Đồng Văn và Quang Bình dồn lực trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện

08:23, 09/08/2018

BHG - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các huyện Đồng Văn, Quang Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại, các huyện tiếp tục dồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020 với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; huy động mọi nguồn lực gắn với khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch; xây dựng huyện Đồng Văn phát triển bền vững”.

Cây cam Sành, chủ lực trong phát triển kinh tế huyện Quang Bình, được phát triển theo hướng VietGAP.				 Anh: MỘC LAN

Cây cam Sành, chủ lực trong phát triển kinh tế huyện Quang Bình, được phát triển theo hướng VietGAP.

Anh: MỘC LAN

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cho thấy, trong tổng số 29 chỉ tiêu có 13 chỉ tiêu đạt và vượt; 9 chỉ tiêu đạt từ 80 - 100%; 6 chỉ tiêu đạt từ 50 - 80%; 1 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Cụ thể, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện đạt 603,5 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2015 và đạt 92,7% so với nghị quyết; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 137,8 tỷ đồng, tăng 81,8% so với năm 2015, đạt 95% so với nghị quyết; giá trị sản xuất ngành Thương mại  -dịch vụ và du lịch đạt 540,2 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2015. Chương trình trọng tâm “Phát triển 3 cây, 4 con” được BCH Đảng bộ huyện lãnh, chỉ đạo quyết liệt, gắn chặt với Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp, Đề án Nửa triệu con gia súc và Đề án Cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh. Dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện phát triển cả về quy mô, chất lượng, mang tính đột phá, tạo tiền đề để xây dựng huyện Đồng Văn từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Huyện đã tăng cường công tác quản lý giá đối với các dịch vụ lưu trú, ăn uống và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của các nhà hàng, khách sạn; góp phần phát triển dịch vụ, du lịch mang tính bền vững. Hoạt động thương mại - dịch vụ và kinh tế biên mậu có những bước phát triển rõ nét, với trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả các chợ trên địa bàn huyện,… Đặc biệt, đối với Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện tập trung dồn mọi nguồn lực đưa Lũng Cú về đích NTM trong năm 2018; các xã còn lại hiện đều đạt trên 6 tiêu chí.

Trong lĩnh vực văn hoá – xã hội, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Đề án Chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính; việc huy động, vận động, duy trì sỹ số học sinh các cấp học, ngành học được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn huyện có 9 trường đạt chuẩn Quốc gia; công tác xóa mù chữ, khuyến học, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh…  Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ….

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực về mọi mặt, song Đồng Văn vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước. Chính vì vậy, trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện đã đặt ra những nhiệm vụ cấp bách là: Thực hiện duy trì, giữ vững những chỉ tiêu đã đạt được dựa trên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tập trung thực hiện thắng lợi nội dung đột phá “Đột phá về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, đẩy mạnh thu hút đầu tư” và 3 chương trình trọng tâm: Chương trình phát triển “3 cây, 4 con”; Chương trình bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch - dịch vụ; Chương trình duy trì sỹ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục”. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Sau 2 năm rưỡi thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu. Những kết quả đó chính là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình trồng Lê sạch tại thị trấn Phó Bảng.                                                                                             Anh: My Ly
Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình trồng Lê sạch tại thị trấn Phó Bảng. Ảnh: My Ly

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quang Bình ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Ước tính đến hết năm 2018, trong 25 chỉ tiêu ở các lĩnh vực KT - XH, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 8 chỉ tiêu đạt trên 75%. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tạo ra những đột phá mới, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đúng với tinh thần “Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, phát huy nội lực, thu hút đầu tư, phát triển bền vững”.

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, huyện Quang Bình phấn đấu điều chỉnh tăng 9 chỉ tiêu, tiếp tục thực hiện 16 chỉ tiêu theo nghị quyết. Trước hết, với đặc thù của địa bàn, huyện định hướng quyết liệt vào “Tam nông” để nâng cao mức sống cho nhân dân, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 32 triệu đồng/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 68 triệu đồng/ha cây trồng hàng năm. Cùng đó là Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, kỹ thuật tạo hàng hóa đối với các cây, con chủ lực là “bài toán” cốt lõi để sản phẩm vươn rộng ra thị trường. Trên cơ sở đó, 15 xã, thị trấn phát huy lợi thế riêng biệt, lựa chọn đặc trưng của vùng trong thâm canh, đưa giống mới có năng suất vào sản xuất, điển hình như: Trồng cam Sành VietGAP tại các xã Yên Hà, Hương Sơn, Tiên Yên; lúa chất lượng cao tại Bằng Lang, Vĩ Thượng, Xuân Giang; vùng chè nguyên liệu Tân Trịnh, Tân Bắc, Tiên Nguyên; khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò, lợn…

