Sau khi học hết lớp 12, anh học ở Trường Trung cấp Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh, rồi  trải nghiệm qua nhiều ngành nghề từ thủ công đến buôn bán… Đến 2014, Phạm Võ Quan mạnh dạn đưa cây Thanh long ruột đỏ Thái Lan về trồng thử nghiệm trên vùng đất quê hương, sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây đã ra quả to đều, ruột màu đỏ tím, vị ngọt thanh.

Trang trại của anh có tổng diện tích khoảng 1,5 ha, cây trồng chính là Thanh long ruột đỏ Thái Lan, Mía đường cao sản 93159 được anh lặn lội sang huyện Tây Chu, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mang về. Do hợp với thổ nhưỡng, Mía đường 93159 cho lượng đường rất cao. Ngoài ra, trang trại còn trồng rất nhiều rau, củ, quả,… được xuất bán tại chợ đầu mối thành phố Hà Giang.

Anh Phạm Võ Quan chia sẻ: Quả Thanh long ruột đỏ Thái Lan thu hoạch được bán sỉ với giá 30.000 đồng/kg, mỗi lứa thu 7 tấn quả, mỗi năm thu hoạch 6 lứa, cho thu nhập 1.260.000.000 đồng/năm. Mía đường cao sản 93159 mỗi năm cho sản lượng 800 tấn, với giá bán 1.050 đồng/kg, đem lại thu nhập 840.000.000 đồng/năm. Tận dụng khoảng cách đất trống giữa các cột trồng Thanh long, anh trồng xen các loại rau màu: Bí nếp, rau cải nương, rau ngũ gia bì,… mang lại cho anh 600.000.000 đồng/năm. Thanh long ruột đỏ cần rất nhiều phân bón, nên anh nuôi bò vừa để bán con giống vừa lấy phân bón cho cây. Năm 2019, anh bán 110 con bò vàng, thu được 1 tỷ 500 triệu  đồng. Trang trại của anh tạo việc là cho 8 lao động tại địa phương. Nhờ  trồng Thanh long và Mía đường… Phạm Võ Quan đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua nhiều tiện nghi, đồ dùng đắt tiền…

Chị Sầm Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Quang cho biết: Phạm Võ Quan là người ham học hỏi, tìm tòi những kinh nghiệm, các kiến thức nông, lâm nghiệp, chịu khó tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây ăn quả... Anh là người hòa nhã, khiêm tốn, biết chia sẻ giúp đỡ mọi người nên được bà con gần xa yêu quý; là tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi của xã Phong Quang.

Từ suy nghĩ dám đi trước, dám thay đổi tư duy đã giúp Phạm Võ Quan có được kinh tế vững vàng và tạo điều kiện cho bà con nông dân có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người dân trong huyện và thành phố Hà Giang đến học hỏi, mua giống cây đều được anh ân cần chia sẻ những kinh nghiệm quý báu…

Mong muốn được mang Thanh long đỏ Thái Lan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một ngày gần nhất, anh Phạm Võ Quan luôn ý thức cần nỗ lực tìm tòi, sáng tạo những hướng đi mới, tạo niềm tin vững bước tương lai.

Bài, ảnh:  ĐỨC NINH


Cùng chuyên mục

Hội thi giới thiệu gian hàng khởi nghiệp – sáng tạo của phụ nữ thành phố Hà Giang

BHG - Sáng 30.7, Hội LHPN thành phố Hà Giang tổ chức Hội thi giới thiệu gian hàng khởi nghiệp – sáng tạo và ẩm thực du lịch. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; thành phố Hà Giang được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây  dựng Nông thôn mới và kỷ niệm 10 năm ngày thành lập thành phố.

 

30/07/2020
Người đưa giống lợn rừng Thái Lan về đất Linh Hồ

BHG - Phong trào "Thanh niên học tập và làm theo gương Bác" phát triển kinh tế được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Vị Xuyên hưởng ứng tích cực. Với nghị lực quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh Phùng Văn Giai, thôn Bản Đông, xã Linh Hồ là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ có chí hướng khởi nghiệp và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

 

30/03/2020
Nguyễn Văn Khuy làm giàu từ dịch vụ homestay

BHG -  Với thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt bát và dễ gần là những hình ảnh ấn tượng khi mới gặp anh Nguyễn Văn Khuy (sinh 1995), thôn Cốc Pảng, xã Du Già (Yên Minh); chủ cơ sở lưu trú Du Già homestay.  Anh Khuy đã chọn kinh doanh dịch vụ homestay để khởi nghiệp, nhằm truyền cảm hứng về không gian văn hóa dân tộc và quảng bá du lịch trên mảnh đất quê hương và gây dựng kinh tế gia đình.

 

28/02/2020
Chàng trai "xương thủy tinh" vượt lên số phận

BHG - Sinh ra và lớn lên không may mắn, chàng trai người Nùng Vương Quốc Trường, sinh năm 1986, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) bị liệt 2 chân, nhưng anh luôn có ý chí, nghị lực vượt lên chính mình, làm giàu cho gia đình và xã hội. Ngay từ lúc 5 tuổi, gia đình phát hiện anh bị bệnh xương thủy tinh ở 2 chân, cứ hoạt động mạnh là gãy, do gãy nhiều lần đến nay chân anh bị teo, đi lại rất khó khăn. Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng chạy nhảy vui chơi...

25/04/2020