Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hà Giang (10.5.1947 – 10.5.2022)

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Hà Giang

14:40, 05/05/2022

BHG - Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quá trình 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Giang, phát huy truyền thống “Trung thành, Đoàn kết, Kiên cường, Chiến thắng” của LLVT tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; từ số này, Báo Hà Giang đăng những nội dung chính theo đề cương tuyên truyền của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Sau khi ra đời, Đảng đã cử những đảng viên đến Hà Giang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng. Các cơ sở cách mạng nhen nhóm ở đâu, tổ chức ngay các đội du kích, tự vệ ở đó để bảo vệ và làm nòng cốt tuyên truyền, vận động phát triển phong trào cách mạng. Cuối năm 1939, đồng chí Phạm Trung Ngũ, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ Hòa An, tỉnh Cao Bằng được phân công tới thôn Linh, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang xây dựng cơ sở cách mạng. Cùng thời gian này, thực dân Pháp tăng cường khủng bố các chiến sĩ cách mạng trong cả nước, nhiều người con ưu tú của Đảng, của dân tộc bị đầy ải gông tù. Thị xã miền núi biên giới Hà Giang chứng kiến nhiều đoàn tù chính trị bị giam giữ ở “Căng Bắc Mê”. Chính tại đây, hoạt động cách mạng của các đảng viên ở “Căng Bắc Mê” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân dân các dân tộc quanh vùng.

Tháng 2.1943, một số cán bộ Việt Minh do đồng chí Bàn Hồng Tiến, Khải Hiệp phụ trách được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên Khuổi Nghè, Hùng Nỗ (Hùng An - Bắc Quang ngày nay), xây dựng cơ sở cách mạng. Đội tự vệ vũ trang được thành lập gồm 22 người do đồng chí Thái chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cách mạng và tuyên truyền phát triển phong trào sang các vùng lân cận. Đây là lực lượng vũ trang cách mạng được hình thành đầu tiên ở Hà Giang.

Ở Châu Vị Xuyên, vào những năm 1942 - 1943, phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn phát triển mạnh đã ảnh hưởng đến các xã thuộc tiểu khu Bắc Mê. Tháng 9.1943, một số cán bộ Việt Minh do đồng chí Hồng Tụ và Tô Vũ phụ trách đã về Thôm Toòng (một bản người Dao thuộc xã Đường Âm). Tất cả đồng bào ở bản này đều gia nhập hội cứu quốc, 24 thanh niên đã xung phong vào đội tự vệ để bảo vệ phong trào, cung cấp tin tức, làm liên lạc, tuyên truyền nhân dân ủng hộ Việt Minh, trở thành chỗ dựa cho tuyên truyền phát triển phong trào.

Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, nhiều cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng sang vận động, xây dựng phong trào cách mạng ở Hà Giang để khai thông đường liên lạc “Tây tiến” nối Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Giang - Vân Nam (Trung Quốc) để đón cán bộ từ nước ngoài về và chuyển vũ khí về nước. Giữa năm 1944, đồng chí Đặng Việt Hưng, Hồng Đào được Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cử tới củng cố và gây dựng cơ sở tại Ngọc Long, Du Già, Lũng Hồ, Đường Thượng..., lấy Đường Thượng (Yên Minh) làm căn cứ, đồng thời tổ chức đội du kích gồm 14 chiến sĩ.

