Hà Giang

Đoàn Thanh niên xã Lũng Cú với phong trào khởi nghiệp

18:56, 20/06/2017

BHG- Khởi nghiệp đang là phong trào có sức lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Với quyết tâm nỗ lực thoát nghèo bền vững, nâng cao mức sống, Đoàn Thanh niên xã Lũng Cú (Đồng Văn) đã xây dựng các mô hình khởi nghiệp với mục đích khuyến khích đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tự tạo ra công ăn việc làm tại địa phương; không đi lao động trái phép bên kia biên giới. Bí thư Đoàn xã Lũng Cú, Vàng Mí Sính là người đi tiên phong khởi nghiệp bằng cách tìm tòi, nghiên cứu và phát triển diện tích trồng cây lê ở gia đình.

Mô hình nuôi gà đen của anh Thò Mí Sính (xã Lũng Cú, Đồng Văn).
Mô hình nuôi gà đen của anh Thò Mí Sính (xã Lũng Cú, Đồng Văn).

Đến thăm nhà anh Sính, ở thôn Say Sà Phìn, chúng tôi được anh chia sẻ: “Lớn lên trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc còn nhiều gian khó, từ khi tham gia làm công tác Đoàn, tôi luôn suy nghĩ và tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Năm 2010, tôi mạnh dạn trồng thử 250 cây lê giống Đài Loan trên diện tích ban đầu 800 m2; khoảng hơn 3 năm sau cây lê cho thu hoạch, tuy nhiên do cây còn nhỏ nên năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao. Về sau, cây lê phát triển tốt, năng suất quả tăng lên, thu nhập trung bình từ 70 – 80 triệu đồng/vụ. Đến nay, tôi đã trồng thêm hơn 300 gốc lê, diện tích hơn 1 ha. Lê là loại cây ăn quả lâu năm nên chỉ mất công đầu tư trồng một lần, sau không cần đầu tư nhiều; giờ mỗi vụ lê, tôi thu về từ 80 – 100 triệu đồng”. Với điều kiện khó khăn của địa phương, như: Thiếu nước tưới, thời tiết rét đậm, rét hại, sâu bệnh,...; để phát triển được vườn cây ăn trái như trên là không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm, dám chịu thử thách và cả rủi ro. Hiện, mô hình trồng lê của anh Sính đang phát triển tốt và là địa chỉ cho nhiều ĐVTN và người dân trong xã học hỏi kinh nghiệm. Từ khi tự phát triển được mô hình trồng lê, anh Sính rất thuận lợi trong việc vận động ĐVTN tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Được Đoàn xã giới thiệu đến thăm nhà đoàn viên Thò Mí Sính, ở thôn Tả Gia Khau, với mô hình nuôi gà đen địa phương; Sính cho biết: “Tôi học hết lớp 9 thì nghỉ học, nhà tôi ngoài nuôi mấy con bò và 5 – 6 con lợn đen, một năm bán được một lứa nên kinh tế gia đình cũng không có gì. Được sự khuyến khích của Đảng ủy, chính quyền xã và Đoàn Thanh niên; tôi đã phát triển nuôi gà đen địa phương từ năm 2015. Mới đầu gia đình chỉ có hơn chục con gà đen nuôi để phục vụ nhu cầu sinh hoath của nhà và thỉnh thoảng mang ra chợ bán. Nhờ có sự động viên của xã, tôi đã nhân giống và phát triển đàn gà đen đến nay được hơn 200 con. Dù đàn gà đang trong giai đoạn nhân giống, song nhiều người trong thôn đã biết đến, thỉnh thoảng có khách đến tận nhà hỏi mua, với giá bán là 150 nghìn đồng/kg”. Theo anh Sính, gà đen là đặc sản của địa phương, được thị trường rất ưa chuộng, nhất là các nhà hàng trên địa bàn huyện nên việc nuôi gà sẽ có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, do gà đen sinh sản và phát triển chậm; gia đình chỉ cho ăn ngô, thóc nên khoảng 7 – 8 tháng mới bán được 1 lứa. Bù lại thịt gà chắc, ngọt, có chất lượng hơn các loại gà khác nên anh vẫn chọn nuôi gà đen để phát triển kinh tế.

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự cần cù, chịu khó của bản thân; các ĐVTN ở xã Lũng Cú đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi gà, lợn, chim bồ câu, bò... để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và xây dựng quê hương.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017
Khởi nghiệp để hội nhập

BHG- Năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường và chủ động "đặt mình" vào sự chuyển động của thời đại, đội ngũ thanh niên với hoạt động khởi nghiệp hiệu quả thời gian qua đang góp phần quan trọng cho quá trình hội nhập sâu rộng của tỉnh nhà hiện nay.

23/05/2017