60 năm, ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 – 23.10.2021)

12:05, 20/10/2021

BHG - Ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra Quyết định số 97/QP về việc thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23.10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhân kỷ niệm 60 năm, ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Báo Hà Giang trân trọng giới thiệu tài liệu về lịch sử ra đời, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển!

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam.  Ảnh tư liệu
Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh tư liệu

I. Sự ra đời và phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

1. Sự ra đời đường Hồ Chí Minh trên biển

Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19.5.1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 1.6.1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc Đoàn 559 ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 7.1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Phương tiện vận tải ban đầu của đơn vị là 4 chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc trọng tải từ 15 đến 20 tấn; thuyền có 2 đáy, phía dưới để vũ khí, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá, cải trang thành thuyền buồm đánh cá miền Nam. Cuối năm 1959, công tác chuẩn bị cho vận chuyển đã cơ bản hoàn thành. Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên, nhiệm vụ là chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu 5; địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên đã không thành công. Nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển có rất nhiều khó khăn và không an toàn, Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể và được chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Trước tình hình đó, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn, Đoàn 559 đã mở và hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, những người lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Cơ quan của Đoàn gồm có các ban: Tham mưu, Chính trị và Hậu cần. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu 5 vừa điều ra. Đoàn có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, lấy nhà số 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm trụ sở. Ngày 12.2.1962, Tổng cục Chính trị có Quyết định số 09/QĐ thành lập Đảng ủy Đoàn 759 do đồng chí Phạm Thái Hòa làm Bí thư.

Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23.10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

2. Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Giai đoạn 1962 - 1965: Trung tuần tháng 8.1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Tháng 8.1962, Đoàn 759 nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Đêm 11.10.1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau. Ngày 16.10, tàu vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chiến trường miền Nam tiếp nhận an toàn.

Phát huy kết quả của tàu thứ nhất, 3 lượt tàu tiếp tục vượt biển vào bến Cà Mau. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời..

Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đến với lực lượng vũ trang Cà Mau (10.1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759.

Ngày 17.3.1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đóng, chở 44 tấn vũ khí lên đường và đã vào bến Trà Vinh an toàn. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường.

Đêm 26.9.1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng) đã mở bến vào Bà Rịa thành công, chi viện vũ khí kịp thời cho Khu 7.

Ngày 29.1.1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ năm 1962 đến hết năm 1964, Đoàn 125 đã huy động 17 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ gỗ, tổ chức 79 chuyến vận chuyển vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam.

Cuối năm 1964, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải bằng đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu 5. Ngày 16.11.1964, Tàu 41 là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của Đoàn 125 chở 45 tấn vũ khí rời bến Bãi Cháy (Hòn Gai, Quảng Ninh), cập bến Vũng Rô lúc 23 giờ ngày 28.11.1962. Sau chuyến thứ nhất, Tàu 41 vận chuyển 3 chuyến  vào Vũng Rô đều thắng lợi, an toàn.

Sau sự kiện ngày 16.2.1965, ở Vũng Rô, Tàu 143 bị lộ, địch tăng cường tuần tiễu, phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ. Việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp muôn vàn khó khăn, Quân ủy Trung ương quyết định tạm ngừng việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam.

Tháng 10.1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông - Xuân (1964 - 1965) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng ở miền Đông Nam Bộ,. Ngày 29.11.1964, Tàu 56 thuộc Đoàn 125 chở 44 tấn vũ khí, nhổ neo và đến 10 giờ đêm 22.12.1964, tàu đã cập bến Lộc An - Sông Ray (Bà Rịa - Vũng Tàu) an toàn.

Giai đoạn 1965 - 1972: Địch bố phòng, kiềm toả gắt gao, đường đi mới, xa bờ, qua nhiều vùng biển lạ, nguy hiểm, đêm 15.10.1965, Tàu 42 chở 60 tấn vũ khí nhổ neo, xuất bến; đêm 24.10, Tàu cập bến Rạch Kiến Vàng (Cà Mau) an toàn. Tiếp theo Tàu 42, Tàu 69 và Tàu 68 lần lượt lên đường thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trên chiến trường miền Nam Bộ, giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt, Đoàn 125 đã tổ chức 37 chuyến vận chuyển, trong đó có 17 chuyến thành công, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường.

Ngày 31.3.1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 tham gia “Chiến dịch Vận chuyển VT5” (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Sông Gianh - Quảng Bình), từ đây hàng hóa, vũ khí sẽ được các lực lượng vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ. Từ ngày 3.11.1968 đến ngày 29.1.1969, vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, Đoàn 125 đã huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.

Tháng 2.1969, Đoàn 125 tiếp tục “Chiến dịch Vận chuyển VT5”, với 187 chuyến tàu thành công.

Giai đoạn 1973 - 1975: Đầu năm 1973, trong 63 ngày đêm liên tục, Đoàn đã vận chuyển trên 4.000 tấn hàng vào các binh trạm của Cục Vận tải quân sự thuộc Tổng cục Hậu cần ở Nam Khu 4.

