Thời cơ thoát nghèo đang “gõ cửa” các xã vùng đặc biệt khó khăn

08:42, 13/08/2014

HGĐT- 21 địa phương thuộc Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo đột phá phát triển KT-XH... Đây là chính sách mới, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh và đang được các địa phương, người dân kỳ vọng sẽ có sự bứt phá nhanh chóng.


Cách làm mới

Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK giai đoạn 2014-2016 triển khai trên địa bàn 21 xã, thị trấn của tỉnh. Trong đó có 10 xã nghèo vùng ĐBKK, gồm thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn), Thượng Phùng (Mèo Vạc), Bạch Đích (Yên Minh), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Lao Chải (Vị Xuyên), Chí Cà (Xín Mần), Thàng Tín (Hoàng Su Phì), Đức Xuân (Bắc Quang), Bản Rịa (Quang Bình), Phiêng Luông (Bắc Mê); 11 xã điểm Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 gồm: Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Xuân Giang (Quang Bình), Việt Lâm (Vị Xuyên), Khuôn Lùng (Quang Bình), Nậm Ty (Hoàng Su Phì), Yên Định (Bắc Mê), Quản Bạ (Quản Bạ), Mậu Duệ (Yên Minh), Tả Lủng (Mèo Vạc), Sủng Là (Đồng Văn) và Phương Độ (thành phố Hà Giang).



Các dự án đầu tư trên địa bàn xã nghèo góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Trong ảnh:Thi công đường Sủng Trà (Mèo Vạc).


Cách thức triển khai, thực hiện đề án có nhiều khác biệt so với các quy trình vẫn đang diễn ra tại cơ sở. Về cơ cấu, tổ chức chính trị và bộ máy hành chính cấp xã được phân công thành 4 khối rõ rệt, gồm nội chính, kinh tế tài chính, VH-XH và khối tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đối với cấp thôn bản được xác định là một bộ phận rất quan trọng, địa bàn thực hiện đề án chủ yếu cấp cơ sở, tập trung xây dựng thôn, bản vững mạnh. Thông qua đó, phương pháp lập kế hoạch hàng năm sẽ xuất phát từ nhu cầu của thôn, nhất là kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế. Căn cứ nhu cầu thực tế, Ban phát triển thôn (PTT) có trách nhiệm tổng hợp, lập kế hoạch hỗ trợ cụ thể, đề nghị lên cấp xã, khi được phê duyệt sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các hộ triển khai. Ban PTT thành lập các nhóm cùng sở thích, nhóm đổi công sản xuất và giữa các nhóm bầu ra tổ trưởng quán xuyến công việc, làm cầu nối trực tiếp giữa Ban PTT với các hộ dân.


Trên địa bàn các xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK sẽ được hưởng một loạt chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội... Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các lĩnh vực cấp có thẩm quyền chấp nhận sẽ được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tối đa 50% lãi suất vốn vay; được hưởng tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng bằng 30% mức lương tối thiểu/ha/năm. Ngoài ra, các hộ dân trên địa bàn xã biên giới sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ làm nhà ở; các hộ dân xã nội địa được hỗ trợ 20-23 triệu đồng để di chuyển, làm nhà tại chỗ hoặc chuyển đến địa bàn khác trong tỉnh; các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất với mức 50 triệu đồng được hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 3 năm; hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình giảm nghèo...


Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK được triển khai với mong muốn có sự thay đổi về thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, gắn với đổi mới hình thức hỗ trợ, tạo tính chủ động cho chính quyền và người dân trong việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ; thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư có tính đặc thù, đủ mạnh, giúp các xã nghèo phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP bền vững trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương; tổ chức lại phong trào sản xuất của nông dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới. Đề án đặt ra 4 nhiệm vụ chính gồm, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống VH-XH, đảm bảo QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh.


