Người phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Sủa Pả A

08:09, 19/09/2017

BHG - Sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, lam lũ, chị Vàng Thị Mỷ, người con của dân tộc Mông, sinh năm 1984 ở thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) thấu hiểu rằng muốn để con cái có được một tương lai tốt đẹp, gia đình được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì phải tìm cách để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh lên nương rẫy tìm cái ăn mỗi ngày.

Quyết tâm khởi nghiệp để vượt lên hoàn cảnh, nhưng phải bắt đầu từ đâu khi gia đình chị thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, tay nghề khiến chị nhiều đêm trăn trở. Năm 2013, trong một vài lần đi chợ phiên, chị thấy nhu cầu tiêu thụ quần áo, trang phục dân tộc ngày càng lớn, vừa để phục vụ cuộc sống hàng ngày, vừa để bán cho khách du lịch, trong khi nhiều phụ nữ trong thôn đã không còn mặn mà với nghề may truyền thống. Chị đã quyết tâm học may, mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để đầu tư mua máy khâu, vải và bắt tay vào may trang phục truyền thống dân tộc bán tại chợ Phố Cáo. Trời không phụ công người chăm chỉ, chịu khó, công việc buôn bán của chị thuận lợi, số lượng trang phục chị tự may không đủ để cung cấp cho thị trường. Đầu năm 2015, chị tiếp tục đầu tư mua thêm máy khâu, xây nhà làm việc rộng rãi, thuê thêm nhân công để may theo đơn đặt hàng.

Sản phẩm của gia đình chị đã thoát khỏi thị trường chật hẹp ở chợ phiên, vươn khắp vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện khác trong tỉnh, rồi đến những đơn đặt hàng lớn từ Tuyên Quang, Thái Nguyên và các tỉnh khác có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hàng năm, gia đình chị tạo việc làm cho khoảng 20 lao động nữ với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Phát triển nghề may trang phục truyền thống dân tộc, chị Mỷ đang góp sức mình để phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc.

Bên cạnh nghề may, chị Mỷ đầu tư mở thêm cửa hàng tạp hóa; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình chị đạt trên 190 triệu đồng/năm. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, đại hội phụ nữ các cấp, chị đều được mời tham luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp chị em phụ nữ noi theo.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, tạo nhiều việc làm cho chị em phụ nữ trong xã mà chị Vàng Thị Mỷ còn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thiếu vốn sản xuất. Chị đầu tư mua hàng chục con bò, lợn, dê cho phụ nữ trong thôn nuôi giẽ, vừa tăng thu nhập, vừa giúp họ vươn lên thoát nghèo. Là một hội viên gương mẫu, chị luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào quyên góp, ủng hộ, từ thiện tại địa phương; nhiều năm liền gia đình được công nhận Gia đình Văn hóa, các con chị chăm ngoan, học giỏi...

Nói về thành quả có được ngày hôm nay, chị Mỷ chia sẻ: “Ở trên vùng Cao nguyên đá này, phần lớn phụ nữ đều nghèo, vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Mình phải quyết tâm vươn lên để cái nghèo không còn đeo đẳng nữa, để con cái được học hành và có tương lai tốt đẹp hơn; tôi mong có thêm nhiều chị em mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế để làm chủ cuộc sống”.

AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên "khởi nghiệp" đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình. 

31/08/2017
Vi Hồng Tưởng vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng

BHG- Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà (Mèo Vạc). Từ nhỏ, Vi Văn Tưởng (sinh năm 1994) đã phải theo bố, mẹ lên nương làm rẫy. Thấu được sự nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ, Tưởng đã cố gắng học tập, mong muốn sau này có kiến thức để thoát khỏi cảnh đói, nghèo. 

29/08/2017
Giám đốc trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương Việt Lâm

BHG - Là một trong những người trẻ tuổi được tiếp cận với phong trào khởi nghiệp từ rất sớm; năm 2013, khi còn là sinh viên năm thứ nhất Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, chàng thanh niên trẻ Hà Ngọc Châm đã tham gia vào CLB Khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội. 

28/07/2017
Ấn tượng Hợp tác xã Thanh niên khởi nghiệp ở Bắc Quang

BHG- Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng sự xuất hiện của Hợp tác xã (HTX) Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh (Bắc Quang) như minh chứng cho sự kết hợp ấn tượng. Giữa một xu hướng đang được nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh lựa chọn phát triển kinh tế (thành lập HTX) và một phong trào đang có sức lan tỏa (khởi nghiệp) để hình thành nên HTX Thanh niên khởi nghiệp (TNKN).

23/08/2017