Hà Giang

Nhà ở công nhân khu công nghiệp - từ chính sách đến thực tiễn

08:08, 18/11/2014

HGĐT- Theo dự báo, đến năm 2015 sẽ có 5 nghìn lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, con số này tăng lên 10 nghìn vào năm 2020. Trong đó, công nhân có nhu cầu giải quyết chỗ ở khoảng 3.500 người vào năm 2015 và 7 nghìn người năm 2020. Từ thực tiễn này, tỉnh ta sớm có chính sách phát triển nhà ở, các doanh nghiệp đang tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo hiệu ứng tích cực.


“An cư mới lạc nghiệp”!

Cha ông xưa đúc kết “An cư mới lạc nghiệp”, câu nói này luôn đúng với anh Lê Công Toán - công nhân bộ phận lái máy Nhà máy tinh quặng sắt vê viên Khu công nghiệp (KCN) Bình Vàng thuộc Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (Công ty An Thông). Từ quê hương Quảng Bình ra Hà Giang làm việc, đầu quân cho Công ty An Thông hơn 4 năm, điều khiến Toán gắn bó, không chỉ ở thu nhập ổn định, còn do doanh nghiệp luôn quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, ngoài được hưởng đầy đủ chế độ, anh còn được bố trí chỗ ở ngay cạnh nhà máy.



Công nhân Nhà máy tinh quặng sắt vê viên - Công ty An Thông được bố trí chỗ ở ổn định trong khu tập thể.Ảnh: BIỆN LUÂN


Như nhiều lao động khác, công nhân công nghệ Vũ Mạnh Thái, huyện Quang Bình mới vào làm việc hơn một năm tại Nhà máy tinh quặng sắt vê viên cũng được bố trí ở nhà tập thể với hơn 10 người. Thái cho biết, trước khi đầu quân vào Công ty An Thông, anh đã làm việc cho nhiều doanh nghiệp. Những chỗ làm trước, người lao động không được bố trí nơi ăn nghỉ, phần lớn phải thuê nhà dân, phòng trọ chật chội, không được chủ hỗ trợ các thiết bị sinh hoạt, giá thuê phòng, tiền điện, nước cao nên cuộc sống rất bấp bênh. Từ khi về Công ty An Thông, những nỗi lo này không còn nữa, công nhân được doanh nghiệp hỗ trợ, đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt nên hoàn toàn yên tâm làm việc.


Anh Lê Ngọc Khanh, Trưởng bộ phận Tổ chức - hành chính Nhà máy tinh quặng sắt vê viên cho biết: Đội ngũ cán bộ, công nhân làm việc tại Nhà máy gần 240 người. Dù quỹ đất còn hạn chế, nhưng doanh nghiệp vẫn dành một phần xây dựng khu nhà tập thể với 12 phòng, giải quyết chỗ ở thường xuyên cho 130 người. Công nhân sống tại khu tập thể, được bố trí đầy đủ giường tủ, chăn màn có khu vệ sinh với đầy đủ thiết bị, được ăn cơm tập thể. Anh Khanh cho biết thêm, nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn, nhưng hiện tại chưa có đất nên không thể dựng thêm phòng. Quả thực, đi thăm khu nhà ở công nhân, chúng tôi nhận thấy, để bố trí chỗ ở cho trên một trăm người với đầy đủ thiết bị sinh hoạt hàng ngày là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi phòng bố trí từ 10-12 công nhân, đôi khi cũng bất tiện trong sinh hoạt.


Không chỉ ở KCN Bình Vàng, các dự án do Công ty An Thông triển khai tại Tùng Bá (Vị Xuyên), Minh Sơn (Bắc Mê), với trên 700 công nhân, doanh nghiệp đều chú trọng chăm lo đời sống người lao động. Khi triển khai dự án, Công ty An Thông luôn ưu tiên, bố trí quỹ đất hợp lý xây dựng nhà ở công nhân. Khu tập thể tại các dự án, cơ bản giải quyết được chỗ ở cho người lao động, chỉ một phần nhỏ, người lao động trọ bên ngoài và người địa phương về nhà sau mỗi ca làm việc. Từ những chính sách phù hợp, đã giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài, hăng say làm việc vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Nằm cạnh Nhà máy tinh quặng sắt vê viên của Công ty An Thông, Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc - một nhà đầu tư lớn tại KCN Bình Vàng với hàng loạt dự án đã, đang triển khai như Nhà máy Cốc hóa Tây Giang, Nhà máy Chì kim loại và Nhà máy quặng sắt vê viên Ngân Trường, tổng mức đầu tư trên 2,5 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ có hàng nghìn công nhân vào làm việc. Ngay như Nhà máy luyện Feromangan và Silicomangan Việt Bắc của doanh nghiệp hiện có 120 cán bộ, công nhân, dự kiến đến cuối tháng 12 tới, số lao động sẽ tăng lên hơn 270 người. Trong đó, khoảng 70 chuyên gia Trung Quốc, 50 kỹ thuật bậc cao từ Thái Nguyên sang giúp vận hành, chuyển giao công nghệ. Hiện tại, trong KCN Bình Vàng chưa xây dựng được khu nhà ở công nhân tập trung nên doanh nghiệp phải dựng những khu nhà tạm. Cái khó nhất hiện nay chính là việc bố trí chỗ ở cho chuyên gia Trung Quốc và các kỹ sư lành nghề từ Thái Nguyên, số còn lại là con em địa phương về nhà sau mỗi ca làm việc - ông Phạm Văn Hoan, Phó Tổng giám đốc phụ trách Hà Giang của Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc chia sẻ.