Quý II năm 1973, Đoàn đã tổ chức 161 chuyến tàu, vận chuyển 11.365 tấn hàng vào Nam Khu 4 an toàn. Trong 2 năm 1973 và 1974, Đoàn đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo an toàn.

Trong tháng 3 và 4.1975, Đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu chở lực lượng ra giải phóng đảo Trường Sa. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam....

Với thành tích vận chuyển vũ khí cho chiến trường, tháng 9.1963, Đoàn 759 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Tàu 41 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; có 5 tàu được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì. Ngày 30.4.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Đoàn 125 Huân chương Quân công hạng Nhất; ngày 1.1.1967, Quốc hội, Chính phủ tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn 125 lần thứ nhất và lần thứ hai vào ngày 3.6.1976.

3. Truyền thống vẻ vang đường Hồ Chí Minh trên biển

Một là, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt và chiến thắng vẻ vang. Mỗi chuyến ra đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách. Đó là tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu thương gắn bó như anh em ruột thịt, đồng cam, cộng khổ, nhận khó khăn, hy sinh về mình, giành thuận lợi, sự sống cho đồng đội. Tiêu biểu như Tàu 41, 42, 154... các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... là điển hình của những tập thể, cá nhân anh hùng sống mãi với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, mãi mãi cùng con tàu ở lại với biển, với non sông đất nước. Họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Bám sát diễn biến của tình hình chiến trường, từ những chi bộ ngày đầu thành lập cho đến các cấp ủy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ luôn coi trọng và tăng cường các nội dung, biện pháp công tác đảng, công tác chính trị trên từng con tàu, từng chuyến đi, từng bến bãi; tập trung xây dựng các chi bộ tàu thành những “chi bộ đỏ”, “chi bộ thép”, đủ sức lãnh đạo, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ độc lập trên biển; giáo dục, động viên bộ đội nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng; thấy rõ được vai trò to lớn của công tác vận tải biển; vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đoàn kết, chủ động, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền nhân dân các địa phương và bạn bè quốc tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt; địch có ưu thế kiểm soát trên không, trên biển và phong tỏa ngày càng gắt gao; nhưng với tinh thần quả cảm và trình độ nghiệp vụ tinh thông; trình độ tổ chức, chỉ huy thống nhất; kiên quyết, bí mật; hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật; bảo đảm thông tin liên lạc, tín hiệu thông suốt giữa sở chỉ huy với tàu, giữa tàu với các bến bãi; cán bộ, chiến sĩ tuyến vận tải biển của Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến thắng địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là sự hy sinh, đùm bọc, chở che của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đơn vị của hai miền Nam - Bắc và các bến bãi ngay trong lòng địch như Vàm Lũng (Cà Mau), Lộ Diêu (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Đạm Thủy, Ba Làng An (Quảng Ngãi), Bình Đạo (Quảng Nam), Hòn Hèo (Khánh Hòa) và bến bãi của các tỉnh Bạc Liêu, Minh Hải, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh...; Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là tình cảm, niềm tin của đồng bào, đồng chí ở những vùng sâu, vùng xa, nơi chiến trường nóng bỏng đang từng ngày, từng giờ chờ đón những con tàu vận tải chi viện vũ khí, trang bị để làm nên chiến thắng. Những yếu tố trên đã làm nên huyền thoại của một con đường chiến lược trên biển.

Ba là, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả cho cách mạng miền Nam.

Để tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ, phải dùng tàu loại nhỏ, hoạt động trong các điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp và sự phong tỏa của địch, hàng loạt vấn đề khoa học kỹ thuật đã được đặt ra và giải quyết để đưa con tàu vượt qua sóng gió, bão tố, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để tới bến an toàn. Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vận tải đã đề xuất, tổ chức tiếp nhận, cải hoán phương tiện để có trang bị phù hợp, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, giữa du kích và hiện đại, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải. Đồng thời, biết khéo léo kết hợp với cải dạng, ngụy trang, nghi binh, đối sách khôn khéo, táo bạo, bí mật, thọc sâu vào bến nhanh chóng, bất ngờ, quay vòng tăng chuyến, vận chuyển năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” với trang bị hàng hải thô sơ, nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu và khả năng phán đoán thời tiết, nắm vững địa hình, hàng hải thiên văn, đi được biển xa cập bến an toàn.

II. Phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới có sự phát triển, trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 125 là vận tải cho các tuyến đảo xa vừa mới giải phóng và phục vụ đi lại của cán bộ, nhân dân 2 miền Nam - Bắc, trong đó nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Từ tháng 5.1975 đến hết năm 1975, Đoàn 125 đã huy động 121 lần chiếc tàu, hành trình 64.856 hải lý, chở 40.809 tấn hàng và 14.762 lượt người an toàn.

