Nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở Quản Bạ

06:56, 08/07/2015

BHG- Trong những năm gần đây, nhằm tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Quản Bạ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm đẩy mạnh phát triển theo quy mô lớn, hình thành những mô hình, vùng sản xuất hàng hóa riêng biệt theo điều kiện từng địa phương.

Những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Quản Bạ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và  nâng cao trách nhiệm của người dân.  Trong ảnh: Xã viên HTX Cộng đồng Nặm Đăm chăm sóc cây dược liệu cẩn thận hơn khi được hỗ trợ mở rộng diện tích.
Những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Quản Bạ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nâng cao trách nhiệm của người dân. Trong ảnh: Xã viên HTX Cộng đồng Nặm Đăm chăm sóc cây dược liệu cẩn thận hơn khi được hỗ trợ mở rộng diện tích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Lệnh Thế Hội cho biết: “Nhằm thực hiện những mục tiêu phát huy nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, chú trọng phát triển cây dược liệu, chăn nuôi bò, trồng ngô hàng hóa. Cuối năm 2014, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 29 về các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho năm 2015. Ngay sau đó, UBND huyện đã ban hành Hướng dẫn việc triển khai thực hiện các cơ chế này để sớm đưa vào thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ”. Theo đó, có hơn 10 chính sách hỗ trợ trong 2 lĩnh vực chủ yếu: Trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa. Và đa phần được xây dựng dựa trên các chương trình, chính sách của T.Ư và của tỉnh như: Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh, Nghị định 210 của Chính phủ... Tuy nhiên, có nhiều chính sách huyện Quản Bạ đã căn cứ theo thực tế của địa phương và đổi mới phương thức hỗ trợ với mức hỗ trợ cao hơn nhiều các chính sách đã và đang được T.Ư, tỉnh triển khai để khi thực hiện sẽ đạt được hiệu quả cao nhất và theo đúng định hướng, mục đích là thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và chăn nuôi hàng hóa.

Trong chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu, với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và mối liên kết sẵn có giữa các địa phương đang gieo trồng, sản xuất dược liệu với các cơ sở, công ty chế biến dược liệu trong nước, cơ chế hỗ trợ của Quản Bạ hiện nay là hỗ trợ theo từng loại dược liệu với từng mức đầu tư cao hoặc thấp khác nhau, với mức hỗ trợ thấp nhất 10 triệu đồng/ha, diện tích trồng tập trung tối thiểu là 1ha. Trong khi đó, mức hỗ trợ theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh với tất cả các loại cây dược liệu nói chung, mức tối đa là 2 triệu đồng/ha, quy mô trồng tập trung tối thiểu 3ha trở lên. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: “Hiện nay đối với các loại cây dược liệu thì mức đầu tư thấp nhất cũng phải từ 20 triệu đồng/ha trở lên. Với mức hỗ trợ như của tỉnh ban hành thì khó tạo động lực cho người dân phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, điều kiện đi kèm tối thiểu 3ha trở lên cũng rất khó đối với các hộ gia đình. Vì vậy với những chính sách hỗ trợ của huyện sẽ giúp người dân mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu”. Điều này được khẳng định thực tế qua chia sẻ của anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm (xã Nặm Đăm), một trong 5 HTX trồng, sơ chế dược liệu ở Quản Bạ, anh Dèn cho biết: “Năm 2013 và 2014, HTX của chúng tôi chỉ trồng hơn 3ha cây dược liệu các loại, nhưng năm nay, với cơ chế hỗ trợ mới của huyện, các xã viên trong HTX chúng tôi đã và đang chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cây lương thực sang trồng dược liệu, nâng tổng số diện tích trồng dược liệu của HTX lên khoảng 8ha. Nếu cơ chế hỗ trợ này thực hiện lâu dài, chắc chắn chúng tôi sẽ còn trồng thêm nhiều diện tích nữa.”

Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của Quản Bạ cũng có nhiều nét mới. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Mức hỗ trợ của huyện Quản Bạ cho 1ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ là 18,6 triệu đồng. Số tiền này nhằm mục đích hỗ trợ người dân mua lương thực trong một vụ ngô không sản xuất trong năm, tránh tình trạng thiếu đói trong thời gian đầu chuyển đổi. Chính sách này được người dân rất hài lòng và đồng tình.

Đó chỉ là 2 trong số hơn 10 chính sách hỗ trợ mà Quản Bạ đã ban hành trong thời gian vừa qua để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện. Để các chính sách thực sự đem lại hiệu quả và nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, những chính sách này đều có những điều kiện đi kèm, ràng buộc người dân phải trách nhiệm trong sử dụng nguồn vốn và nỗ lực sản xuất hiệu quả như: Những HTX sản xuất dược liệu muốn được nhận hỗ trợ phải có hợp đồng ký kết với cơ sở chế biến bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả ít nhất mỗi hộ phải thực hiện từ 2.000m2 trở lên; hỗ trợ đầu tư có thu hồi trong một số chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo...

“Mặc dù có nhiều điều kiện và yêu cầu đi kèm để có thể được hưởng hỗ trợ trong những chính sách mà huyện đã ban hành nhưng nó đã đánh trúng tâm lý, mong muốn và phù hợp với người dân. Vì vậy, cho đến nay, với nguồn kinh phí hơn 11 tỷ đồng, huyện Quản Bạ dành để thực hiện những chính sách này trong năm 2015 đang được giải ngân cho các hộ, HTX đã đăng ký thực hiện khi mới ban hành. Tin tưởng rằng sau khi nguồn vốn đến tay người dân nó sẽ đem lại hiệu quả như mong đợi”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệnh Thế Hội chia sẻ thêm.

LƯƠNG HÀ                       


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về đề nghị giao đất tái định cư để làm nhà của một số hộ dân thị trấn Yên Bình

BHG- Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình), các đại biểu HĐND tỉnh và huyện được nghe các cử tri đề nghị huyện giao đất tái định cư cho các hộ dân tại thị trấn, trong đó có các hộ: Vũ Thị Điều, Hoàng Phong Nha, Nguyễn Hữu Thọ, tổ 2 và Hoàng Hữu Xuyến, tổ 4 (thị trấn Yên Bình) để các hộ làm nhà trong năm 2015.

31/03/2015
Thành phố Hà Giang sẽ không “bỏ rơi” công dân
HGĐT- Trên Báo Hà Giang ra ngày 9 tháng 10 và 20 tháng 11 năm 2014 Đăng bài “Cần có phương án di dời bãi rác của thành phố” và bài “Xin đừng bỏ rơi chúng tôi” đăng ý kiến của cử tri tổ 1+2 phường Minh Khai, thành phố Hà Giang đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, thành phố cần có biện pháp khắc phục tình trạng quá tải khu bãi rác thành phố hiện đang gây ô nhiễm nguồn nước, ô
29/11/2014
Đường ống dẫn nước xã Thượng Phùng sẽ sớm được sửa chữa
HGĐT- Ngày 22.10, Báo Hà Giang đăng bài viết “Gần 3 năm đợi... sửa đường ống dẫn nước”, phản ánh ý kiến của người dân xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) về việc đường ống dẫn nước từ hồ treo về 2 thôn Xà Phìn A và B đã bị hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Đồng thời, mong muốn các đơn vị liên quan khẩn trương có biện pháp khắc phục, giúp người dân sớm được sử dụng nguồn nước, góp phần
29/10/2014
Cần có cống, rãnh cho con đường

BHG- Đó là con đường từ trụ sở xã Phương Tiến (Vị Xuyên) đi qua 3 thôn vùng cao của xã với chiều dài 13km, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh;  là con đường độc đạo để bà con nhân dân thôn Mào Phìn, Sà Phìn, Nặm Tệ đi lại, giao lưu hàng hóa. Hiện nay, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng do không có cống, rãnh thoát nước; gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại của hàng trăm hộ dân các thôn nêu trên.

26/03/2015