Nhân dân đang kỳ vọng

Đón nhận thông tin mới và vui mừng nhất là hàng nghìn hộ dân các xã vùng thí điểm của đề án. Bởi lẽ, các nội dung đề ra đều xuất phát từ cơ sở, giải quyết trực tiếp vấn đề liên quan đến tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống người dân. Tại hội nghị triển khai Đề án cuối tháng 7 vừa qua, nhiều đại biểu đến từ các xã vùng ĐBKK thẳng thắn chia sẻ những bất cập đã diễn ra từ lâu, thực tế đang đòi hỏi cần có sự đổi mới, nhưng lại chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc, thành ra có những chính sách, cách làm chưa phù hợp vẫn phải triển khai, dù biết trước hiệu quả không cao. Khi triển khai đề án, với cách làm mới, xuất phát chính từ cơ sở, từ yêu cầu, nguyện vọng bức thiết đang diễn ra ở thôn bản, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân thì sẽ phát huy hiệu quả.


Đại biểu đến từ các xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì), Phiêng Luông (Bắc Mê)... cùng chung nhận định: Thời gian qua, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhận được nhiều chính sách đầu tư nhằm phát triển kinh tế, XĐGN, nâng cao đời sống. Sự hỗ trợ này là đòn bẩy, có tính quyết định để người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, trên địa bàn xã nghèo hiện có khoảng 30 chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư. Trong đó, có 15 chương trình MTQG, gần 10 chính sách hỗ trợ đời sống, khoảng 15 chương trình hỗ trợ có mục tiêu và hỗ trợ từ Trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, giai đoạn 2009-2013, tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách của các chương trình, dự án cho xã nghèo mỗi năm từ 3-5 tỷ đồng.

Và thực tế cho thấy, các xã nghèo vẫn thuộc diện chậm phát triển, tính tự phát, manh mún trong sản xuất còn khá phổ biến. Các vấn đề thiết yếu như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết căn bản; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân, do các chính sách không tập trung, có nhiều cơ quan chủ quản khác nhau, quy trình quản lý, định mức hỗ trợ và thanh quyết toán phức tạp; nội dung hỗ trợ, đầu tư đôi khi còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện ở cơ sở. Mặt khác, nhiều chính sách chưa thực sự đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép mục tiêu giảm nghèo. Mỗi chính sách lại được điều hành bởi các văn bản riêng nên việc lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo đủ mạnh để bứt phá gặp rất nhiều khó khăn, khó thực hiện.


Nhằm triển khai hiệu quả đề án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã yêu cầu, trước mắt các huyện, xã, thị trấn cần xây dựng kế hoạch chi tiết với từng nội dụng, công việc phải thực hiện theo lộ trình cụ thể và đôn đốc triển khai toàn diện; tổ chức quán triệt để người dân hiểu, cùng đồng tâm, đồng sức triển khai, mỗi xã cần chọn một thôn làm điểm sau đó nhân rộng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở mức cao hơn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng hình thức...


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên quan tâm cơ chế hỗ trợ, hình thành vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa
HGĐT- Nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, từ năm 2011 đến nay, huyện Vị Xuyên quan tâm thực hiện chương trình phát triển sản xuất lúa, ngô hàng hóa. Để thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đề ra, huyện tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp,
31/07/2014
Người dân xã Xuân Minh đã có chợ phiên
HGĐT - Chợ phiên xã Xuân Minh, huyện Quang Bình vừa chính thức được đưa vào sử dụng. Công trình chợ Xuân Minh được đầu trên 200 triệu đồng, với tổng diện tích hơn 100m2; với 27 hộ đăng ký bán hàng tại chợ. Chợ được họp vào thứ 6 hàng tuần.
23/11/2013
Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi “thấm” vào cuộc sống đồng bào Xín Mần
HGĐT- Huyện Xín Mần có 669 hộ vay vốn theo tinh thần Nghị quyết số47/2012/HĐND tỉnh (Nghị quyết 47) để chăn nuôi sinh sản, vỗ béo trâu, bò với số vốn kết dư trên 10 tỷ đồng; có trên 43,5 tấn lợn hơi được xuất chuồng trong vòng 6 tháng từ 23 mô hình chăn nuôi trang trại, bán trang trại theo hình thức tổ chức Tổ hợp tác với số vốn vay 900 triệu đồng và đã có thêm nhiều hộ vừa
16/12/2013
Tháo “nút thắt” về nguồn vốn giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
HGĐT- Sau hơn 5 tháng triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh triển khai nguồn vốn trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi như tháo “nút thắt” giúp hộ cận nghèo bứt phá, vươn lên thoát nghèo bền vững.
16/08/2013