Hà Giang

Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản

14:37, 16/11/2022

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế Nghị định số Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ.

Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản
Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản

Bộ TT&TT cho biết, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được ban hành có nhiều điểm mới, quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, chế độ nhuận bút, thù lao quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP dựa trên cơ sở giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Khi Nhà nước tiến hành bãi bỏ mức lương cơ sở, sẽ không còn cơ sở để tính nhuận bút, thù lao. Do đó, cần xây dựng phương pháp tính nhuận bút, thù lao không dựa trên mức lương cơ sở, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng.

Một số quy định của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP (về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao; đối tượng tính nhuận bút, mức chi trả và cách tính nhuận bút, thù lao; khung nhuận bút và phương pháp tính nhuận bút, thù lao; cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút…) đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực báo chí, xuất bản dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, Bộ TT&TT nhận thấy có nhiều nội dung cần sửa đổi, như: Bổ sung quy định trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả (tiền bản quyền bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao), Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút không phù hợp với quy định pháp luật về ngân sách nhà nước cần bãi bỏ; cần quy định phương pháp tính nhuận bút, thù lao mới đối với tác phẩm báo chí để đảm bảo phù hợp chủ trương của Đảng (bãi bỏ mức lương cơ sở) và cơ chế tự chủ tài chính hiện hành (thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Nhà nước ban hành) và một số nội dung khác.

Do đó, Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP là rất cần thiết.

Những nội dung mới của dự thảo Nghị định

- Xác định đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Quy định như trên nhằm xác định rõ nguồn tài chính để sản xuất tác phẩm từ ngân sách nhà nước, khắc phục hạn chế của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP (cơ chế chi trả nhuận bút không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào); phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 giao Chính phủ quy định chi tiết, quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong các trường hợp Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.

- Dự thảo Nghị định bổ sung quy định mới về nhuận bút, thù lao để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể: Việc phân chia nhuận bút giữa các đồng tác giả, đồng sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận hoặc mức độ đóng góp trong việc sáng tạo tác phẩm; tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước thực hiện trả tiền bản quyền theo quy định.

- Về quy định nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định mới về phương pháp tính nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử, định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, sản xuất chương trình truyền hình, thay thế cho phương pháp tính nhuận bút, thù lao theo quy định hệ số tối đa đối với từng thể loại và giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, bổ sung quy định cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do người đứng đầu quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định, phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính hiện nay.

- Cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP có 2 bất cập: Chưa xác định rõ cơ chế hạch toán vào Quỹ nhuận bút từ nguồn thu dịch vụ, dẫn đến tác động vào chính sách thuế và hiệu quả tài chính của các đơn vị; quy định được trích Quỹ nhuận bút từ nguồn ngân sách nhà nước không phù hợp với Luật Ngân sách năm 2015.

Do đó, dự thảo Nghị định đã bỏ toàn bộ các quy định về Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí.  

- Về quy định nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm: Dự thảo Nghị định bổ sung người biên soạn được hưởng thù lao; bổ sung thể loại trong Khung chi trả nhuận bút, gồm: Xuất bản phẩm thuộc thể loại biên soạn, rút gọn, sách nói; bổ sung quy định nhuận bút sách nói cho người thể hiện giọng đọc; bổ sung quy định nhuận bút được trả cho mỗi lần ký hợp đồng sử dụng tác phẩm; nâng mức trần tỷ lệ phần trăm của 11 thể loại xuất bản phẩm sáng tác, 2 thể loại xuất bản phẩm dịch.

Theo chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những chính sách mới, nổi bật có hiệu lực từ tháng 11-2022

Ba nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22-9-2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

31/10/2022
Dự kiến các ngày nghỉ lễ, Tết năm 2023
Năm 2023 dự kiến có 19 ngày nghỉ lễ, Tết, gồm 11 ngày nghỉ chính thức theo quy định và nghỉ bù, nối dài do trùng vào cuối tuần.
29/10/2022
Nghị quyết phát triển thanh niên tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2030
BHG - Ngày 15.7.2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về phát triển thanh niên tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2030. Để xem cụ thể nội dung nghị quyết, bạn đọc nhấn vào đường link dưới đây.
29/08/2022
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 10-2022
Trong tháng 10-2022, nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực như: Người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia; cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải…
27/09/2022