Hà Giang

Bí thư Chi bộ thôn, khởi nghiệp từ vườn ươm giống hồng không hạt

07:12, 08/08/2017

BHG- Bác Hồ từng viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Ngụ ý con người muốn tạo dựng sự nghiệp cho mình phải bắt đầu từ tuổi trẻ; bởi đó là tuổi dám nghĩ, dám làm và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ước mơ. Thế nhưng, có những anh, chị đã ngoài 30 hay những người tóc đã điểm hoa râm ở tuổi 40 mới bắt đầu khởi nghiệp để thực hiện ước mơ thoát nghèo, làm giàu cho mình. Đó là, Bí thư Chi bộ Vương Trung Hùng (sinh 1974) ở thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) với việc gây dựng vườn ươm giống hồng không hạt (HKH) khá thành công, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn ươm giống hồng không hạt nhà anh Vương Trung Hùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).
Vườn ươm giống hồng không hạt nhà anh Vương Trung Hùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).

Quãng đường chỉ hơn 3 km, đi hết gần 40 phút đồng hồ để vào thôn Phín Ung; con đường trơn trượt vì những cơn mưa tầm tã trước đó vài ngày, chiếc xe máy liên tục gầm rú, như muốn hất văng người điều khiển xuống đường. Ở vùng đất biên giới khó khăn này, chuyện về vườn ươm của anh Hùng được lãnh đạo xã và bà con luôn hết lời khen ngợi, khiến chúng tôi thêm tò mò. Anh Vương Trung Hùng là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên trên quê hương thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận trong một gia đình nông dân nghèo; anh luôn cố gắng trong khi còn đi học và nuôi ước mơ làm kinh tế để thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh tham gia công tác xã hội từ những năm 1997, trải qua các công việc: Kế toán, Văn thư xã, Công an viên, Trưởng thôn, Phó trưởng Công an xã; ở cương vị công tác nào, anh cũng luôn được bà con tín nhiệm và bầu anh làm Bí thư Chi bộ thôn Phín Ủng từ năm 2006 đến nay. Trong quá trình công tác, anh nhận được rất nhiều Giấy khen của xã, huyện, tỉnh khen thưởng về các thành tích: Bí thư Chi bộ giỏi, phong trào thi đua yêu nước... Trong đó, có 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013, thi đua dân vận khéo giai đoạn 2011 - 2015 và công tác bầu cử năm 2016.

 Câu chuyện về cây HKH ở Nghĩa Thuận thì dài lắm. Không ai ở Nghĩa Thuận biết, cây HKH có chính xác từ thời gian nào; chỉ biết, những cụ nay đã ngoài 80 tuổi kể rằng từ nhỏ đã thấy ông bà trồng loại cây đó. Gia đình anh Hùng cũng vậy, trước đây, nhà anh chỉ có vài cây hồng từ đời ông bà để lại, hàng năm ra quả chỉ để ăn chứ không bán. Đến những năm 1993, 1994 anh nhân rộng và trồng thêm cây để lấy quả ăn. Sau này, khi cây HKH trở thành cây ăn quả đặc sản có thương hiệu và được nhiều người biết đến; bán với giá cao và được thị trường ưa chuộng thì anh mới nhân rộng giống cây này ra để bán. Hiện tại, nhà anh có 1 ha cây hồng không hạt gần 20 năm tuổi với trên 200 gốc; đặc biệt, HKH là loại cây rất khó nhân giống, kể cả bằng cắt ghép thì khả năng sống và ra quả cũng không cao. Chỉ có thể nhân giống bằng cắt rễ cây mẹ rồi ươm bầu để rễ con mọc mầm rồi nhân rộng. Nhiều hộ xung quanh thấy bán được giá, cũng nhân rộng thêm, nhưng giống cây này khá khó ươm. Nhận thấy việc ươm cây giống HKH được nhiều người tìm hỏi mua, đầu năm 2016, anh Hùng quyết định trích 1/3 rễ của khoảng vài chục cây hồng mẹ ra ươm với số lượng lớn được gần 500 bầu. Cuối năm 2016, anh bán hơn 400 bầu, giá bán trung bình là 300 nghìn đồng/cây giống, đem lại thu nhập năm 2016 từ việc bán cây giống HKH được hơn 100 triệu đồng. Cách ươm là đào rễ cây mẹ vào khoảng tháng 12, lúc này khả năng rễ lên mầm sẽ cao hơn, lấy rễ to bằng ngón tay người lớn, cắt khoảng 1/3 rễ cây (để phần còn lại cho rễ nuôi cây mẹ sống). Tiếp tục cắt rễ mỗi đoạn khoảng 20-25 cm cho vào bầu ni-lon có đất sẵn, ngày nào cũng tưới đều nước khoảng 3 tháng sau cây sẽ lên mầm; đến khi cây lên được 20 cm thì lượng nước tưới bớt đi. Tỷ lệ sống sót khi ươm rễ là khoảng 70 – 80 %. Quá trình từ khi là rễ con ươm mầm đến bán cây giống khoảng gần 12 tháng.

Tuy nhiên, không vì thấy cây giống bán được mà anh khai thác rễ triệt để nhân giống. Chúng tôi cũng có thắc mắc tại sao giống cây HKH 300 nghìn đồng/cây, lại đắt đến thế, thì được anh Hùng cho biết: “Vì hạn chế là cây mẹ sau khi bị lấy rễ thì tỷ lệ đậu quả không cao và năng suất, sản lượng quả cũng bị giảm; nếu đầu tư trồng cây giống thì thu nhập từ bán quả sẽ bị giảm. nên hầu như chỉ khi có khách đặt cây giống thì gia đình mới ươm giống. Sắp tới gia đình cũng dự định sẽ nhân rộng thêm cây giống”.

Sau khi thấy vườm ươm của gia đình anh Hùng có hiệu quả, lãnh đạo xã Nghĩa Thuận và huyện Quản Bạ cũng đã xuống tham quan thực tế và đánh giá bước đầu khá thành công, nên đã khuyến khích bà con nhân rộng ra khi thị trường tìm mua giống cây HKH có nhu cầu. Hiện nay, thôn Phín Ủng có trên 10 ha HKH, với trên 90 hộ đều ươm giống hồng tại vườn nhà. Nhưng ươm với số lượng lớn từ 100 bầu trở lên chỉ có khoảng 5-6 hộ. Trong đó, hộ anh Hùng là hộ đầu tiên thực hiện với số lượng bầu lớn nhất. Có thời kỳ, vườn ươm chỉ khoảng 20 m2 và tận dụng ngay tại đồi cây hồng của nhà, số lượng bầu của anh Hùng lên đến 1.000 bầu. Thời gian gần đây, vườn ươm giống cây trồng HKH của anh Hùng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân trên địa bàn huyện và xã. Với niềm đam mê và sự nhạy bén, anh Hùng đã hiện thực hóa ước mong thoát nghèo, vươn tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.Anh Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: “Gia đình anh Vương Trung Hùng là hộ đi đầu trong phát triển vườn ươm giống HKH của xã Nghĩa Thuận. Không chỉ sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, anh còn giúp đỡ và chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn cho bà con xung quanh để cùng nhau nỗ lực vươn lên, cải thiện đời sống”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Giám đốc trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương Việt Lâm

BHG - Là một trong những người trẻ tuổi được tiếp cận với phong trào khởi nghiệp từ rất sớm; năm 2013, khi còn là sinh viên năm thứ nhất Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, chàng thanh niên trẻ Hà Ngọc Châm đã tham gia vào CLB Khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội. 

28/07/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017