Ngày 26.10.1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 142-QĐ/QP về việc đổi tên Đoàn 125 thành Hải đoàn 125 và sáp nhập vào Lữ đoàn 172. Năm 1976, lần đầu tiên chiến dịch vận chuyển cho quần đảo Trường Sa được thực hiện, Hải đoàn 125 đã huy động 11 lượt tàu, đi 22 chuyến, chở 2.300 tấn hàng ra đảo; ngoài ra, Hải đoàn còn làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền và chở các tù chính trị từ đảo Phú Quốc về đất liền an toàn.

Trong năm 1978, Hải đoàn 125 đã tổ chức đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng ra thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa; kết hợp vận chuyển với đưa bộ đội ra thực hiện nhiệm vụ tại 5 đảo. Từ năm 1976 đến năm 1981, Hải đoàn 125 đã huy động 127 lần chuyến tàu, chở 23.214 tấn hàng và 6.696 lượt cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo, góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ đảo, ổn định một bước nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong 2 năm (1978 và 1979), Hải đoàn 125 đã tổ chức 48 chuyến, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng công trình chiến đấu, hàng trăm tấn vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ và đảo Vạn Hoa.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng vận tải quân sự Quân chủng Hải quân đã tổ chức 139 lần chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn, cùng các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, tái thiết đất nước.

Để phù hợp với nhiệm vụ vận tải chi viện đảo trong tình hình mới, ngày 12.2.1979, Hải đoàn 125 được Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành Lữ đoàn 125 (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân), làm nhiệm vụ vận tải quân sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành mới của đơn vị.

Cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng và phức tạp; Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải đã chạy đua với thời gian, vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường sức mạnh phòng thủ trên các đảo chìm và đảo nổi.

Năm 1988, Tổng kết đợt hoạt động “Chiến dịch CQ-88”, Quân chủng có 4 tập thể và 6 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, lực lượng vận tải quân sự có 3 tập thể và 2 cá nhân (Lữ đoàn 125 có 2 tập thể: Tàu HQ505, tàu HQ931 và đồng chí Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng Tàu HQ505).

Năm 1989, thực hiện Hiệp ước ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân, trong đó có Lữ đoàn 125 đã hoàn thành thắng lợi 8 đợt vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng được bổ sung hàng chục tàu vận tải đóng mới có trang bị đồng bộ, có trọng tải lớn để thay thế số tàu nhỏ, trọng tải ít. Từ năm  2000 đến nay, lực lượng vận tải quân sự Hải quân đã vượt qua sóng gió và mọi khó khăn thử thách, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, trung bình hằng năm hoàn thành từ 100% đến 105% kế hoạch. Riêng Lữ đoàn 125, từ năm 2011 đến 2020 đã tổ chức 385 lần chuyến, chở 293.390 tấn hàng hóa các loại; đưa, đón và phục vụ 2.493 lượt người, hành trình 281.312 hải lý an toàn; tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải Hải quân, đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Các tàu vận tải của Hải quân đã nhanh chóng ra khơi hướng dẫn, lai dắt, chuyển tải và nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ hàng trăm tàu thuyền của ngư dân về nơi tránh bão an toàn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt hàng tỷ đồng.

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hoa Sim- Cao Sỹ (soạn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bản Ngò xây dựng Chi bộ Quân sự vững mạnh

BHG - Nhiều năm qua Chi bộ Quân sự xã Bản Ngò (Xín Mần) đã lãnh đạo làm chuyển biến công tác quốc phòng, nhiệm vụ quân sự địa phương; nâng cao năng lực, trách nhiệm, tác phong chỉ huy cho nhiều cán bộ quân sự ở cơ sở; khẳng định vai trò quản lý, rèn luyện đảng viên và lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) tích cực huấn luyện, tham gia giúp nhau phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới…

30/09/2021
Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

BHG - "Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 những nữ quân nhân thuộc Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng khối đoàn kết, cùng nhau khắc phục khó khăn, thi đua thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ, góp phần cùng LLVT tỉnh hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc". Đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh khi đánh giá kết quả hoạt động của Hội Phụ nữ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

29/09/2021
Chung sức chiến thắng đại dịch

BHG - Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn) tổ chức quán triệt cho mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhận thức sâu sắc tinh thần "Chống dịch như chống giặc", đồng thời đề ra các mục tiêu, giải pháp để thực hiện hiệu quả phong trào.

29/09/2021
Ngành Quân khí khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ

BHG - Vũ khí, trang bị kỹ thuật đa dạng, nhiều chủng loại, nhiều nước sản xuất, sử dụng lâu năm, phần lớn đã qua chiến đấu, chất lượng và tính đồng bộ thấp, trong khi đó ngân sách bảo đảm còn hạn chế, trang thiết bị kỹ thuật từng bước được đầu tư, nâng cấp nhưng chưa nhiều. Vì vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật nói chung, duy trì hệ số kỹ thuật vũ khí, đạn dược nói riêng để phục vụ các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu… của các đơn vị gặp không ít khó khăn.

28/09/2021