Hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo ở thôn Lâm

09:02, 21/04/2016

BHG- Trải qua nhiều thập kỷ, biết bao hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã Đồng Tâm (Bắc Quang) luôn cháy bỏng ước mơ về cuộc sống sung túc. Thế nhưng, việc đồng bào du canh, du cư, thiếu đất sản xuất, lại sống xa điểm dân cư – nơi sườn núi dốc, có nguy cơ sạt lở cao và thiếu phương thức sản xuất hiệu quả đã hội tụ thành yếu tố “níu chân” cuộc sống nghèo. Song, tháng 8.2010, Dự án (DA) ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đồng Tâm được UBND tỉnh phê duyệt, đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào DTTS hiện thực hóa ước mơ về một cuộc sống mới.

Đồng bào vùng Dự án mong được nâng cấp đường để giao thông thuận tiện hơn.
Đồng bào vùng Dự án mong được nâng cấp đường để giao thông thuận tiện hơn.

Từ một khu đất rộng, gần như hoang hóa tại thôn Lâm (xã Đồng Tâm) những năm gần đây trở nên nhộn nhịp và căng tràn nhựa sống. Bởi đó là nơi 47 hộ đồng bào DTTS, sinh sống rải rác tại các sườn núi cao trên địa bàn xã được quy tụ theo DA nhằm ổn định cuộc sống, với tổng mức đầu tư trên 17,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; giờ đây, diện mạo khu ĐCĐC (rộng 26,5 ha) dành cho đồng bào DTTS đã khoác lên mình nhiều đổi thay tích cực. Bởi sau khi giải phóng mặt bằng, đồng bào còn được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, được cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống; nhằm phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đưa vào sử dụng đã tạo tiền đề quan trọng để đồng bào vùng DA an cư, lạc nghiệp, như: Trụ sở thôn, điểm trường Mầm non (gồm 3 phòng học, có bếp nấu ăn cho trẻ), công trình nước sinh hoạt (phục vụ toàn bộ khu vực vùng DA), trạm biến áp 0,4 Kv cùng công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho vùng DA và khu vực lân cận,...

Trải lòng về cuộc sống trước khi chuyển đến vùng DA, anh Lý Văn Bình cho biết: Gia đình anh từng bị lũ quét tràn qua, khiến khu vực chăn nuôi lợn, gà cùng ao cá bị thiệt hại; cuộc sống luôn bất an. Hơn nữa: “Việc sống xa khu dân cư, đường xá không thuận, chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia; việc tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục,... hạn chế đã làm cho cuộc sống của đồng bào vốn khó khăn về kinh tế, lại kéo thêm thiếu hụt trong phát triển văn hóa, xã hội khiến cuộc sống nghèo khó mai một. Không những vậy, nhiều hộ dân có con trong độ tuổi đến trường, nhất là cấp học Mầm non và Tiểu học thường xuyên nghỉ học vì đường đi bộ đến trường khá gian nan. Cùng với đó, nếu gia đình không may có người đau, ốm phải đến cơ sở y tế cũng gặp không ít truân chuyên”, Bí thư Chi bộ thôn Lâm, Triệu Minh Thị chia sẻ thêm.

Dự án ổn định dân cư đã giúp gia đình anh Lý Văn Bình “an cư, lạc nghiệp” vươn lên thoát nghèo.
Dự án ổn định dân cư đã giúp gia đình anh Lý Văn Bình “an cư, lạc nghiệp” vươn lên thoát nghèo.