Những đội du kích, tự vệ cứu quốc ở Hùng Nỗ (Hùng An - Bắc Quang), ở Đường Âm (Bắc Mê), ở Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh) là tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Giang sau này. Nhiệm vụ chính của du kích, tự vệ cứu quốc lúc này là bảo vệ các cơ sở cách mạng, tuyên truyền vận động nhân dân và tầng lớp trên (Thổ ty, Bang tá, Tổng giáp, Mã phài) ra nhập Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới đánh đuổi Nhật, Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), mặc dù không nắm được chỉ thị của trên, cán bộ Việt Minh và đội vũ trang tuyên truyền ở Tiểu khu Bắc Mê đã nắm thời cơ hạ đồn Bắc Mê ngày 28.3.1945, bắt 40 lính khố xanh, thu 40 súng, giải phóng Tiểu khu Bắc Mê. Sự kiện này đánh dấu bắt đầu gần 300 ngày đấu tranh giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Đầu năm 1945, khu căn cứ du kích Đường Thượng được củng cố, mở rộng, cả khu vực Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê hình thành một vùng phong trào cách mạng với hàng vạn quần chúng được giác ngộ. Các tiểu đội du kích phát triển thành các trung đội, đại đội du kích kháng Nhật, có thể huy động được hàng trăm người lúc cần thiết. Từ tháng 4 đến tháng 6.1945, phong trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh ở khắp nơi, điển hình là trận phục kích ở cầu Tráng Kìm của gần 300 du kích các xã Tráng Kìm, Đông Hà, Cán Tỷ diễn ra suốt đêm 30.4, ngày 1.5.1945, làm hàng chục sĩ quan, binh lính Nhật chết và bị thương.

Ở phía Nam Hà Giang, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1.6.1945, các đồng chí Lê Quảng Ba, Bế Triều, Nam Long, Lĩnh Thành cùng đội vũ trang tuyên truyền 54 chiến sĩ tiến lên Bắc Quang xây dựng phong trào cách mạng. Nhân dân tổng Bằng Hành đã cử người đi đón cán bộ chiến sĩ về địa phương. Tại đây, Ủy ban mặt trận Việt Minh và đội tự vệ các xã và tổng Bằng Hành được thành lập đặt căn cứ tại “Trọng Con”, các xã của tổng được đặt tên mới. Lực lượng du kích tự vệ tổng Bằng Hành có 150 đội viên được tổ chức học tập chính trị, huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí để bảo vệ phong trào.

Cách mạng tháng 8.1945 diễn ra trong cả nước, ở Hà Giang tổ chức Việt Minh và tự vệ cứu quốc do nhiều lí do không nắm được tình hình đã bỏ lỡ thời cơ giành chính quyền. Sau đó, ta đã tăng cường phát triển lực lượng, vừa dùng áp lực quân sự, vừa tiến hành vận động cách mạng kết hợp với binh, địch vận. Lực lượng cách mạng giành được chính quyền ở tỉnh bằng một loạt trận thắng: Giải phóng đồn Bắc Quang và Trinh Tường (ngày 4 và 5.11.1945); giải phóng huyện Hoàng Su Phì (ngày 13.11.1945); hạ đồn Quản Bạ và Bạch Đích (Yên Minh) (ngày 21.11.1945); tiêu diệt Quốc dân đảng, giải phóng thị xã Hà Giang (ngày 8.12.1945); châu Đồng Văn được giải phóng bằng quá trình thu phục Thổ ty.

Như vậy, cuộc đấu tranh gian khổ giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Giang bắt đầu từ sự kiện giải phóng đồn Bắc Mê ngày 28.3.1945 đã kết thúc thắng lợi ngày 8.12.1945. Sau gần 300 ngày liên tục đấu tranh bền bỉ, quân dân Hà Giang đã đập tan sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kết thúc chế độ phong kiến, hàng nghìn năm đè nén áp bức nhân dân ta.

Hình thành từ những đội du kích, tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Hùng An (Bắc Quang), ở Đường Âm (Bắc Mê), ở Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh), LLVT Hà Giang đã phát triển rất nhanh, thành đội quân tuyên truyền xung kích trong cuộc vận động cách mạng giành chính quyền, đội quân chiến đấu và công tác trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bước trưởng thành của sự nghiệp cách mạng ở Hà Giang 75 năm qua đều gắn liền với những chiến công vẻ vang của LLVT địa phương.

