Đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng khởi nghiệp từ nuôi thỏ

10:04, 27/09/2018

BHG - Với vóc dáng thư sinh, nụ cười hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ; chàng trai Nguyễn Tiến Dũng (sinh 1995), trú tại tổ 2, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã gây dựng cho mình cơ nghiệp khá ổn định và bền vững từ mô hình chăn nuôi thỏ được Dũng ấp ủ từ nhiều năm trước và quyết tâm thực hiện, giờ đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Nguyễn Tiến Dũng với mô hình chăn nuôi thỏ.
Nguyễn Tiến Dũng với mô hình chăn nuôi thỏ.

Tốt nghiệp THPT năm 2013, Dũng không thi đại học mà đi học nghề và làm công nhân điện tử tại Khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương, với mức lương 5 triệu đồng/tháng để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Sau 2 năm làm việc, nhận thấy đồng lương không đảm bảo trang trải cho cuộc sống bản thân và phụ giúp gia đình, năm 2015, Dũng quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, nghề nuôi thỏ rất phù hợp với khí hậu ở địa phương; thỏ lại ít dịch bệnh, thị trường rộng, giá trị kinh tế cao và có khả năng làm giàu... Nguyễn Tiến Dũng đã “khăn gói” đến học hỏi tại các trang trại nuôi thỏ thành công ở một số tỉnh, cùng với đó là nghiên cứu trên báo, đài, mạng Internet để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về nuôi thỏ. Với số vốn tích góp được, Dũng đã nhập 20 con thỏ giống New Zealand về nuôi. Đây là giống thỏ trắng có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, chất lượng thịt thơm, ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cùng với đó là đầu tư xây dựng lồng, chuồng nuôi thỏ trên diện tích 120 m2 của gia đình và trang bị đầy đủ hệ thống uống nước tự động, đệm lót sinh học… Nhờ sự chịu khó, cần cù, chăm chỉ; sau 6 tháng, mô hình nuôi  thỏ của Dũng đã tăng đàn lên 200 con. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, đàn thỏ đã tăng lên 1.000 con. Với giá bán thỏ thịt hiện tại từ 120.000 – 150.000 đồng/kg; thỏ giống 150.000 đồng/đôi; mỗi tháng, Dũng xuất bán ổn định cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang từ 3 - 4 tạ thỏ thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm Dũng thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Hiện tại, mô hình chăn nuôi thỏ đang được Nguyễn Tiến Dũng mở rộng thêm 60 lồng, nuôi thêm hơn 1.000 con để đảm bảo cung ứng nguồn thịt và con giống ra thị trường. Bên cạnh đó, Dũng còn tận dụng nguồn chất thải từ thỏ để nuôi giun quế được xây dưới diện tích chuồng thỏ dùng làm thức ăn cho gà, ngan, lợn giúp đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Trao đổi với chúng tôi, Dũng nhỏ nhẹ chia sẻ: “Trước kia đi làm công nhân đồng lương bấp bênh, tạm đủ sống; với khao khát muốn làm giàu và được khẳng định bản thân, tôi quyết định quay về quê để lập nghiệp. Thấy mô hình nuôi thỏ khả thi, vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao và cũng chưa nhiều người thực hiện; nên tôi mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Đến nay, mô hình đã cho hiệu quả khả quan, nguồn thịt suất bán ổn định; hàng tháng cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí. Hiện tại, tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thỏ, giun quế và lươn không bùn”.

Không những làm kinh tế giỏi, Dũng còn rất năng nổ tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn tại địa phương, luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình cho các đoàn viên, thanh niên đến học tập và được cấp ủy, chính quyền, Đoàn cơ sở đánh giá cao mô hình chăn nuôi này. Bí thư Đoàn thị trấn Việt Lâm, Đào Thị Huyền cho biết: “Đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng rất năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm trong phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thị trấn. Mô hình nuôi thỏ của Dũng đã được Đoàn thị trấn biểu dương, khen thưởng và được nhiều đoàn viên, thanh niên của thị trấn tới tham quan, học hỏi để cùng phát triển, vươn lên làm giàu”.

Có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng, xứng đáng là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn thị trấn Việt Lâm. Đây cũng là tấm gương về ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm để các đoàn viên, thanh niên học hỏi, làm theo để phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng từ bàn tay, khối óc của mình.

Bài, ảnh: AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ Mô hình Dịch vụ du lịch ở Xín Mần

BHG - Khởi nghiệp không bao giờ muộn với những ai có ý chí, quyết tâm mong muốn thay đổi cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế cho quê hương và xã hội - điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của chị Phạm Thị Cúc. Chị Phạm Thị Cúc, sinh năm 1984, tại huyện Bắc Quang. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại Thái Nguyên, chị trở về quê bươn trải nhiều nghề, nhưng thu nhập không đảm bảo. Năm 2010, chị quyết định lên Xín Mần lập nghiệp...

30/08/2018
Người đoàn viên dám nghĩ, dám làm

BHG - Đến thôn Lùng Càng, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên gặp Hoàng Xuân Tình, chàng thanh niên trẻ, người Tày sinh (năm 1992) luôn trăn trở nghĩ cách làm giàu trên mảnh đất quê hương mình; từ lâu được bà con trong thôn đánh giá là người năng nổ, cần cù, biết tìm hướng đi để làm kinh tế.Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Hoàng Xuân Tình luôn ý thức được những khó khăn, vất vả mà bố mẹ mình đã trải qua. Học hết phổ thông,  Hoàng Xuân Tình nhường cho em gái có thêm điều kiện để học lên cao hơn… 

28/06/2018
Chung kết cuộc thi ý tưởng Thanh niên khởi nghiệp năm 2018

BHG - Vừa qua tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tổ 8, phường Quang Trung TPHG, UBND tỉnh đã tổ chức Chung kết cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp năm 2018. Dự có các đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hội đồng thẩm định; lãnh đạo Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF); lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; các sở, ban, ngành, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tỉnh cùng lãnh đạo UBND các huyện, thành phố…

28/06/2018
Trao "cần câu" cho thanh niên

BHG - Làm thế nào để phát triển ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc sản của địa phương thành hàng hóa có giá trị? Những câu hỏi này luôn thường trực trong đầu của thanh niên nông thôn mong muốn khởi nghiệp. Giải đáp những thắc mắc này, vừa qua huyện Quản Bạ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp (TT.BSA) mở lớp tập huấn "Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ" cho thanh niên.

 

25/08/2018