Hà Giang

Trồng mía trên đất đồi - chủ trương hợp lòng dân Quang Bình

06:24, 12/06/2013

HGĐT- Xác định rõ tiềm năng khí hậu, đất đai, nguồn lao động dồi dào, năm 2012, huyện Quang Bình có chủ trương đưa cây mía, một loại cây công nghiệp ngắn ngày vào trồng trên đất đồi tại địa bàn các xã có độ dốc thấp, địa hình tương đối bằng phẳng, nhằm cải tạo vườn đồi tạp và tận dụng những diện tích đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/HU của BTV Huyện ủy.



Vợ chồng anh chị Hoàng Đình Huy, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành chăm sóc diện tích mía trên 1 ha phát triển rất tốt.

Sau khi xem xét và khảo sát tại một số xã, UBND huyện đã tổ chức họp bàn với các cơ quan chức năng và một số xã, được các ngành chức năng và các xã đồng ý thống nhất. Thực hiện chủ trương đó, UBND huyện đã quyết định đầu tư mở vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện, nhưng trước mắt thực hiện trồng thí điểm 30 ha tại các xã: Vĩ Thượng, Tiên Yên, Yên Hà, Bằng Lang và Hương Sơn. Đồng thời cùng với việc triển khai tới các xã, UBND huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương thống nhất triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân.


Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi thống nhất các nội dung với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, tháng 4.2012 huyện đã chỉ đạo các xã gồm Bằng Lang, Vĩ Thượng, Yên Thành triển khai trồng mía với tổng diện tích gần 30 ha (với 40 hộ tham gia), trong đó xã Bằng Lang gần 19 ha, xã Vĩ Thượng gần 6 ha, xã Yên Thành trên 3 ha. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của huyện, đồng thời để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đã lựa chọn các giống mía có năng suất, chất lượng cao như các giống ROOC 10 và ROOC 22, trong đó giống mía ROOC 22 là giống mía mới xuất xứ từ Trung Quốc, mới được Công ty nhập về năm 2010. Với tổng số vốn đầu tư cho 1 ha trồng năm thứ nhất là 43.600.000 đồng, trong đó Công ty đầu tư ứng trước cho nhân dân 33.366.000 đồng, gồm: làm đất bằng máy, mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ phân bón, giống mía và thuốc bảo vệ thực vật được Công ty mía đường đầu tư đến từng hộ trồng mía. Còn lại dân tự đầu tư tiền công chăm sóc và thu hoạch là 10 triệu đồng.


Cùng với việc đầu tư của Công ty về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Công ty còn cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc mía đến từng hộ gia đình. Đối với những diện tích tập trung có độ dốc thấp, công ty sẽ trực tiếp làm đất bằng cơ giới, còn đối với những diện tích nhỏ lẻ, độ dốc cao sẽ thực hiện làm đất thủ công. Trước khi trồng sẽ được bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và chống mối; khi mía đẻ nhánh hoặc vươn lóng sẽ bón thúc 200 kg phân đạm và 100 kg phân ka ly. Khi trồng xong, cán bộ kỹ thuật của Công ty sẽ thường xuyên có mặt tại đồng ruộng để hướng dẫn và đôn đốc các hộ gia đình thực hiện công tác chăm sóc đúng thời vụ, đồng thời kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và có biện pháp hướng dẫn các hộ phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Vì thế toàn bộ diện tích mía được trồng trong năm 2012 phát triển rất tốt không có sâu bệnh hại xảy ra.


Theo đánh giá của huyện cho thấy, vụ mía năm đầu tiên cho thu hoạch khá tốt, năng suất bình quân đạt trên 68 tấn/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn. Theo tính toán, nếu chi phí ban đầu cho 1 ha hết 43.366.000, sau khi thu hoạch trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được sẽ còn 17 triệu đồng/ha.

