Hà Giang

Khởi nghiệp từ mô hình Homestay

16:05, 01/05/2018

BHG - Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi, chị Lý Thị Hồng Thu (sinh năm 1990), người dân tộc Dao, ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã mạnh dạn khởi nghiệp từ dịch vụ Homestay và bước đầu thành công.

Chị Thu (bên trái) giới thiệu với du khách người Đức (lưu trú tại Homestay của gia đình) về văn hóa của người Dao.
Chị Thu (bên trái) giới thiệu với du khách người Đức (lưu trú tại Homestay của gia đình) về văn hóa của người Dao.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện theo học chuyên nghiệp, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị Thu lập gia đình và làm nông nghiệp. Đến khi Nặm Đăm trở thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, chị Thu được nhận làm quản lý cho Homestay “Dao Lodge”. Lúc này, chị mới có điều kiện biết và học hỏi thêm về mô hình này.

Chị Thu chia sẻ: Qua thời gian làm việc tại “Dao Lodge”, được tiếp xúc nhiều với khách hàng và các hoạt động du lịch; nhận thấy tiềm năng lớn từ việc kinh doanh du lịch trải nghiệm - đó là lý do chị quyết định khởi nghiệp từ mô hình Homestay. Được chồng và gia đình ủng hộ, chị Thu bỏ ra 400 triệu đồng để thực hiện mô hình mang thương hiệu “Hong Thu Homestay”. Mang những vẻ đẹp kiến trúc đậm nét của dân tộc Dao, căn nhà được trình tường, gồm 5 gian. Để mang lại những nét truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, chị Thu khéo léo sắp xếp những vật dụng, đồ trang trí trong căn nhà để tạo ra cho du khách không gian ấn tượng nhất nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi.

Tháng 10.2017, Homestay mang tên chị chính thức được khai trương phục vụ du khách trong và ngoài nước. Với số phòng nghỉ tối đa được 26 người, trung bình mỗi tuần gia đình chị đón từ 4 - 5 lượt khách; trong đó, chủ yếu là khách quốc tế ghé thăm và nghỉ lại. Du khách đến với Homestay của gia đình ngày một đông và phần nhiều là khách nước ngoài, chị Thu còn học thêm tiếng Anh giao tiếp cơ bản, vừa phục vụ công việc vừa nâng cao trình độ bản thân.Chị Thu cho biết thêm, du khách khi đến với “Hong Thu Homestay” được trải nghiệm rõ nét nhất cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Ngoài việc sinh hoạt tập thể, họ còn có thể tham gia vào các hoạt động của người dân địa phương như: Làm ruộng, đi cấy, gặt lúa, nấu cơm, học một số nhạc cụ truyền thống  và tự tay thử làm những món ăn đặc sản của người dân tộc Dao. Lúc này, du khách được thỏa sức trải nghiệm cuộc sống vùng Cao nguyên đá và được coi như một thành viên trong gia đình.

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, Homestay của chị Thu đã thu về trên 17 triệu đồng tiền lãi. Bước đầu thành công, chị tự tin sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của Homestay và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài làm mô hình Homestay, gia đình chị Thu còn nuôi thêm 8 con trâu, 7 con lợn đen và nhiều gà, vịt phục vụ gia đình và du khách nghỉ lại.

Dám nghĩ, dám làm, Homestay của gia đình chị Thu đang dần trở thành điểm tham quan, lưu trú được rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến, lựa chọn; không chỉ là mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định và khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều gia đình, bạn trẻ ở địa phương vượt khó vươn lên.

Bài, ảnh: BÙI HƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209  HĐND tỉnh; chàng thanh niên Lục Văn Truân ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

26/02/2018
Chàng trai người Dao làm giàu từ cây chè

BHG - Về xã Quảng Nguyên (Xín Mần) tìm hiểu cây chè, tôi được khuyên đến gặp anh Lý Chàn Quên, thôn Quảng Hạ, người làm giàu thành công từ sản phẩm chè địa phương. Đến xưởng, lúc công nhân đang phơi, sấy mẻ chè đen sau 2 ngày mưa gió, nhìn quy mô nhà xưởng rộng rãi, cửa hàng tạp hóa khang trang, tôi càng cảm phục nghị lực của chàng trai người Dao đã gây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm. Rót xong chén chè xanh mời khách, Lý Chàn Quên kể về quãng thời gian gây dựng cơ ngơi. "Nhà mình trước ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), năm 2008 mới chuyển lên đây kiếm sống"...

24/04/2018
Đoàn Tuấn Anh khởi nghiệp với Mô hình trồng rau an toàn

BHG - Trồng rau sạch trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên Đoàn Tuấn Anh, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và bản tính cần cù, chịu khó, anh đã cung cấp cho thị trường mỗi ngày hàng chục kg rau sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới.

 

23/03/2018
Những đảng viên tiên phong khởi nghiệp ở Bắc Quang

BHG - Vào trung tuần tháng 3, theo chân cán bộ Huyện đoàn Bắc Quang, chúng tôi được "mục sở thị" nhiều mô hình phát triển kinh tế của các đảng viên. Những ngày này, tại Hợp tác xã (HTX) Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh, những luống hoa cúc cuối cùng đang được thu hoạch để nhường đất cho việc gieo trồng các loại rau, củ mới. Xuất phát từ ý tưởng đưa cây hoa ly, đào và các sản phẩm nông nghiệp sạch vào sản xuất trong nhà lưới để cung cấp cho thị trường Hà Giang, phương án sản xuất kinh doanh của HTX đã được huyện Bắc Quang chọn là một trong những phương án điểm để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thông qua cơ chế cho vay đầu tư có thu hồi của huyện, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay 250 triệu đồng không lãi suất  trong thời gian 3 năm từ Quỹ thanh niên khởi nghiệp của huyện để đầu tư sản xuất kinh doanh...

 

21/03/2018