Nữ Giám đốc Hợp tác xã trẻ tuổi "bén duyên" với mảnh đất Lùng Tám

06:51, 04/07/2017

BHG- Bên cạnh những thanh niên gốc bản địa, khởi nghiệp với mong muốn thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, còn có nhiều thanh niên khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng đến với vùng đất Cao nguyên đá huyện Quản Bạ, như một cơ duyên và sự nỗ lực vươn lên, góp phần tạo nên nguồn lực cho sự phát triển của địa phương. Đó chính là câu chuyện khởi nghiệp của nữ Giám đốc trẻ Nguyễn Thị Thùy, sinh 1992, ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám.

Chị Nguyễn Thị Thùy đang bán hàng cho khách tại quán tạp hóa của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thùy đang bán hàng cho khách tại quán tạp hóa của gia đình.

Thùy sinh ra trong một gia đình thuần nông tại tổ 9, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang). Sau khi tốt nghiệp lớp Kế toán của Trường Cao đẳng Nghề tỉnh, chị từng làm kế toán cho một vài công ty và làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Đường (TPHG). Năm 21 tuổi, Thùy kết hôn với người thanh niên gần nhà, làm nghề lái xe. Câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng Thùy bắt đầu từ khi chồng chị lái xe chở hàng trên vùng cao, rồi ngẫu nhiên chọn Lùng Tám để 2 vợ chồng khởi nghiệp. Cuối năm 2015, vợ chồng Thùy đưa con nhỏ khi ấy mới được 14 tháng lên sinh sống, làm nhà và mở quán bán hàng tạp hóa ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám với tiền vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng do gia đình giúp đỡ. Thời gian đầu mới lên vùng cao, vợ chồng Thùy gặp không ít khó khăn, do không biết tiếng Mông, mà bà con xung quanh chủ yếu toàn người Mông, cũng chưa quen khách, nên bán được ít hàng. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ, sau 2 năm buôn bán, kinh doanh hàng tạp hóa, bánh kẹo, phân bón, thức ăn chăn nuôi...; đến nay, cửa hàng kinh doanh của Thùy đã phát triển khá thành công, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, khi thấy bà con ở đây mỗi khi vào mùa vụ lại phải đi xe máy hàng chục cây số đường đèo núi để mua phân bón với giá cao, chất lượng khó đảm bảo; Thùy nhen nhóm ý định thành lập Hợp tác xã (HTX) cung ứng phân bón, giống cho bà con. Qua tìm hiểu, biết huyện có chủ trương khuyến khích nhân dân thành lập HTX và được sự tư vấn của chính quyền địa phương, Thùy tự mình vận động bà con trong xã thành lập HTX lấy tên là Đồng Nhất. HTX Đồng Nhất do Thùy làm Giám đốc ra mắt vào tháng 11.2016, với 10 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; kinh doanh các ngành nghề chủ yếu: Thu mua nông sản cho người dân địa phương, cung ứng phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi, bách hóa tổng hợp bán nhu yếu phẩm sinh hoạt, vật liệu xây dựng cùng dịch vụ vận tải. Kể từ khi ra mắt đến nay, bà con đều tin tưởng vào sản phẩm và các thành viên yên tâm tham gia vào HTX.

Thùy cũng luôn trăn trở làm sao tăng doanh thu của  HTX, giúp các thành viên có thu nhập, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Chị đã đứng ra mời các Trưởng thôn làm đầu mối cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp ở các thôn và cùng tham gia vào HTX. Mỗi khi đến mùa vụ, bà con cần mua phân bón sẽ tới liên hệ đặt hàng với các Trưởng thôn, HTX sẽ hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi khi dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua nông sản của bà con như: Lúa, ngô, lạc về bán.  Sắp tới, Thùy cũng có nguyện vọng muốn vay vốn để mở thêm 2 nhà kho, 1 xưởng chế biến nông sản, 1 nhà trưng bày sản phẩm địa phương và cửa hàng bán đồ ăn cho khách du lịch. Ban đầu, mặc dù gặp phải không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với sự quyết tâm, năng động của mình, Thùy vẫn luôn điều hành tốt mọi hoạt động của HTX.

Chị Nguyễn Kim Liễu, Bí thư Đoàn xã Lùng Tám, cho biết: “Có được những thanh niên điển hình, nhất lại là nữ mạnh dạn khởi nghiệp như Thùy là rất đáng quý. Việc này góp phần cổ vũ tinh thần cho nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số tại địa phương muốn phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương trong công cuộc xóa đói; giảm nghèo. Bà con tham gia vào HTX cũng sẽ được lợi nhiều hơn. Thành lập mô hình kinh tế tập thể do người trẻ như Thùy đứng đầu cũng là xu hướng đang được Đảng, Nhà nước rất khuyến khích”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017