Tuổi trẻ Quang Bình với phong trào khởi nghiệp

07:31, 22/08/2017

BHG- Huyện đoàn Quang Bình hiện có 2.585 đoàn viên (ĐV), sinh hoạt ở 42 cơ sở Đoàn. Để phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên (TN), thời gian qua, Huyện đoàn Quang Bình đã tích cực hưởng ứng khởi nghiệp... Tuy nhiên, trong phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Quang Bình nói riêng, cũng như ở các địa phương vùng sâu, vùng xa cho thấy, bên cạnh những yếu tố luôn sẵn có như lửa nhiệt huyết, quyết tâm vượt khó, làm giàu của TN là bộn bề những khó khăn, thiếu thốn về nguồn vốn, kỹ năng khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật... Hơn nữa, là địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ĐVTN còn nhiều rụt rè trong ý tưởng khởi nghiệp, tư tưởng phấn đấu đi học cao đẳng, đại học để vào làm trong các cơ quan Nhà nước hoặc đi làm thuê ở thành thị vẫn còn phổ biến, ít TN có ý chí khởi nghiệp tại quê hương... là những khó khăn không nhỏ trong phong trào khởi nghiệp ở Quang Bình..

Xưởng cơ khí của anh Chu Ngọc Thuyết, xã Tân Trịnh.
Xưởng cơ khí của anh Chu Ngọc Thuyết, xã Tân Trịnh.

Theo chân cán bộ Huyện đoàn Quang Bình, chúng tôi đến thăm xưởng cơ khí của anh Chu Ngọc Thuyết, trú tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh. Tốt nghiệp khoa Giáo dục thể chất – Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang nhưng không xin được công việc mong muốn, Thuyết đi làm cho một xưởng cơ khí ở thành phố Hà Giang, sau hơn 2 năm, anh trở về quê để mở xưởng. Trải qua rất nhiều khó khăn ban đầu, đến nay, xưởng cơ khí của anh hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3 – 5 lao động địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 350 triệu đồng từ cơ sở sản xuất. Anh Thuyết cho biết: “Thời gian đầu mình gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, thiếu nhân công, máy móc, thiết bị, hơn nữa chưa tạo dựng được thị trường khách hàng. Sau hơn 2 năm vừa làm vừa tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường đến nay mới dần đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, mình vẫn cần thêm một số vốn khá lớn để mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị...”.

Không chỉ riêng anh Thuyết mà rất nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Quang Bình khi muốn khởi nghiệp đều cùng chung một nỗi niềm “khát” vốn. Hơn nữa, họ lại thiếu kinh nghiệm sản xuất, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm... Đa số ĐVTN thiếu kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Ý tưởng mới, sáng tạo của TN tuy có nhưng chưa nhiều. Phần lớn các mô hình phát triển kinh tế trong TN hiện nay thường bắt nguồn từ kinh nghiệm sản xuất truyền thống, thiếu sự đầu tư hay liên kết giữa các bên để tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định.

Anh Đỗ Văn Hậu, Phó Bí thư Huyện đoàn Quang Bình cho biết: “TN muốn khởi nghiệp thành công thì ý chí, quyết tâm của bản thân là điều kiện tiên quyết. Nhưng để hiện thực hóa điều đó thì vấn đề tài chính luôn được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, ĐVTN trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức truyền thông, tư vấn, khuyến khích TN chủ động tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp – dạy nghề, tạo việc làm cho TN phù hợp với trình độ, sở trường, năng lực của bản thân và điều kiện của địa phương...”. 

Có thể nói, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình ngày càng sôi nổi và được đông đảo ĐVTN nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, thách thức đối với TN muốn khởi nghiệp vẫn còn nhiều và để các mô hình kinh tế do TN tạo dựng thực sự bền vững thì các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện về chính sách ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn và thị trường sản phẩm để phát triển các lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng cho TN. Đồng thời, giúp TN được tiếp cận với thủ tục, quy trình hành chính đơn giản từ thủ tục vay vốn, thành lập doanh nghiệp, HTX; tìm kiếm đầu ra, kết nối thị trường tiềm năng vững chắc cho các sản phẩm của TN...

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Giám đốc trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương Việt Lâm

BHG - Là một trong những người trẻ tuổi được tiếp cận với phong trào khởi nghiệp từ rất sớm; năm 2013, khi còn là sinh viên năm thứ nhất Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, chàng thanh niên trẻ Hà Ngọc Châm đã tham gia vào CLB Khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội. 

28/07/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017