Tăng lương cán bộ, công chức cần gắn liền với vị trí việc làm

09:17, 13/11/2019

Tiền lương của cán bộ, công chức không thể cứ tăng dàn đều cho một đội ngũ hùng hậu như hiện nay. Đã đến lúc phải tinh gọn bộ máy cho hiệu quả.

Mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đây là tin "hơi vui" với những người làm công ăn lương. Nói là hơi vui vì việc tăng lương này nếu được thực hiện cũng không đáng là bao so với giá cả và chi phí sinh hoạt hiện nay. Cách nào để lương cán bộ, công chức tăng một cách có ý nghĩa; là động lực cho nhiều người làm việc?

Theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27 thì từ năm 2021 sẽ bãi bỏ hoàn toàn mức lương cơ sở. Thay vào đó sẽ xây dựng bảng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức bằng số tiền cụ thể và nêu trong 05 bảng lương mới dành riêng cho nhóm đối tượng được phân theo chức vụ và vị trí việc làm.

Cách trả lương hiện nay được phân theo ngạch, bậc, dựa trên thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, 22 ngày/tháng. Ở nhiều lĩnh vực, chúng ta không có tiêu chí, công cụ để đo đếm, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, vì thế mà cán bộ, công chức cứ “auto” đến kỳ là lĩnh lương, đến hạn là tăng lương. Trả lương như vậy không tạo động lực cạnh tranh, không công bằng trong đánh giá con người. Người có năng lực và người yếu kém được trả lương như nhau, thậm chí có những người yếu kém nhưng do “quan hệ” mà được cất nhắc lên các vị trí quản lý… Bất cập dễ thấy nhất là nhiều lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm rất lớn nhưng hưởng lương thấp hơn nhân viên chỉ vì nhân viên có thâm niên công tác lâu hơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, nhiều khi gây bất mãn với người có năng lực.

Ngay từ bây giờ, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải có giải pháp quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản đội ngũ thì mới có điều kiện để tăng lương xứng đáng cho những người làm việc thực sự. Để làm được việc này, việc mô tả các vị trí việc làm phải thực sự chi tiết, khoa học, thang đánh giá năng lực cán bộ phải minh bạch, công khai. Khi công việc đã được mô tả theo một khung năng lực, thì một người dù mới vào hay đã làm việc lâu năm cứ đáp ứng yêu cầu công việc theo vị trí việc làm phải được trả lương tương xứng.

Nhiều người hy vọng, việc trả lương theo năng lực sẽ còn giúp chấm dứt được tình trạng chạy đua bằng cấp để được xếp lương. Một khi đã có năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc thì câu chuyện bằng cấp không còn quá nhiều ý nghĩa.

Trả lương theo vị trí việc làm – cách làm này có thể còn mới lạ với hệ thống cơ quan Nhà nước nhưng đã rất phổ biến ở các nước phát triển, trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể hiểu đó là cách “định giá” một công việc đòi hỏi một năng lực và sự tiêu hao sức lao động nhất định. Ai cũng biết đây là cách làm hợp lý, công bằng nhưng để thực hiện thì không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh biên chế nở rộ, phình to như hiện nay. Nhiều người làm việc trong bộ máy hưởng lương ngân sách có mối quan hệ, ràng buộc với nhau. Thế nhưng “sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế như lấy đá ghè vào chân mình, đau cũng phải làm”. Bởi với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian thì không thể có điều kiện tăng lương.

Theo: VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy tụ 2.933 hộ dân về nơi ở mới

BHG - Thực hiện Đề án Quy tụ dân cư, năm 2019 UBND tỉnh giao kế hoạch cho các địa phương triển khai thực hiện quy tụ 3.269 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng khó khăn về sống tập trung tại thôn bản; kinh phí hỗ trợ 60.380,5 triệu đồng.

 

29/08/2019
Điểm mới trong thi tuyển công chức với người dân tộc thiểu số

Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Nghị định về chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Dự thảo Nghị định đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ chuyên môn và năng lực trong xử lý công việc; am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

26/09/2019
Tổng kết Dự án trường học an toàn cho trẻ em dân tộc thiểu số

BHG - Ngày 24.10, tại huyện Mèo Vạc, Văn phòng Plan Hà Giang phối hợp với Văn phòng Plan Quảng Bình tổ chức tổng kết Dự án trường học an toàn cho trẻ em dân tộc thiểu số 2 tỉnh Hà Giang và Quảng Bình. Dự có đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam; lãnh đạo huyện Mèo Vạc và các đối tác của Văn phòng Plan 2 tỉnh Hà Giang và Quảng Bình.

 

25/10/2019
Nhiều chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc Cờ Lao

BHG - Năm 2011, Đề án phát triển KT – XH vùng dân tộc Cờ Lao tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 – 2020 được phê duyệt; theo đó, 517 hộ dân tộc Cờ Lao đang sinh sống ở các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Vị Xuyên và Bắc Quang được hưởng các chính sách hỗ trợ từ đề án này. Nhờ có những chính sách hỗ trợ đó, đến nay, đời sống các hộ dân tộc Cờ Lao trên địa bàn huyện Đồng Văn có sự đổi thay rõ rệt; từng bước thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương ngày một phát triển.

 

24/10/2019