 
Ông Ma Văn Hà, thôn Khuổi Thè, xã Bằng Lang cho biết: “Gia đình tôi trồng 0,6 ha, khi thu hoạch năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, sản lượng thu được 50 tấn, trong đó mía nguyên liệu 30 tấn, mía giống 20 tấn, sau khi trừ hết chi phí còn được gần 26 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Lập và chị Hoàng Thị Sinh, thôn Yên Lập, xã Yên Thành trồng mỗi hộ gần 1 ha, toàn bộ diện tích trồng mía hiện nay trước đây trồng cam thì cam bị bệnh chết sạch, sau đó lại chuyển sang trồng ngô, mỗi vụ cũng chỉ được 1 đến 2 tấn, khi có chủ trương của huyện đã chuyển diện tích này sang trồng mía, vụ thu hoạch năm đầu tiên trừ toàn bộ chi phí đã thu được gần 50 triệu đồng. Còn vợ chồng anh Hoàng Đình Huy, chị Hoàng Thị Tâm, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành, mặc dù trời nắng nóng như đổ lửa vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi ra thăm diện tích trồng mía gần 1 ha trên một quả đồi cách nhà không xa mấy, anh Huy bảo “Đồi mía nhà tôi năm nay mới đưa vào trồng, mới được 5 tháng mà đã lên cao vút đầu người, cây nào cây ấy to mập và rất tốt, nếu thời tiết thuận lợi, không bị mưa bão chắc chắn diện tích mía sẽ cho năng suất, sản lượng cao”...


Mô hình trồng mía ở Quang Bình đã và đang được nhân dân đồng tình ủng hộ, với cơ chế, chính sách “Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm; nhân dân có đất, bỏ công chăm sóc, thu hoạch” sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Theo đánh giá của huyện cho thấy, cây mía có giá trị kinh tế cao. So sánh một số cây trồng khác hiện nay như cây sắn, cây keo... thì cây mía có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, ngoài sản phẩm mía nguyên liệu, mía giống thì mầm mía, lá mía còn làm thức ăn cho gia súc, nhất là trong mùa đông giá rét, khan hiếm thức ăn, rễ mía còn có tác dụng cải tạo đất. Nếu đầu tư trồng 1 ha sắn, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, giá 1.000 đồng/kg, thì thu được 5 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lại 3 triệu đồng. Hoặc nếu trồng 1 ha cây keo, thời gian cho thu hoạch là 7 năm, sản lượng đạt khoảng 50m3, giá bán 700.000 đồng/m3, thì thu được 35 triệu đồng, trừ tiền cây giống, công lao động, vật tư phân bón, công chăm sóc mất khoảng 15 triệu đồng, lợi nhuận thu được còn 20 triệu đồng/7 năm, chia ra mỗi năm thu được 3,3 triệu đồng.


Có thể nói, cây mía đã và đang có “chỗ đứng” rất thuận lợi ở Quang Bình, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động, (mỗi ha mía sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2 lao động). Với cơ chế chính sách phù hợp như hiện nay, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu và mía giống đến từng hộ gia đình, khi thu hoạch các hộ dân chỉ việc chặt, bốc xếp lên phương tiện vận chuyển của Công ty, khi thanh toán Công ty tổ chức thanh toán tiền đến từng hộ gia đình tại UBND xã, rất thuận lợi cho người dân. Với cách làm này sẽ giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Khi ý Đảng hợp lòng dân...
HGĐT - Là một huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển KT – XH, nhưng những năm qua, với nhiều quyết sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, huyện Bắc Mê đã biết dựa vào dân để biến những khó khăn ấy thành cơ hội phát triển, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông qua phương pháp quản lý, diều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở của tập
23/05/2012
Tạm dừng trồng cây cao su - nhìn thẳng vào sự thật để quyết định đúng
HGĐT- Đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 càn qua vùng trồng cao su, khiến gần như toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần bị xoá sổ. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cao su là điều không ai ngờ tới. Nhưng qua những gì đã xảy ra, nó cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm và sự thận
21/06/2012
Hà Giang cần có thêm chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Do đó diện mạo nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự đổi thay tích cực. Đó là những bước chuyển mình đáng kể của Hà Giang trong quá trình thực hiện chính sách dân
18/09/2012