Trước thực tế trên, chỉ từ cuối năm 2011 đến nay, khi DA ổn định dân cư, ĐCĐC cho đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đồng Tâm được thực hiện đã giúp 47 hộ đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo. “Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại; sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của mỗi hộ dân là một điểm sáng đáng ghi nhận”, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, Hoàng Văn Phú chia sẻ. Thực tế chứng minh, khi mỗi hộ dân về sinh sống tại vùng DA chỉ được cấp từ 0,3 đến 0,5 ha đất để làm nhà và tăng gia sản xuất. Nhưng với tư duy năng động, tận dụng quỹ đất trên; đồng bào vùng DA đã trồng mới 12 ha chè, đồng thời khai hoang 5,5 ha đất sản xuất lúa và 1,2 ha diện tích mặt nước để chăn nuôi cá. Không những vậy, khi quỹ đất hạn chế, nhiều hộ còn gây dựng kinh tế bằng cách chăn nuôi lợn (với số lượng đàn từ 20 – 40 con/lứa nuôi), làm dịch vụ say xát, bán thực phẩm tại chợ phiên hay mở cửa hàng tạp hóa,... và vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh: Lý Văn Bình, Đặng Thanh Quang, Đặng Văn Tân, chị Lù Thị Hương,... Cùng với kết quả trên, chất lượng cuộc sống dần nâng cao khi 100% số hộ trong thôn sử dụng điện thoại di động; trên 80% có xe máy, tivi; 100% số trẻ trong độ tuổi được đến trường,... Hơn nữa, từ năm 2014 đến nay, vùng DA đã có những học sinh đầu tiên thi đỗ các trường cao đẳng, đại học như em: Đặng Văn Đoàn, Đặng Kim Chi. Trên cơ sở đó, từng bước tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp sức xây dựng thôn Lâm thêm phát triển.

Mặc dù nơi ở mới có nhiều thuận lợi, để 47 hộ đồng bào DTTS an cư lạc nghiệp; khi được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, nâng cấp đường giao thông trong thôn, thay thế đường đất thì việc phát triển KT-XH sẽ dễ dàng hơn – Bí thư Chi bộ thôn Lâm, Triệu Minh Thị chia sẻ thêm. Vì thực tế, đường giao thông tại thôn Lâm không chỉ bụi khi trời nắng, lầy lội lúc trời mưa mà còn có nhiều đoạn đứt gẫy, sạt lở, có đoạn sâu trên 6 m, buộc phải sử dụng cầu tạm để di chuyển. Nhiều trường hợp như các anh: Trương Văn Lộc, Lý Văn Quang, Trương Văn Đức hay Đặng Thanh Quang,... khi lái xe đến đoạn đường trên đã mất lái, rơi xuống vực khiến phương tiện hư hỏng còn chủ xe nhập viện vì thương tích.

Dẫu còn gian khó nhưng trải lòng của nhiều hộ đồng bào DTTS như tiếp thêm nhựa sống cho vùng DA: “Ơn Đảng, Nhà nước, chúng tôi được an cư lạc nghiệp ở đây. Dù có khó khăn bao nhiêu cũng phải vượt qua để mang no ấm, an vui về khắp thôn Lâm”.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về đề nghị giao đất tái định cư để làm nhà của một số hộ dân thị trấn Yên Bình

BHG- Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình), các đại biểu HĐND tỉnh và huyện được nghe các cử tri đề nghị huyện giao đất tái định cư cho các hộ dân tại thị trấn, trong đó có các hộ: Vũ Thị Điều, Hoàng Phong Nha, Nguyễn Hữu Thọ, tổ 2 và Hoàng Hữu Xuyến, tổ 4 (thị trấn Yên Bình) để các hộ làm nhà trong năm 2015.

31/03/2015
Tham gia góp ý về các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn Hà Giang

LTS: Ngày 12.10.2015, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-HĐND về việc thực hiện tham vấn về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa Hà Giang. Để hoàn thiện các chính sách nêu trên phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương, Báo Hà Giang đăng toàn văn 3 dự thảo của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách nêu trên tới toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và tham gia ý kiến.

30/10/2015
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016
Quản Bạ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút đầu tư

BHG- Thu hút đầu tư luôn là bài toán khó đối với các huyện 30a do điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông... còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian qua, huyện Quản Bạ đã nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức vào đầu tư phát triển kinh tế. 

29/07/2015