"Dân vận khéo" ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:07, 01/06/2021

BHG - Với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, 97,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn luôn coi trọng công tác dân vận; nỗ lực, từng bước đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn. Thông qua các buổi dân vận, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, sự bình đẳng dân tộc, để bà con trên địa bàn tích cực phát triển sản xuất, thoát nghèo.

Người dân thôn Dính Lủng, xã Tả Phìn (Đồng Văn) góp sức mở đường liên thôn.
Người dân thôn Dính Lủng, xã Tả Phìn (Đồng Văn) góp sức mở đường liên thôn. Ảnh tư liệu

Căn cứ nội dung các đề án, chỉ thị của tỉnh, huyện như Đề án 06 của Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở”; Chỉ thị số 49, của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng dân tộc thiểu số”, Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, đảng viên thực hiện tốt công tác dân vận tại địa phương, đơn vị mình. Đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, cán bộ hướng về cơ sở, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các chi, đảng bộ trực thuộc đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức như: Tuyên truyền, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các đội thông tin tuyên truyền lưu động; thông qua các hoạt động cộng đồng, các lễ hội, các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nghề nghiệp và hình thức tuyên truyền miệng, bằng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực. Tiêu biểu như Chi bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Chi bộ Trung tâm văn hóa thông tin và Thể thao, Chi bộ Hội Phụ nữ huyện…

Xã biên giới Lũng Cú, với thành phần dân tộc chủ yếu là Mông và Lô Lô, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác dân vận, KT-XH của xã chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc. Đến nay, Lũng Cú trở thành xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện. Đồng chí Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được xã ưu tiên thực hiện nghiêm túc, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, qua các hội nghị, hoạt động văn hóa, thể thao. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu trong mọi phong trào, đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực tại nơi sinh sống, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tăng cường bám, nắm cơ sở; vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo. Công tác dân vận đã phát huy được khối đại đoàn kết, nội lực trong nhân dân, giúp xã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu KT-XH, QP-AN hàng năm. Đến nay, Lũng Cú không chỉ là xã trọng điểm về du lịch, mà còn trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế của toàn huyện.

Có thể nói, nhiệm kỳ vừa qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện đã ghi dấu ấn đậm nét, thể hiện qua các chỉ tiêu phát triển như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6% mỗi năm; tỷ lệ người dân được khám, chữa bệnh, tham gia BHYT, tỷ lệ trẻ em được đi học đúng độ tuổi đạt cao,... Đặc biệt, nhờ công tác dân vận ở cơ sở, người dân dần bỏ được các hủ tục, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào mình; tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương dần phát huy hiệu quả tích cực.

Đồng chí Dương Ngọc Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Làm công tác dân vận đã khó, làm công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS còn khó khăn hơn nhiều lần. Bởi để thực hiện thành công đòi hỏi sự hiểu dân, gần dân, gắn bó với nhân dân của mỗi cán bộ làm công tác dân vận. Thời gian tới, để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ dân vận các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả các Tổ dân vận tại các xã, thôn khó khăn, nhiều thành phần dân tộc. Đặc biệt, ưu tiên đội ngũ người có uy tín, già làng có tiếng nói trong nhân dân để công tác dân vận ngày càng có chiều sâu.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Người dân cần lưu ý gì?

Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhưng cũng được dự báo tạo "áp lực" không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế. 

31/12/2020
Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.

 

30/12/2020
Quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD) theo Thông tư số 06 có gắn chíp điện tử và lưu trữ thông tin cơ bản của công dân, cùng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân (Thông tư số 06), gồm 05 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 23-01-2021 đã được Bộ trưởng Công an ký ban hành.

 

27/01/2021
Hiểu đúng về bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/3/2021.

24/02/2021