Hà Giang

Nguồn vốn chính sách giúp đồng bào thiểu số vươn lên

16:27, 21/01/2021

BHG - Không phải thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, giao dịch được thực hiện ngay tại xã, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì vươn lên ổn định cuộc sống.

Người dân thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Người dân thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, từng bước hướng đến quy mô gia trại, góp phần nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Cách đây 6 năm, thông qua tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, gia đình ông Sùng Mí Dùng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Ông đã đầu tư làm chuồng trại, mua 3 con trâu cái về nuôi sinh sản. Có con giống, cùng với sự cần cù, chịu khó và ý chí vươn lên thoát nghèo, năm 2018, gia đình ông đã trả hết nợ cho ngân hàng và thoát khỏi diện hộ nghèo của thôn. Đến nay, đàn trâu của gia đình ông duy trì từ 5 – 7 con, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập đáng kể cho gia đình.

Cách đó không xa, gia đình anh Ma Seo Vàng cũng chung niềm vui thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Năm 2016, sau khi được vay 25 triệu đồng, anh đã mua 2 con trâu cái về nuôi sinh sản. Gia đình anh chủ động tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, tích cực trồng cỏ làm thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho trâu. Nhờ đó, đàn trâu luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Năm 2019, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Anh Vàng chia sẻ: Trước đây chúng tôi không dám tiếp cận các nguồn vốn vay do thủ tục rườm rà, lo sợ dịch bệnh, rủi ro, không trả được nợ. Từ khi biết nguồn vốn ưu đãi qua kênh Ngân hàng CSXH, tôi cùng nhiều hộ dân trong thôn đã được tiếp cận nguồn vốn vay một cách nhanh chóng, giải ngân tại trụ xã lại không phải thế chấp như khi vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Có vốn trong tay, các hộ đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhiều gia đình thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả.

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã Chiến Phố đạt 6 tỷ 387 triệu đồng/249 lượt hộ vay. “Với địa bàn 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Chiến Phố thì các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn… đã trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào. Bằng sự cần cù và được tiếp cận nguồn vốn kịp thời nên đời sống của bà con nghèo ở xã có sự đổi thay đáng kể. Góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới” – Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng khẳng định.

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoàng Su Phì giao dịch tại 24 điểm, đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trong toàn huyện. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 251 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, bản. Qua đó, không chỉ góp phần công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của Ngân hàng CSXH mà còn giúp nhân dân tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng, thuận tiện, không phải di chuyển đến trụ sở Phòng giao dịch. 

Tính đến ngày 23.12.2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoàng Su Phì là 312 tỷ 646 triệu đồng/8.972 lượt hộ vay. Có thể khẳng định, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để người dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nghèo dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Vũ Văn Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoàng Su Phì cho biết: Với đặc thù địa bàn miền núi, biên giới, trong tổng số 8.972 lượt hộ vay vốn thì có trên 90% số hộ vay là đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định đây là nguồn vốn mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Chính phủ, với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, nguồn vốn tín dụng đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân. Một điều đáng trân trọng là những năm gần đây, các hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số đã có ý chí, nghị lực và tinh thần lao động để thoát nghèo. Từ đó, giúp nguồn vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Không chỉ hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, các chương trình tín dụng chính sách còn giúp người nghèo, đồng bào thiểu số được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa… góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Người dân cần lưu ý gì?

Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhưng cũng được dự báo tạo "áp lực" không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế. 

31/12/2020
Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.

 

30/12/2020
Đề xuất nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán 2021 Tân Sửu

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có Tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021. Trong đó, tổng số ngày nghỉ chính và nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là 7 ngày.

 

29/10/2020
Chi trả hơn 9,5 tỷ đồng cho phụ nữ sinh con đúng chính sách

BHG - Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 đối tượng được nhận kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định 39) với số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng đã có 41 đối tượng bị thu hồi kinh phí hỗ trợ do vi phạm Nghị định 39.

 

28/10/2020