Hà Giang cần có thêm chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:22, 18/09/2012

HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Do đó diện mạo nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự đổi thay tích cực. Đó là những bước chuyển mình đáng kể của Hà Giang trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Và để tìm hiểu rõ hơn việc thực hiện các chính sách dân tộc, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Long Hữu Phúc, Trưởng Ban Dân tộc một số nội dung sau:


PV: Xin đồng chí cho biết công tác dân tộc và mục đích việc thực hiện các chính sách dân tộc hiện nay?

Đ/c Long Hữu Phúc: Công tác dân tộc là thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


PV: Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có bao nhiêu chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Đ/c Long Hữu Phúc: Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có đủ 13 chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: (chính sách đầu tư và sử dụng nhân lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; chính sách phát triển thể dục - thể thao vùng dân tộc thiểu số; chính sách y tế, dân số; chính sách thông tin- truyền thông; chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; chính sách quốc phòng, an ninh; chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa). Hầu hết các chính sách đều gắn với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đều được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Trong từng giai đoạn 5 năm một lần, tỉnh đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng giai đoạn cụ thể gồm: 1995-2000, 2001-2005, 2005-2010, 2011-2015. Hiện nay tỉnh ta đã và đang thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015, trong đó có chính sách dân tộc và miền núi, vùng dân tộc thiểu số khó khăn và đặc biệt khó khăn, để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.


PV: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư thông qua nhiều chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 120, 134, 135, 167... nhưng tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS vẫn còn cao (98% hộ nghèo của tỉnh là hộ dân tộc thiểu số). Vậy đồng chí cho biết đâu là nguyên nhân?

Đ/c Long Hữu Phúc: Hà Giang là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 89% dân số là dân tộc thiểu số. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ để thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện rõ là từ khi có Nghị quyết số 22/NQ/TW, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Quyết định số 72-HĐBT, ngày 13/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi và tiếp theo đó là các chương trình như Quyết định 186, 120, 135, 134, 167, 57, 31, 32, 87,57, 30a. v.v... Thông qua các chương trình đầu tư, hỗ trợ hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được cải thiện một cách cơ bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên một bước. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao do nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung 4 nguyên nhân cơ bản như: Phần lớn hộ nghèo đều do thiếu đất sản xuất, diện tích canh tác bình quân hộ, bình quân đầu người hàng năm giảm do tăng dân số và phát triển cơ sở hạ tầng; tỷ lệ tăng dân số còn cao (năm 2011 là 1,82%); dân số tăng nhanh dẫn đến tỷ lệ nghịch với diện tích đất bình quân đầu người; mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 cao hơn nhiều so với giai đoạn 2005-2010; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đã ảnh hưởng lớn đến canh tác của đồng bào.


PV: Vậy, tỉnh cũng như Ban Dân tộc đã có những giải pháp gì để giúp đồng bào DTTS thoát nghèo?

Đ/c Long Hữu Phúc: Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Uỷ Ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các dự án, đề án mới đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng có các dân tộc thiểu số ít người như: (Cờ Lao, Phù Lá, Pà Thẻn, Pố Y, Lô Lô, Pu Péo); đề xuất kéo dài thời gian thực hiện các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ như: Kéo dài thực hiện Quyết định 1592 về đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc đời sống khó khăn đến năm 2020; rà soát đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định 102 về hỗ trợ trực tiếp người nghèo, tổ chức xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc miền núi để thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; đề xuất với Uỷ ban Dân tộc nghiên cứu, có chính sách đặc thù cho vùng cao núi đá và đã được Uỷ ban Dân tộc chấp thuận, hiện đang xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng Dự án định canh, định cư để hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn thường xuyên bị thiên tai...


PV: Đồng chí cho biết năng lực của đội ngũ cán bộ xã hiện nay có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện các chính sách dân tộc ở từng địa phương?

Đ/c Long Hữu Phúc: Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ xã hiện nay đã từng bước được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong công tác quản, lý điều hành ở cơ sở, do đó việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách cũng được tốt hơn; hiện nay các chương trình thực hiện chính của Đảng và Nhà nước ở tỉnh ta đã được phân cấp mạnh về cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện, riêng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã, thôn đặc biệt khó khăn chủ yếu là do xã làm chủ đầu tư(93% do xã làm chủ đầu tư).


PV: Việc giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện các Chương trình, chính sách dân tộc được thực hiện như thế nào?

Đ/c Long Hữu Phúc: Các chương trình thực hiện trên địa bàn có nhiều hình thức giám sát: Giám sát trực tiếp là Ban giám sát của xã; giám sát của Quốc hội và giám sát của HĐND các cấp; riêng việc giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách được thực hiện từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng chính sách cho đến khi thực thi chính sách. Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc giám sát của nhân dân vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa tạo ra được ý thức, trách nhiệm tích cực của nhân dân vì hiểu biết của người dân còn nhiều hạn chế.


PV: Theo đồng chí, Hà Giang ngoài những chính sách như hiện nay, Nhà nước cần bổ sung thêm những chính sách gì để phù hợp với điều kiện thực tế?

Đ/c Long Hữu Phúc: Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ xã, thôn đặc biệt khó khăn cao nhất cả nước, cũng là tỉnh có tỷ lệ huyện hưởng thụ chính sách theo Nghị quyết 30a cao nhất cả nước. Vì vậy, ngoài các Chương trình thực hiện chính sách như hiện nay, cần phải có những chính sách mang tính đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những nơi còn quá khó khăn tại các địa phương.


PV: Xin cám ơn đồng chí!


HỮU THỤY (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Khi ý Đảng hợp lòng dân...
HGĐT - Là một huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển KT – XH, nhưng những năm qua, với nhiều quyết sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, huyện Bắc Mê đã biết dựa vào dân để biến những khó khăn ấy thành cơ hội phát triển, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông qua phương pháp quản lý, diều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở của tập
23/05/2012
Tạm dừng trồng cây cao su - nhìn thẳng vào sự thật để quyết định đúng
HGĐT- Đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 càn qua vùng trồng cao su, khiến gần như toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần bị xoá sổ. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cao su là điều không ai ngờ tới. Nhưng qua những gì đã xảy ra, nó cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm và sự thận
21/06/2012
Thư ngỏ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và chuyển biến tích cực trong việc sử dụng xe ô tô công
HGDDT - Đầu tháng 12.2011, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đã viết Thư ngỏ gửi các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố về vấn đề sử dụng xe ô tô công. Nội dung Thư ngỏ chỉ ra: Trong mấy năm gần đây, qua theo dõi thực tế và phản ánh của nhân dân cho thấy, tình trạng sử dụng xe ô tô công không đúng đối
16/04/2012