Hà Giang

Hiệu quả cơ chế hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò ở Hoàng Su Phì

07:05, 10/05/2017

BHG- Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện Hoàng Su Phì cũng đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.

Anh Hầu Văn Đông, thôn Tấn Xà Phìn chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Anh Hầu Văn Đông, thôn Tấn Xà Phìn chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Để ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 được ban hành, UBND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Phương án số 10/PA-UBND, ngày 30.10.2015 về hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế hộ, giai đoạn 2015-2020. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện như: Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay đối với trâu, bò, mức vay tối đa không quá 20 triệu đồng/con, được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; đối với dê mức vay tối đa không quá 2 triệu đồng/con, được vay tối đa 40 triệu đồng/hộ. Đối với trâu, bò hỗ trợ lãi suất trong 3 năm, đối với dê hỗ trợ lãi suất trong 2 năm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào nên những năm gần đây xã Nậm Ty đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi một cách toàn diện theo hướng hàng hóa. Anh Hầu Văn Đông, thôn Tấn Xà Phìn chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình anh được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 13 - 14 con trâu; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 40 – 50 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa... Không chỉ gia đình anh Đông, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn huyện bắt đầu coi chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập; xóa đói, giảm nghèo.

Theo báo cáo của huyện, đến nay đã giải ngân cho 103 hộ vay trên 3,5 tỷ đồng, trong đó: 47 hộ vay vốn phát triển chăn nuôi trâu với gần 1,3 tỷ đồng để mua 109 con; 56 hộ vay chăn nuôi dê với trên 2,2 tỷ đồng để mua 825 con... Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần đưa ngành chăn nuôi của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện, tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển theo từng năm. Hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là 27.729 con, đàn lợn trên trên 73 nghìn con, đàn dê trên 22 nghìn con và gia cầm 418.700 con. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 17 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn; trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả và cần được nhân rộng...

Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Để đảm bảo chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích; thực hiện công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng KHKT vào chăm sóc và nhân rộng đàn vật nuôi. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 thực hiện được 70 mô hình nuôi bò vỗ béo, 20 mô hình chăn nuôi trâu hướng hàng hóa theo quy mô nông hộ, 30 mô hình nuôi dê vỗ béo, 10 mô hình nuôi ngựa; quy mô đối với chăn nuôi bò, trâu, ngựa nuôi từ 3 con trở lên, đối với dê nuôi từ 15 con trở lên.

Việc ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế hộ không chỉ giúp người dân tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Động lực cho người dân Bắc Mê phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

BHG- Xác định các chính sách được quy định trong Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) chính là động lực mạnh mẽ để nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; nên trong thời gian qua, UBND huyện Bắc Mê đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung của nghị quyết. 

30/06/2016
Gỡ "điểm nghẽn" cho dòng vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

BHG - Nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

30/03/2017
Đồng Văn với chương trình phát triển cây lê

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định cây lê là một trong 3 cây được đầu tư phát triển. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, tháng 4.2016, huyện Đồng Văn đã ban hành Đề án phát triển cây lê trong đó đưa ra các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách, kế hoạch trồng theo từng năm.

28/03/2017