Hà Giang

Lập nghiệp từ phát triển trang trại gà

07:30, 04/04/2017

BHG- Ý tưởng xây dựng trang trại gà xuất phát từ việc tham khảo các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình trên mạng. Sau gần một năm chăn nuôi, đàn gà của anh Vùi Văn Nguyên đã phát triển nhanh chóng, được người tiêu dùng biết tới, cho thu nhập khá.

Trang trại gà lai chọi của anh Vùi Văn Nguyên ở xã Đông Hà (Quản Bạ).
Trang trại gà lai chọi của anh Vùi Văn Nguyên ở xã Đông Hà (Quản Bạ).

Nhắc đến trang trại chăn nuôi gà theo quy mô gia đình, nhiều người trong vùng đều biết đến trang trại của anh Vùi Văn Nguyên, sinh năm 1988, dân tộc Giấy, làm công tác Y tế học đường ở Trường Tiểu học xã Đông Hà (Quản Bạ). Đây được xem là trang trại chăn nuôi gà lớn nhất xã. Anh Nguyên cho biết: “Xuất phát từ mong muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình, qua việc tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình chăn nuôi trên ti vi, sách báo, mạng internet tôi biết tới việc chăn nuôi gà lai chọi thả vườn. Lại thấy bây giờ Nhà nước đang tuyên truyền, khuyến kích người dân khởi nghiệp, phát triển kinh tế nên tôi mạnh dạn làm thử. Từ tháng 4 năm 2016, tôi mua 40 con gà giống từ Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương ở Hà Nội về nuôi thử, với giá là 25 nghìn đồng/con. Đặc điểm của giống gà lai chọi này có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh, dễ chăm sóc. Sau khoảng 4 tháng là được xuất chuồng lứa đầu tiên, thấy có hiệu quả, tôi lại mua thêm gà về nuôi tiếp và làm chuồng trại quy mô hơn”. Do làm việc ở trường học nên thời gian của anh rất hạn chế, chỉ có thể tranh thủ chăm sóc đàn gà ngoài giờ làm việc, song hai vợ chồng vẫn cố gắng thay nhau làm việc.

Thấy nuôi gà cho lãi suất cao, anh Nguyên đầu tư hơn 20 triệu đồng để nâng cấp chuồng trại, rào vườn diện tích hơn 1 ha, làm chuồng bằng lưới sắt, lợp mái prô xi-măng, chia làm 4 ngăn chuồng riêng cho các lứa gà khác nhau, như: Gà con mới úm; gà nhỡ; gà đẻ trứng; gà nuôi lấy thịt. Riêng gà nuôi thịt thì chăn nuôi theo kiểu thả vườn trong diện tích 1 ha, cho ăn ngô, thóc và cám. Học hỏi kỹ thuật nuôi gà, anh Nguyên thường xuyên tham khảo trên mạng internet về thành phần thức ăn cho gà, lịch tiêm phòng, cách úm gà con... Khi có kinh nghiệm chăn nuôi hơn, đàn gà của anh tăng dần lên 100 con, 300 con, 600 con và bây giờ là 1.000 con.

Ban đầu anh bán gà cho bà con trong xã, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá chất lượng thịt gà thơm, ngon, giá cả phải chăng chỉ từ 100 – 120 nghìn đồng/kg; anh quyết định giao bán gà trên mạng internet, thông qua mạng xã hội facebook, zalo và được người tiêu dùng xa gần hưởng ứng, đặt mua nhiều. Để phát triển trang trại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, anh thử nghiệm nuôi thêm các giống gà siêu trứng, gà Đông Tảo, gà xương đen. Nói đến định hướng trong tương lai, anh Nguyên tâm sự: “Sau một thời gian bán gà, tìm hiểu thị trường, tôi thấy bây giờ ở huyện chưa có giống gà đặc sản nào trở thành thương hiệu nên đã quyết định nuôi thử nghiệm thêm mấy giống gà đặc sản, nếu thành công sẽ cung cấp cho các nhà hàng. Hiện tại tôi đang nuôi 100 con gà xương đen, sắp được xuất chuồng.” Anh tính toán, hàng tháng trừ tiền thức ăn cho gà là khoảng 300 kg cám, ngô, thóc và tiêm phòng, trung bình anh có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Dù mới phát triển trang trại trong một thời gian ngắn, song thành công bước đầu đã đến với anh Nguyên,  cho thấy ý chí quyết tâm thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương của người dân ở vùng đất nghèo. Đây là một mô hình phát triển kinh tế hay, đáng được học hỏi và nhân rộng.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp

BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.  

29/03/2017
Thanh niên Yên Minh cần định hướng và động lực khởi nghiệp

BHG- Tính đến ngày 31.12.2016, toàn huyện Yên Minh có 13.134 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có gần 4.400 đoàn viên. Có tới một nửa số ĐVTN là con em hộ nghèo hoặc là chủ hộ nghèo. Theo thống kê của Huyện đoàn Yên Minh, toàn huyện chỉ có 12 mô hình kinh tế của ĐVTN là đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhìn vào con số này, có thể thấy ĐVTN ở Yên Minh đang rất cần định hướng và động lực để xây dựng các mô hình kinh tế khởi nghiệp.

23/03/2017
Trưởng thôn trở thành doanh nhân trẻ

BHG- "Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Lời nhà văn Nam Cao cách đây hơn 70 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành câu chuyện khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Cường – Trưởng thôn Vĩnh Chính – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) May mặc Cường Thuận. 

21/03/2017
KHỞI NGHIỆP

LTS:  Phát huy nội lực để phát triển KT – XH, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là một chủ trương lớn của tỉnh, đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, trong đó có chương trình KHỞI NGHIỆP. Từ tháng ba này, Báo Hà Giang mở chuyên mục KHỞI NGHIỆP nhằm tuyên truyền sâu rộng, cổ vũ kịp thời, góp phần cho KHỞI NGHIỆP thành công. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

21/03/2017