Khi xã Trung Thịnh và Ngán Chiên về chung "một nhà"

18:54, 12/08/2019

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định tại Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32 của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thời gian qua, huyện Xín Mần đã nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện việc sáp nhập 2 xã Trung Thịnh và Ngán Chiên đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo và các quy định của T.Ư, của tỉnh đề ra, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Trụ sở UBND xã Ngán Chiên sẽ được sử dụng làm trụ sở xã mới sau khi sáp nhập.
Trụ sở UBND xã Ngán Chiên sẽ được sử dụng làm trụ sở xã mới sau khi sáp nhập.

Hiện tại, Đề án sáp nhập 2 xã đã được địa phương tổ chức lấy ý kiến của cử tri; HĐND huyện cũng đã thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua. Xã Trung Thịnh và Ngán Chiên là 2 xã giáp ranh thuộc phía Đông Bắc của huyện Xín Mần, có địa hình tương đồng, mặt bằng khu trung tâm tương đối rộng, giao thông thuận lợi cho việc sáp nhập. Xã Trung Thịnh hiện có diện tích 13,1 km2 với 2.330 khẩu; xã Ngán Chiên có diện tích tự nhiên 16,85 km2 với 3.985 khẩu. Theo Đề án, sau khi sáp nhập 2 xã, trụ sở xã mới sẽ sử dụng trụ sở xã Ngán Chiên hiện tại, đồng thời sử dụng trụ sở và phòng làm việc xã Trung Thịnh để bố trí một số công chức phụ trách bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính; chỉnh trang trụ sở UBND xã Ngán Chiên để phục vụ cho cán bộ, công chức xã mới làm việc. Xã mới sẽ có tên gọi là Trung Thịnh, với tổng diện tích tự nhiên là 29,95 km2 đạt 60% tiêu chuẩn quy định về diện tích, dân số 6.315 người đạt 126% tiêu chuẩn quy định về quy mô dân số. Trước mắt, giữ nguyên các thôn, đơn vị trường học, y tế; sau đó sẽ thực hiện tổ chức sắp xếp theo lộ trình của đề án.

Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án, huyện Xín Mần đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc kiện toàn sắp xếp sáp nhập xã; triển khai tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Tiến hành rà soát tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định tại Nghị quyết 1211 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức và nhân dân đối với việc sáp nhập xã. Đồng chí Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh cho biết: Sau khi có chủ trương, xã đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức họp với nhân dân các thôn bản, niêm yết các văn bản liên quan và bỏ phiếu lấy ý kiến của cử tri.

Xét về lịch sử lâu đời, 2 xã Trung Thịnh và Ngán Chiên trước đây là 1 xã, sau đó chia tách ra làm 2. Xã Ngán Chiên hiện là trung tâm về KT – XH của khu vực, đồng thời nhận thấy xã Trung Thịnh có diện tích hẹp, dân số ít, không đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Xét về dân tộc, đồng bào dân tộc Nùng chiếm đa số nên vấn đề tương đồng văn hóa cũng tạo nên thuận lợi cho việc sáp nhập. Theo báo cáo của các xã, sau khi lấy ý kiến cử tri tại các cuộc họp thôn, cơ bản các cử tri đồng ý việc sáp nhập 2 xã Trung Thịnh với Ngán Chiên theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều cử tri 2 xã vẫn còn băn khoăn một số vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Đối với cử tri xã Trung Thịnh, có ý kiến về việc di chuyển xa và khó khăn trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính nếu trụ sở xã mới đặt ở xã Ngán Chiên. Ông Vàng Sào Khún, thôn Đông Chứ cho biết: Nếu sáp nhập, quãng đường di chuyển sẽ xa hơn, thôn xa nhất cách khoảng hơn 10 km để đến xã. Đối với cử tri xã Ngán Chiên có kiến nghị đến các vấn đề liên quan việc thay đổi giấy tờ cá nhân. “Bởi, sau khi sáp nhập, tên gọi mới sẽ là xã Trung Thịnh; vì thế các cơ sở giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu đều phải sửa đổi cho đồng nhất...”, Trưởng thôn Ma Lỳ Sán, Lù Minh Thành chia sẻ.

Trên cơ sở ý kiến của cán bộ, công chức và nhân dân; Chủ tịch HĐND huyện Xín Mần, Hạng Kháy Vần cho biết: Việc sáp nhập 2 xã được huyện thực hiện theo đúng quy định và chủ trương của T.Ư và của tỉnh. Sau khi sáp nhập và bố trí cơ cấu số lượng cán bộ, công chức sẽ dôi dư 11 người, huyện đã có phương án sắp xếp, bố trí kết hợp với việc điều động, luân chuyển phù hợp với vị trí việc làm. Về lâu dài, cần quy hoạch lại toàn bộ xã, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc, đồng thời mở mới, nâng cấp đường giao thông liên thôn. Đồng thời tập trung các nguồn lực phát triển KT – XH, đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với những thắc mắc của người dân, các cấp, các ngành và địa phương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính và các giấy tờ cá nhân liên quan phải sửa đổi để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đòn bẩy" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vị Xuyên và Đồng Văn

BHG - Trong những năm qua, việc quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh ta đặt lên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được đẩy mạnh, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo huyện Vị Xuyên và Đồng Văn thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

31/07/2019
Bắc Quang phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

BHG - Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 23 cán bộ là người DTTS được bầu vào BCH Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020; 22 người là đại biểu HĐND huyện, 464 người là đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016 – 2021; 87 người đang đảm nhiệm các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã.

29/07/2019
Đồng Văn đổi mới tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về công tác tuyên truyền: "Trong dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu". Vì vậy, đối với mỗi tầng lớp và đối tượng, Bác yêu cầu: "Phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp...

29/07/2019
Chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 27.6.2019 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

28/06/2019