Nghị quyết 209 giúp người dân xã Quyết Tiến làm giàu

08:43, 11/05/2017

BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 HĐND tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, quy mô chăn nuôi, phát triển thành những trang trại, gia trại.

Đến thăm gia đình anh Đặng Đức Thành (một trong những hộ được vay vốn nhiều nhất xã) ở thôn Lùng Thàng, anh cho biết: “Từ lâu gia đình tôi đã lấy chăn nuôi bò làm nghề thu nhập chính, trước đây chỉ nuôi khoảng hơn chục con bò thôi. Từ khi chính quyền huyện và xã tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, tôi bàn với gia đình và quyết định vay 2 tỷ đồng mở rộng quy mô. Trong  đó, dùng 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo kiểu hiện đại, ngăn ô cho từng con bò và đầu tư mua 60 con giống”.

Đàn hươu của hộ anh Lò Sín Quân, ở thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến.
Đàn hươu của hộ anh Lò Sín Quân, ở thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến.

Để đưa ra quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, theo anh Thành, là một khá mạo hiểm, bởi với số lượng đàn bò lớn sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc, như phải tính toán mở rộng thêm diện tích trồng cỏ từ 1 ha trước đây lên đến 6 ha. Hiện tại, số cỏ trồng của gia đình không đáp ứng đủ nên anh phải đi thu mua thêm ở những nơi khác. Anh Thành ước tính, đàn bò 60 con tiêu thụ hết khoảng 1 tấn cỏ/ngày và 10 kg cám ngô, gạo. Việc dọn vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò cũng phức tạp hơn. Anh dự tính, năm đầu tiên sẽ nuôi bò sinh sản để phát triển đàn, đến năm thứ hai bắt đầu bán bò thịt.

Cũng quyết tâm làm giàu như các hộ khác trong xã, anh Lò Sín Quân, ở thôn Dìn Sán mạnh dạn vay hơn 1 tỷ đồng đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi. Trước đây là hộ phát triển kinh tế khá trong thôn, được chính quyền địa phương tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị quyết 209, khuyến khích gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi, sau một thời gian suy nghĩ anh Quân đã quyết định tận dụng cơ hội này. Anh Quân tâm sự: “Mới đầu quyết định vay vốn tôi cũng thấy khá liều lĩnh vì lúc ấy chưa định hình được sẽ bắt đầu làm từ đâu. Nhưng được sự hỗ trợ của cán bộ ở huyện, xã thường xuyên đến nhà tư vấn, giúp đỡ tôi dần hoàn thành việc xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hiện nay, nhà tôi đang nuôi 29 con bò sinh sản và 22 con hươu”. Theo anh Quân, trước đây gia đình đã nuôi, số lượng bò tăng lên gấp đôi dù hơi vất vả nhưng cũng không quá khó khăn. Còn về nuôi hươu, nhờ có sự tư vấn của cán bộ huyện cho đi tham quan học tập mô hình ở Thái Nguyên, trở về mua con giống và chăn nuôi, thấy cũng không quá khó. Hươu rất dễ nuôi, ăn ít và ít dịch bệnh nên chăm sóc khá nhàn, ý định anh là sẽ nuôi hươu sinh sản và lấy nhung.

Nghị quyết 209 đã thực sự thổi “làn gió” mới đến với bà con đồng bào các dân tộc. Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Nguyễn Văn Tuân, cho biết: “Toàn xã có 32 hộ vay vốn theo chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - Nghị quyết 209, với tổng số tiền 6,515 tỷ đồng để chăn nuôi trâu, bò, xây dựng chuồng trại và trồng cây dược liệu. Điển hình có những hộ vay nhiều như ông Vàng Thìn Nghì, ở thôn Đông Tinh, trồng 15 ha cây Đương quy và Đan sâm; mô hình chăn nuôi bò quy mô 50 con trở lên có 2 hộ; mô hình chăn nuôi bò quy mô từ 20 con trở lên có 3 hộ ở thôn Bó Lách, Khâu Làn và Bình Dương. Đến nay các hộ đang tiếp tục mua thêm bò về để chăn nuôi, tăng đàn phù hợp theo diện tích cỏ hiện có của gia đình. Xã đã quan tâm hỗ trợ về công tác phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc, vật nuôi”.

Qua thực tế thấy rằng, phong trào phát triển sản xuất, chăn nuôi đang nhân rộng trong nhân dân. Đây thực sự là nguồn lực và là “đòn bẩy” giúp người dân phát triển kinh tế gia đình từ quy mô nhỏ, lẻ lên thành những trang trại, gia trại áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp

BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.  

29/03/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Thanh niên Yên Minh cần định hướng và động lực khởi nghiệp

BHG- Tính đến ngày 31.12.2016, toàn huyện Yên Minh có 13.134 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có gần 4.400 đoàn viên. Có tới một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ nghèo. Theo thống kê của Huyện đoàn Yên Minh, toàn huyện chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN là đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhìn vào con số này, có thể thấy ĐVTN ở Yên Minh đang rất cần định hướng và động lực để xây dựng các mô hình kinh tế khởi nghiệp.

23/03/2017
Chàng trai khởi nghiệp từ đam mê thời thơ ấu

BHG- Lúc nhỏ rong ruổi cùng mẹ khắp các chợ để bán gà, vịt; không biết từ bao giờ, anh đã mong muốn có một trang trại chăn nuôi cho riêng mình. Sinh năm 1994, anh Nguyễn Văn Huấn ở thôn Tân Thành, xã Phương Độ, T.p Hà Giang vừa nhận Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam;  do điều kiện gia đình khó khăn, anh quyết tâm trở về quê hương thực hiện ước mơ lúc nhỏ. 

21/04/2017