Chính sách mới tạo bước đột phá trong trồng rừng lâm nghiệp xã hội

10:36, 20/02/2016

BHG- Với chính sách tỉnh hỗ trợ 600 đồng/cây giống; các huyện, thành phố tùy vào điều kiện cụ thể trích ngân sách hỗ trợ thêm tiền mua cây giống và người dân bỏ công, quỹ đất được giao khoán trồng rừng lâm nghiệp xã hội (LNXH), sau một năm triển khai, đã có trên 37.600 ha rừng được trồng mới, trong đó có gần 20.000 ha đủ tiêu chuẩn nghiệm thu sau 2 tháng trồng; số diện tích còn lại sẽ được nghiệm thu xong trong quý 1 năm 2016. Đây được xem là một kỳ tích của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH tại địa phương năm 2015.

Để thực hiện thành công kế hoạch trồng rừng, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng cấp tỉnh, huyện; tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã để nắm bắt tiến độ triển khai, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc mới phát sinh. Một trong những điểm mới của việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng rừng của tỉnh là cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chuyên ngành như kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp, khuyến nông các cấp cũng tham gia hướng dẫn, đôn đốc, nghiệm thu rừng và thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện. Với chức năng là cơ quan chuyên trách trong triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã đề xuất tham mưu cho tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng hướng dẫn liên sở về tổ chức thực hiện, cơ chế thanh, quyết toán, phương pháp nghiệm thu và lập hồ sơ để quản lý phù hợp với tình hình trồng rừng. Đây được xem là “chìa khóa” và yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chung của việc trồng rừng.

Tại huyện Bắc Mê - một trong những địa phương có diện tích đăng ký trồng rừng lớn của tỉnh, đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn theo nhu cầu đăng ký của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ, ngoài định mức tỉnh hỗ trợ 600 đồng/cây giống, huyện hỗ trợ thêm 400 đồng/cây giống (không phân biệt loại cây). Giống cây được thực hiện đa dạng về chủng loại, không áp đặt loại cây cụ thể; khuyến khích người dân lựa chọn, trồng những loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương như xoan, quế, mỡ, keo, lát, sơn... Cùng đó là phân công cán bộ thuộc các phòng, ban, đoàn thể của huyện, xã phụ trách địa bàn, thường xuyên xuống chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc trồng rừng. Đối với huyện Quang Bình, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, chỉ tiêu trồng rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa các nội dung trồng rừng vào các cuộc họp, buổi sinh hoạt ở các xã, thị trấn; tổ chức lễ phát động trồng rừng và kế hoạch phát động “Ngày thứ 7 trồng rừng gắn với xây dựng Nông thôn mới” để tạo khí thế trong nhân dân. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn không chạy theo thành tích, thực hiện theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, có lộ trình thực hiện cụ thể, khối lượng hoàn thành phải được thống kê chi tiết đến từng thôn, hộ gia đình, tránh tình trạng có khối lượng nhưng không rõ địa điểm thực hiện. Có kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn về nhân lực thực hiện trồng rừng theo hình thức mỗi người trồng giúp 20 cây trở lên; khuyến khích người dân tự gieo ươm cây giống hoặc mua từ các đơn vị sản xuất cây giống trong, ngoài địa bàn...

 Với cách làm đổi mới, sáng tạo, hết năm 2015, các chỉ tiêu về trồng rừng LNXH của tỉnh đã đạt kết quả ngoài mong đợi, nhiều địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trước thời hạn. Toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới được trên 37.000 ha, trong đó gần 20.000 ha đủ tiêu chuẩn nghiệm thu sau 2 tháng trồng; số diện tích còn lại sẽ được nghiệm thu xong trong quý 1 năm 2016. Các địa phương có diện tích rừng trồng mới lớn là huyện Quang Bình 7.700 ha, Bắc Quang 6.700 ha, Vị Xuyên 7.228 ha, Bắc Mê 4.380 ha, Hoàng Su Phì 4.800 ha, Xín Mần 1.600 ha, Quản Bạ 1.500 ha... Đây là những con số ấn tượng mà theo anh Vũ Ngọc Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh thống kê, tổng diện tích rừng trồng mới trong năm 2015 bằng khoảng 5 năm tỉnh ta phấn đấu trồng trước đó. Tuy nhiên, cũng theo anh Hùng, trong quá trình triển khai thực hiện trồng rừng cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại do quá trình giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng ở một số địa phương còn không sát với tình hình thực tế; người dân đăng ký trồng rừng thiếu nguồn lực và nhân lực; nhiều huyện chưa chủ động được giống cây để cung ứng đầy đủ cho người dân trồng kịp thời vụ. Một số cán bộ, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chủ động trong công tác thực hiện nhiệm vụ phân công, chưa bám sát để tập trung chỉ đạo trồng rừng; nhiều diện tích đất đăng ký trồng rừng còn manh mún, nhỏ lẻ do địa hình chia cắt. Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố có giải pháp điều chuyển số diện tích đăng ký trồng rừng trùng, không còn quỹ đất; ngoài diện tích rừng trồng theo hướng tập trung có thể thực hiện trồng rừng phân tán; tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ trồng rừng trong nhân dân, các công ty, doanh nghiệp và có biện pháp trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng đã trồng.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi phát biểu trong trong buổi tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2015 khẳng định: Thành công của trồng rừng LNXH năm 2015 là một kỳ tích của tỉnh, cho thấy chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm là đúng, trúng nên đã phát huy được cả nguồn lực, nhân lực, vật lực trong nhân dân; huy động được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc cuộc quyết liệt, đồng bộ. Đây là kinh nghiệm hay, bài học quý, là cơ sở để tỉnh chỉ đạo, triển khai các trương trình, dự án khác trong những năm tiếp theo.

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về đề nghị giao đất tái định cư để làm nhà của một số hộ dân thị trấn Yên Bình

BHG- Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình), các đại biểu HĐND tỉnh và huyện được nghe các cử tri đề nghị huyện giao đất tái định cư cho các hộ dân tại thị trấn, trong đó có các hộ: Vũ Thị Điều, Hoàng Phong Nha, Nguyễn Hữu Thọ, tổ 2 và Hoàng Hữu Xuyến, tổ 4 (thị trấn Yên Bình) để các hộ làm nhà trong năm 2015.

31/03/2015
Tham gia góp ý về các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn Hà Giang

LTS: Ngày 12.10.2015, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-HĐND về việc thực hiện tham vấn về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa Hà Giang. Để hoàn thiện các chính sách nêu trên phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương, Báo Hà Giang đăng toàn văn 3 dự thảo của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách nêu trên tới toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và tham gia ý kiến.

30/10/2015
Quản Bạ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút đầu tư

BHG- Thu hút đầu tư luôn là bài toán khó đối với các huyện 30a do điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông... còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian qua, huyện Quản Bạ đã nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức vào đầu tư phát triển kinh tế. 

29/07/2015
Cần có cống, rãnh cho con đường

BHG- Đó là con đường từ trụ sở xã Phương Tiến (Vị Xuyên) đi qua 3 thôn vùng cao của xã với chiều dài 13km, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh;  là con đường độc đạo để bà con nhân dân thôn Mào Phìn, Sà Phìn, Nặm Tệ đi lại, giao lưu hàng hóa. Hiện nay, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng do không có cống, rãnh thoát nước; gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại của hàng trăm hộ dân các thôn nêu trên.

26/03/2015