Động lực giúp hộ nghèo vươn lên

08:02, 11/01/2017

BHG- Thực hiện Quyết định số 755, ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, bể nước sinh hoạt phân tán và mua máy nông cụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong năm 2016, huyện Đồng Văn đã có tổng số gần 3.000 hộ được hưởng lợi từ chính sách, điều này không những làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào mà còn góp phần đáng kể vào mục tiêu XĐGN bền vững của huyện.

Niềm vui của anh Vừ Chứ Dé (người đội mũ) và anh Sùng Nhìa Thề (người đứng bên trái), thôn Cháng Phúng A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) khi được hỗ trợ máy cày.
Niềm vui của anh Vừ Chứ Dé (người đội mũ) và anh Sùng Nhìa Thề (người đứng bên trái), thôn Cháng Phúng A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) khi được hỗ trợ máy cày.

Theo chương trình hỗ trợ, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua máy nông cụ; 1,3 triệu đồng/hộ mua bồn chứa nước sinh hoạt. Trên cơ sở thống kê, lập danh sách số hộ đăng ký có nhu cầu hỗ trợ của các xã, thị trấn trên địa bàn, Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn đã chủ động tham mưu cho huyện; phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách đến đối tượng thụ hưởng; xác định những nội dung phù hợp với nhu cầu từng hộ dân và điều kiện thực tế của địa phương, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình đã huy động thêm được nguồn lực từ các chủ hộ và cộng đồng. Trong năm 2016, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có tổng số 2.919 hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách, với số tiền được hỗ trợ lên tới trên 8 tỷ đồng. Nội dung được người dân lựa chọn chủ yếu là hỗ trợ mua bồn chứa nước sinh hoạt phân tán với 1.764 bồn và hỗ trợ mua máy nông cụ (máy cày, máy xay xát, máy khâu...). Xã Phố Cáo là một trong 19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn được thụ hưởng theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 77 hộ được hỗ trợ bồn nước; 44 hộ được hỗ trợ mua máy cày và 31 hộ được hỗ trợ mua máy khâu. Được biết, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ, các hộ dân ít, nhiều đều đầu tư bỏ thêm tiền của mình để mua máy nông cụ và mua bồn nước phù hợp với nhu cầu của gia đình. Hộ anh Vừ Chứ Dé và anh Sùng Nhìa Thề, cùng ở thôn Cháng Phúng A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình không có điều kiện mua máy cày phải dùng sức kéo của bò cày, bình thường 1 ha đất ruộng phải mất đến 4 ngày cày mới xong, nay mua được máy cày chỉ mất nửa thời gian, công sức là xong và điều quan trọng là ruộng cày đều hơn nên đất cũng tơi xốp, cây trồng cho năng suất cao hơn trước.

Còn đối với gia đình chị Giàng Pà Hờ, thôn Tá Tò - một trong 3 thôn cao của xã Phố Cáo phải chịu cảnh thiếu nước, nhất là vào mùa khô bộc bạch: Do không có đủ tiền mua téc chứa nước nên thường phải sử dụng các xô, chậu nhỏ để chứa nước sinh hoạt, không đảm bảo vệ sinh, được Nhà nước hỗ trợ gia đình tôi góp thêm tiền để mua bồn chứa nước có dung tích 2.500 lít.

Anh Thào Mí Chơ, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo khẳng định: Từ chương trình hỗ trợ theo Quyết định 755, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã chủ động hơn trong việc cày bừa, gieo trồng đảm bảo đúng khung thời vụ; việc có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh trong việc ăn, ở cũng sạch sẽ hơn nên người dân cũng ít bệnh tật hơn...    Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện còn có những khó khăn, do định mức hỗ trợ các nội dung còn thấp so với tình hình thực tế giá cả, trong khi đó nhu cầu của người dân thì nhiều, nội dung hỗ trợ khác nhau; đối tượng thuộc diện hỗ trợ là hộ nghèo nên việc đầu tư thêm tiền mua máy nông cụ gặp khó khăn dẫn tới tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch; địa bàn rộng, người dân sống rải rác nên công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được thường xuyên. Trung ương cấp kinh phí chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện nên ở một số nội dung (hỗ trợ đất ở, đất sản xuất) chưa thực hiện được... Để đạt được mục tiêu chương trình, đề án đã phê duyệt, theo anh Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, ở cơ sở cần bám sát các nội dung hỗ trợ của chương trình để triển khai hỗ trợ kịp thời cho người dân; kịp thời rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho huyện, ngành giải quyết, đảm bảo hoàn thành các nội dung hỗ trợ. Tích cực thực hiện các giải pháp, huy động và lồng ghép các nguồn vốn, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất hiện nay; thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho lao động khu vực nông thôn. Đối với Trung ương cho chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi ngành nghề theo Quyết định 755 ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn mới; hàng năm quan tâm bố trí và phân bổ đủ, kịp thời nguồn vốn để địa phương có điều kiện triển khai thực hiện chương trình đảm bảo tiến độ, hiệu quả.  Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Đồng Văn thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo mà còn là động lực giúp các hộ vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện, tỉnh.

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Động lực cho người dân Bắc Mê phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

BHG- Xác định các chính sách được quy định trong Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) chính là động lực mạnh mẽ để nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; nên trong thời gian qua, UBND huyện Bắc Mê đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung của nghị quyết. 

30/06/2016
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016
Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp - cần song hành với cải cách hành chính

BHG- Đa phần các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhưng...  các thủ tục hành chính để doanh nghiệp khởi động các dự án đầu tư còn rất rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

25/05/2016