Chính sách phù hợp thực tiễn

Trên địa bàn tỉnh ta, sản xuất công nghiệp chưa thực sự phát triển mạnh, chưa nhiều KCN lớn, chưa nhiều công nhân sống tập trung nên chưa phải chịu áp lực về nhà ở. Tuy nhiên, việc dự báo và đề ra chính sách luôn được ưu tiên hàng đầu, nhận thức rõ điều này, tỉnh ta sớm lập quy hoạch, đưa ra dự báo, đồng thời xây dựng chính sách liên quan đến nhà ở cho người lao động. Theo dự báo, đến năm 2015 sẽ có 5 nghìn lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, con số này tăng lên 10 nghìn vào năm 2020. Trong đó, số công nhân có nhu cầu giải quyết chỗ ở khoảng 3.500 người vào năm 2015 và 7 nghìn người năm 2020. Thực hiện chính sách nhà ở công nhân các khu, cụm công nghiệp, tỉnh ta đề ra mục tiêu đến 2015 khoảng 50% công nhân có nhu cầu được thuê nhà trong các dự án nhà ở công nhân với diện tích tối thiểu 5m2/người; đến năm 2020 có 70% công nhân được thuê nhà trong các dự án nhà ở công nhân, diện tích khoảng 8m2/người.


Việc triển khai chính sách phát triển nhà ở công nhân, nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, môi trường sống của các đối tượng thu nhập thấp, đảm bảo có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, từng bước giảm khoảng cách về chất lượng chỗ ở giữa các nhóm đối tượng trong xã hội. Chủ trương của tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Đối với quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân KCN đang trong giai đoạn hình thành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó chuyển giao Trung tâm phát triển quỹ đất để tổ chức đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân. Chi phí bồi thường, GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng khu nhà ở công nhân được phân bổ vào tiền thuê đất tại KCN.


Đầu tư, phát triển nhà ở cho công nhân các khu, cụm công nghiệp rất cần thiết. Hiện cơ chế đã mở, ngoài các doanh nghiệp có dự án trong KCN đang chủ động xây dựng nhà tạm cho công nhân, rất cần các tổ chức xã hội, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Từ đó, hình thành nên những khu nhà ở tập trung, đầy đủ tiện nghi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên quan tâm cơ chế hỗ trợ, hình thành vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa
HGĐT- Nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, từ năm 2011 đến nay, huyện Vị Xuyên quan tâm thực hiện chương trình phát triển sản xuất lúa, ngô hàng hóa. Để thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đề ra, huyện tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp,
31/07/2014
Đường ống dẫn nước xã Thượng Phùng sẽ sớm được sửa chữa
HGĐT- Ngày 22.10, Báo Hà Giang đăng bài viết “Gần 3 năm đợi... sửa đường ống dẫn nước”, phản ánh ý kiến của người dân xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) về việc đường ống dẫn nước từ hồ treo về 2 thôn Xà Phìn A và B đã bị hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Đồng thời, mong muốn các đơn vị liên quan khẩn trương có biện pháp khắc phục, giúp người dân sớm được sử dụng nguồn nước, góp phần
29/10/2014
Người dân xã Xuân Minh đã có chợ phiên
HGĐT - Chợ phiên xã Xuân Minh, huyện Quang Bình vừa chính thức được đưa vào sử dụng. Công trình chợ Xuân Minh được đầu trên 200 triệu đồng, với tổng diện tích hơn 100m2; với 27 hộ đăng ký bán hàng tại chợ. Chợ được họp vào thứ 6 hàng tuần.
23/11/2013
Xem xét lại việc 8 hộ dân thôn Nà Tho chưa được bồi thường khi làm tuyến Quốc lộ 279
HGĐT- Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri tại xã Tân Bắc (Quang Bình) cùng với đại biểu HĐND tỉnh và huyện, chúng tôi được nghe người dân nơi đây, đặc biệt là người dân của thôn Nà Tho, xã Tân Bắc phản ánh về việc đề nghị huyện, tỉnh tiếp tục xuống khảo sát để bồi thường cho 8 hộ dân chưa được bồi thường khi làm tuyến Quốc lộ 279 từ Bắc Quang qua Quang Bình và tiếp giáp với
20/08/2014