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ngày 19.2.1947, hướng dẫn số 44/HD ngày 17.3.1947 của Bộ Tư lệnh Liên khu 10, ngày 10.5.1947, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Hà Giang quyết định thành lập Tỉnh đội bộ dân quân do đồng chí Phạm Đức Hóa làm Tỉnh đội trưởng. Tỉnh đội bộ lúc đầu chỉ có 06 cán bộ với chức năng chủ yếu là tổ chức, hướng dẫn dân quân du kích hoạt động; Bộ đội cảnh vệ tỉnh vẫn do Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy. Tháng 6.1949, thực hiện Sắc lệnh về thành lập Bộ đội địa phương (BĐĐP) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội cảnh vệ tỉnh đổi thành bộ đội địa phương. Cũng từ đây, Tỉnh đội bộ được kiện toàn với đủ các phòng, ban gọi là Tỉnh đội và trực tiếp đảm nhận vai trò lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội địa phương (BĐĐP) và Dân quân tự vệ (DQTV). Tháng 6.1970, Đảng ủy Tỉnh đội được thành lập; từ ngày 12.10.1971, Tỉnh đội Hà Giang được gọi là Bộ CHQS tỉnh, Huyện đội được gọi là Ban CHQS huyện, Xã đội được gọi là Ban CHQS xã...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Hà Giang có vị trí chiến lược trọng yếu, bảo vệ hướng quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc, giữ thông đường liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và các nước XHCN. Thực dân Pháp và phản động tay sai luôn tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng và LLVT còn non trẻ, để lập lại chế độ Thổ ty, Bang tá phong kiến, nhằm thực hiện âm mưu ‘’Khép kín biên giới’’, lập “Xứ Nùng tự trị”‘ ở Hoàng Su Phì.

Trong giai đoạn này LLVT Hà Giang có 2 tiểu đoàn bộ binh là tiểu đoàn 529 và tiểu đoàn 530; 3 đại đội bộ binh ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì; lực lượng dân quân du kích phát triển không ngừng, đến năm 1952 có tới 12.000 người. Trong giai đoạn 1949-1954, tiểu đoàn 529 đánh 500 trận; tiểu đoàn 530 và các đại đội của các huyện đều lập chiến công xuất sắc sau lưng địch. Riêng tiểu đoàn 530, khi tiếng súng của chiến dịch tiễu phỉ “Đông - Tây tập đoàn” chưa dứt, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công (năm 1952).

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các địa phương hoàn tất thông tin lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ
BHG - Lập bản đồ để khoanh vùng, xác định những nơi có hài cốt Liệt sĩ là một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ đưa ra nhằm phục vụ việc tìm hài cốt Liệt sĩ. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều phần việc để có thể hoàn thành việc xác lập bản đồ trong thời gian sớm nhất.
31/03/2022
Tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”
BHG - Sáng 30.3, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BTL BĐBP) tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” giai đoạn 2016-2021. Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; các em học sinh là con nuôi và được đỡ đầu tại các đồn Biên phòng.
30/03/2022
Sẵn sàng huấn luyện chiến sĩ mới
BHG - Đến hẹn lại lên, ngay sau Tết Nguyên đán, các bộ phận của Tiểu Đoàn huấn luyện – Cơ động (HLCĐ) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang lại tất bật công việc để đảm bảo hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho mùa huấn luyện chiến sĩ mới đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
30/03/2022
Vùng biên Bản Máy khởi sắc
BHG - Trở lại xã Bản Máy (Hoàng Su Phì), chúng tôi cảm nhận rõ nét sự đổi thay của xã vùng biên. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xóm cơ bản được bê tông hóa sạch đẹp, tạo điều kiện cho bà con đi lại giao thương; những ngôi nhà khang trang ngày càng nhiều, người dân có cuộc sống ấm no, từ xã nghèo nay đã có bước chuyển mình và khoác lên diện mạo mới.
29/04/2022