Giải "bài toán" an cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:16, 02/10/2018

BHG - Hà Giang là địa phương có địa hình chia cắt mạnh, hàng năm, vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở đất, đá thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi; đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Bên cạnh đó, phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác tại các sườn núi cao, nên khó khăn trong việc thụ hưởng các dịch vụ, công trình phúc lợi và tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự... Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp lại dân cư là rất cấp thiết, giúp các hộ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Người dân thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) được hỗ trợ xây nhà tại nơi ở mới.
Người dân thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) được hỗ trợ xây nhà tại nơi ở mới.

Để giải “bài toán” an cư một cách hiệu quả, ngày 14.7.2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 87/NQ-HĐND thông qua Đề án “Quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018 – 2020”.  Theo đó, đề án được triển khai thực hiện tại địa bàn 960 thôn, bản của 142 xã thuộc 10 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần; tổng số hộ được di dời là 4.692 hộ, với 23.292 khẩu. Các hộ được quy tụ theo hình thức ổn định tại chỗ và di chuyển xen ghép. Tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn trên 96,4 tỷ đồng, được bố trí lồng ghép từ các chương trình của Trung ương và ngân sách địa phương; trong đó, đối với các thôn biên giới di chuyển xen ghép được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; thôn nội địa, xã biên giới di chuyển xen ghép được hỗ trợ 32 triệu đồng/hộ; xã nội địa di chuyển xen ghép được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; các hộ ổn định tại chỗ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.

Theo kế hoạch năm 2018, toàn tỉnh triển khai di dời 1.038 hộ; kinh phí thực hiện trên 20,6 tỷ đồng. Ngay khi có kế hoạch của tỉnh, các huyện đã chủ động xây dựng phương án di dời các hộ dân; linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án; tạo điều  kiện cho các hộ tự chọn nơi ở mới để thuận lợi cho việc sản xuất ngay sau khi di chuyển; ưu tiên bố trí, sắp xếp các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, sinh sống rải rác xa trung tâm, vùng biên giới; chú trọng sắp xếp, ổn định dân cư theo tiêu chí NTM.

Sau hơn 1 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến nay, các huyện đã thực hiện được 1.025 hộ, đạt gần 99%; 13 hộ còn lại thuộc huyện Bắc Quang đang được địa phương gấp rút thực hiện. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai khiến nhiều hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa; nhiều nhà dân đứng trước nguy cơ mất an toàn cao. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, bên cạnh các hộ được di dời đến nơi ở mới theo kế hoạch; các huyện đang bổ sung kinh phí, tiếp tục thực hiện di dời thêm 385 hộ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao; việc di dời dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Theo kế hoạch năm 2018, huyện Quản Bạ thực hiện di dời 60 hộ dân thuộc 6 xã, thị trấn với tổng kinh phí trên 1,5  tỷ đồng. Với nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt, đến thời điểm này, việc di dời 60 hộ dân theo kế hoạch đã được thực hiện xong. Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 6 vừa qua, một số địa phương trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều hộ dân bị cuốn trôi, vùi lấp nhà cửa và nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, huyện Quản Bạ chủ động bố trí kinh phí, gấp rút di dời thêm 50 hộ dân ở 7 xã, thị trấn; việc di dời đang được thực hiện. Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Hoàng Đình Phới cho biết: “Việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao và người dân sống rải rác trên các sườn núi là việc làm cấp bách, nên huyện đã huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện. Ngoài kinh phí hỗ trợ theo đề án của tỉnh, huyện tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ người dân. Với hình thức xen ghép, các hộ dân tự tìm đất để dựng nhà, có thể là thỏa thuận cho, nhận của người thân, hoặc mua, bán với người dân trong thôn. Ngay khi có đất, cán bộ Phòng TN&MT của huyện và cán bộ xã trực tiếp xuống giúp người dân làm thủ tục sang tên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các thủ tục cần thiết để xây dựng nhà”.

Bên cạnh việc quy tụ dân cư theo đề án của tỉnh; hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 5 dự án di chuyển dân tập trung với tổng kinh phí được duyệt trên 727,6 tỷ đồng; đến thời điểm này, trên 56% nguồn kinh phí, thực hiện đã bố trí ổn định nơi ở mới cho 277 hộ. Các địa phương chủ động bố trí kinh phí thực hiện nâng cấp các điểm quy tụ dân cư gắn với xây dựng NTM.

Với những kết quả bước đầu, Đề án “Quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tại, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020” thực sự đang mang lại cuộc sống mới ổn định cho người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thiên tai để chủ động phối hợp thực hiện.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách dân tộc ở Mèo Vạc

BHG-Mèo Vạc - một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người dân nơi đây đang ngày một ấm no. Nhằm kịp thời điều chỉnh những hạn chế, bất cập và đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ huyện đến cơ sở trong triển khai các chính sách dân tộc (CSDT), Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp đưa chính sách của Nhà nước "thấm" vào đời sống đồng bào biên cương.

27/10/2017
Quyết định 352 của UBND tỉnh giúp người dân Vị Xuyên thoát nghèo

BHG-Từ năm 2014 đến nay đã có 751 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Vị Xuyên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua trâu, bò sinh sản theo Quyết định 352/QĐ-UBND, ngày 3.3.2014 của UBND tỉnh về "Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn tỉnh". 

26/10/2017
Dỡ "rào cản" thuế sử dụng đất, thêm động lực cho sản xuất lâm nghiệp

BHG - Từ năm 2017 trở về trước, người trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh khi thu hoạch cây lấy gỗ đều phải đóng thuế sử dụng đất bằng 4% giá trị sản phẩm mới đủ điều kiện được khai thác gỗ. Điều này, khiến người dân ở một số địa phương không mặn mà trồng rừng kinh tế và nó trở thành "rào cản" không nhỏ đối với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp.

 

23/02/2018
Nhiều chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định một trong hai khâu đột phá là: Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Cụ thể hóa nghị quyết này, tỉnh ta đã triển khai các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ đột phá ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất...

22/10/2017