Trong lĩnh vực công nghiệp (CN), phát triển thương mại, dịch vụ tiến hành rà soát nhu cầu đầu tư để xác định thứ tự ưu tiên theo hướng trọng tâm, trọng điểm song song với các tiêu chí xây dựng NTM, phát triển CN chế biến các sản phẩm nông, lâm sản. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đầu tư vào KCN Tân Bắc; duy trì hoạt động các nhà máy thủy điện; hoàn thành công trình Thủy điện Tân Nam công suất 12MW. Ban hành các cơ chế hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Quy hoạch Trung tâm Văn hóa dân tộc Pà Thẻn đi đôi với bảo tồn các di sản văn hóa và khôi phục làng nghề truyền thống. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN, TCN, xây dựng cơ bản cả nhiệm kỳ đạt 696 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt 726 tỷ đồng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 5 - 12 tiêu chí, kết cấu hạ tầng nông thôn có nhiều chuyển biến mang tính đồng bộ, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống KT - XH của người dân. Đây là nội dung đột phá nhất thể hiện sự vào cuộc lớn mạnh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong phong trào chung sức xây dựng NTM. Theo phương án, lộ trình, huyện đang dồn sức thực hiện, dự kiến cuối năm 2018, xã Tân Trịnh sẽ về đích và sang năm 2019 Tân Bắc phát huy thành quả này. Để vững bước đi, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát các tiêu chí, các đầu điểm công trình nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể; bố trí lồng ghép các nguồn vốn; huy động nội lực sẵn có; các cấp, các ngành, mỗi tổ chức chính trị - xã hội tự lựa chọn, đăng ký phần việc để phát động thi đua.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, riêng giáo dục - đào tạo hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì công tác phổ cập giáo dục, tỷ lệ huy động học sinh đến trường và xây dựng trường đạt chuẩn. Trong chỉ tiêu, điều chỉnh tăng tỷ lệ thoát nghèo hàng năm từ 4% trở lên; số lao động được đào tạo mỗi năm là 1.450 người. Giảm nghèo là công cuộc lâu dài nhưng trước tiên phải tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, làm cho người nghèo có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện xác định, ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện các mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, mở các lớp học nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Đối với công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt trong sinh hoạt chi bộ; mở rộng hình thức đối thoại, tiếp xúc với nhân dân; làm tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, duy trì các mô hình “Dân vận khéo”.

Qua trao đổi, Bí thư Huyện ủy Quang Bình, Triệu Tài Phong khẳng định thêm: “Duy trì mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và hệ thống chính trị là sợi dây gắn kết niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài các giải pháp đã nêu, huyện sẽ lựa chọn các mô hình điểm để thay đổi cơ chế quản lý; thu hút các nhà đầu tư có tâm huyết vào đầu tư, hỗ trợ sản xuất; tránh phá vỡ quy hoạch một số cây trồng chủ lực, tính đến giá trị lâu dài cho người nông dân. Dù còn khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng tin rằng với sự quyết tâm cao, mỗi người hãy hành động vì trách nhiệm xây dựng huyện phát triển.

MY LY - MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành niên vụ 2017 – 2018

BHG - Ngày 28.12, tại thôn Việt Thành, xã Việt Lâm, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành niên vụ 2017 – 2018. Đến dự có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên; lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, sở Khoa học và Công nghệ, đại diện một số doanh nghiệp cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.

28/12/2017
Để thương hiệu cam Sành đứng vững trên thị trường

BHG - "Cam Sành đang là sản phẩm hàng hóa số 1 của tỉnh. Nhưng sự phát triển chưa bền vững". Nhận định trên của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến vừa là trăn trở, cũng đặt ra yêu cầu rất cao, làm sao để dòng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp có thế đứng vững chắc trên thị trường? Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cam toàn tỉnh 8.387 ha, trong đó diện tích cam Sành 6.631 ha chiếm 79%, cam Vinh và một số giống khác 1.756 ha, chiếm 21%. ..

28/03/2018
Nguyên nhân và cách phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây cam tại xã Hương Sơn, huyện Quang Bình

BHG- Ngày 18.8.2017, Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức đi kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây cam tại xã Hương Sơn, huyện Quang Bình. 

24/08/2017
Nhiều diện tích cam Sành tại thôn Sơn Đông, xã Hương Sơn bị bệnh chưa rõ nguyên nhân

BHG- Trong những ngày gần đây, một số hộ dân của xã Hương Sơn, huyện Quang Bình đang rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh phát triển rất nhanh trên cây cam Sành, nhất là trong 2 tháng trở lại đây do thời tiết mưa nhiều nên bệnh hại cây có dấu hiệu lây lan ra diện rộng. Trước mắt, để bảo vệ diện tích cam Sành chưa bị bệnh, người dân đã tiến hành khoang vùng, chặt bỏ những cây cam Sành đã bị nhiễm bệnh.

23/08/2017