Bí thư Chi đoàn làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

08:34, 09/05/2017

BHG - Thời gian gần đây, khi tuổi trẻ khắp mọi miền đất nước đang sục sôi với phong trào khởi nghiệp, trên địa bàn huyện Vị Xuyên phong trào này cũng được đông đảo đoàn viên, thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ đã đi lên từ hai bàn tay trắng, trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương. Một trong số đó là tấm gương về phát triển kinh tế tổng hợp của Bí thư Chi đoàn Vũ Thành Duy (sinh năm 1986), trú tại tổ 8, thị trấn Việt Lâm.

Vũ Thành Duy bên vườn vải của gia đình đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Vũ Thành Duy bên vườn vải của gia đình đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây ăn quả, Duy chia sẻ về mô hình kinh tế tổng hợp của mình: “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi hoàn thành chương trình THPT, tôi quyết định ở nhà giúp bố mẹ phát triển kinh tế. Với lợi thế của gia đình có trồng cây vải, có sẵn ao và diện tích đất vườn khá rộng, tôi quyết định phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi tổng hợp. Với 4 ao thả cá có diện tích mặt nước trên 1.000 m2, tôi quyết định nhập cá giống từ trang trại cung cấp cá giống ở Ba Vì (Hà Nội), sử dụng 2 ao chuyên để thả cá giống, vừa để gia đình nuôi vừa cung cấp cá giống cho các hộ quanh vùng và 2 ao để thả cá thịt, thả các loại cá như: Trắm, trôi, chép, cá chim trắng... Mỗi năm thu nhập từ bán cá thịt cũng đem lại cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng”.

Đồng thời, anh Duy đầu tư chăm sóc vườn vải của gia đình với trên 100 gốc đang cho thu hoạch. Anh Duy cho biết, dự kiến khoảng gần 1 tháng nữa là vườn vải nhà anh bước vào thời kỳ chín rộ, với giá bán giao động từ 25 – 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng. Dưới gốc cây vải, anh Duy kết hợp nuôi ong lấy mật với số lượng đàn hiện có là 100 tổ. Mỗi năm xuất bán khoảng 700 lít mật ong, thu về trên 150 triệu đồng.

Không thỏa mãn với những gì đang có, anh Duy còn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn nái. Hiện, gia đình anh có 12 con lợn nái, cứ 4 tháng đẻ 1 lứa từ 10 – 12 con, chuyên cung cấp lợn giống cho các hộ có nhu cầu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 50 triệu đồng từ bán lợn giống và lợn thịt. Bằng sự cần cù, siêng năng cùng cách làm khoa học, những nỗ lực của anh Duy sau nhiều năm đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của anh cho thu nhập mỗi năm trên 350 triệu đồng, trở thành điểm đến tham quan, học tập của nhiều bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, Vũ Thành Duy còn được biết đến là một Bí thư Chi đoàn nhiệt tình, năng nổ ở địa phương. Duy luôn nhiệt tình chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu của bản thân, ngoài ra, anh còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong tổ dân phố. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của anh mà nhiều thanh niên trong vùng càng có thêm niềm tin và động lực để vươn lên làm giàu tại quê nhà.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp

BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.  

29/03/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Thanh niên Yên Minh cần định hướng và động lực khởi nghiệp

BHG- Tính đến ngày 31.12.2016, toàn huyện Yên Minh có 13.134 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có gần 4.400 đoàn viên. Có tới một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ nghèo. Theo thống kê của Huyện đoàn Yên Minh, toàn huyện chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN là đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhìn vào con số này, có thể thấy ĐVTN ở Yên Minh đang rất cần định hướng và động lực để xây dựng các mô hình kinh tế khởi nghiệp.

23/03/2017
Chàng trai khởi nghiệp từ đam mê thời thơ ấu

BHG- Lúc nhỏ rong ruổi cùng mẹ khắp các chợ để bán gà, vịt; không biết từ bao giờ, anh đã mong muốn có một trang trại chăn nuôi cho riêng mình. Sinh năm 1994, anh Nguyễn Văn Huấn ở thôn Tân Thành, xã Phương Độ, T.p Hà Giang vừa nhận Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam;  do điều kiện gia đình khó khăn, anh quyết tâm trở về quê hương thực hiện ước mơ lúc nhỏ. 

21/04/2017