Lực lượng vũ trang Hà Giang tham gia đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân (1940-1945)

15:26, 29/08/2018

BHG - Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1881, quân Pháp tiến đánh Hà Giang; nhân dân các dân tộc Hà Giang vốn có truyền thống chống ngoại xâm, đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Trước sự đấu tranh kiên quyết của đồng bào Tày ở Bắc Quang, phải đến năm 1887, Pháp mới căn bản chiếm được Hà Giang. Không chịu nổi áp bức bóc lột của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra; nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, nên đều bị thực dân Pháp đàn áp.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt to lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, Đảng ta đã cử những đảng viên đến Hà Giang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng. Các cơ sở cách mạng nhen nhóm ở đâu, tổ chức ngay các đội du kích, tự vệ ở đó để bảo vệ và làm nòng cốt tuyên truyền, vận động phát triển phong trào cách mạng. Cuối năm 1939, đồng chí Phạm Trung Ngũ, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ Hòa An (Cao Bằng) được phân công tới thôn Linh, xã Bằng Hành (Bắc Quang) xây dựng cơ sở cách mạng. Cùng thời gian này, thực dân Pháp tăng cường khủng bố các chiến sĩ cách mạng trong cả nước; nhiều người con ưu tú của Đảng, của dân tộc bị đầy ải, gông tù. Thị xã miền núi biên giới Hà Giang chứng kiến nhiều đoàn tù chính trị bị giam giữ ở “Căng Bắc Mê”. Chính tại đây, hoạt động cách mạng của các đảng viên ở “Căng Bắc Mê” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân dân các dân tộc quanh vùng.

Tháng 2. 1943, một số cán bộ Việt Minh do đồng chí Bàn Hồng Tiến, Khải Hiệp phụ trách được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên Khuổi Nghè, Hùng Nỗ (Hùng An - Bắc Quang ngày nay) xây dựng cơ sở cách mạng. Đội Tự vệ vũ trang được thành lập gồm 22 người, có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cách mạng và tuyên truyền phát triển phong trào sang các vùng lân cận; đây là lực lượng vũ trang cách mạng được hình thành đầu tiên ở Hà Giang.

Ở châu Vị Xuyên, vào những năm 1942-1943, phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn phát triển mạnh đã ảnh hưởng đến các xã thuộc Tiểu khu Bắc Mê. Tháng 9 năm 1943, một số cán bộ Việt Minh do đồng chí Hồng Tụ và Tô Vũ phụ trách đã về Thôm Toòng (một bản người Dao thuộc xã Đường Âm). Tất cả đồng bào ở bản này đều gia nhập Hội Cứu quốc, 24 thanh niên đã xung phong vào Đội tự vệ để bảo vệ phong trào, cung cấp tin tức, làm liên lạc, tuyên truyền nhân dân ủng hộ Việt Minh và trở thành chỗ dựa cho tuyên truyền phát triển phong trào.

Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng; nhiều cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng sang vận động, xây dựng phong trào cách mạng ở Hà Giang, nhằm khai thông đường liên lạc “Tây tiến” nối Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Giang - Vân Nam (Trung Quốc) để đón cán bộ từ nước ngoài về và chuyển vũ khí về nước. Giữa năm 1944, hai đồng chí Đặng Việt Hưng, Hồng Đào được Liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc - Lạng cử tới củng cố và gây dựng cơ sở tại Ngọc Long, Du Già, Lũng Hồ, Đường Thượng,... lấy Đường Thượng (Yên Minh) làm căn cứ, đồng thời tổ chức Đội du kích gồm 14 chiến sĩ.

Những Đội du kích, Tự vệ Cứu quốc ở Hùng Nỗ (Hùng An - Bắc Quang); Đường Âm (Bắc Mê); Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh) là tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của lực lượng vũ trang Hà Giang sau này.

 Khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) mặc dù không nắm được chỉ thị của trên, cán bộ Việt Minh và Đội vũ trang tuyên truyền ở Tiểu khu Bắc Mê đã nắm thời cơ hạ Đồn Bắc Mê ngày 28.3.1945, bắt 40 lính Khố xanh, thu 40 súng, giải phóng Tiểu khu Bắc Mê. Sự kiện này đánh dấu bắt đầu gần 300 ngày đấu tranh giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Đầu năm 1945, Khu căn cứ du kích Đường Thượng được củng cố, mở rộng, cả khu vực Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê hình thành một vùng phong trào cách mạng với hàng vạn quần chúng được giác ngộ. Các tiểu đội du kích phát triển thành các Trung đội, Đại đội du kích kháng Nhật, có thể huy động được hàng trăm người lúc cần thiết. Từ tháng 4 đến tháng 6.1945, phong trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh ở khắp nơi, điển hình là trận phục kích ở cầu Tráng Kìm của gần 300 du kích các xã Tráng kìm, Đông Hà, Cán Tỷ diễn ra suốt đêm 30.4, ngày 1.5.1945, làm hàng chục sĩ quan, binh lính Nhật chết và bị thương.

Ở phía Nam Hà Giang, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1.6.1945, các đồng chí Lê Quảng Ba, Bế Triều, Nam Long, Lĩnh Thành cùng Đội vũ trang tuyên truyền 54 chiến sĩ tiến lên Bắc Quang xây dựng phong trào cách mạng. Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Đội tự vệ các xã và tổng Bằng Hành được thành lập đặt căn cứ tại “Trọng Con”, các xã của tổng được đặt tên mới. Lực lượng du kích, tự vệ tổng Bằng Hành có 150 đội viên được tổ chức học tập chính trị, huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí để bảo vệ phong trào.

Cách mạng tháng 8.1945 diễn ra trong cả nước, ở Hà Giang tổ chức Việt Minh và Tự vệ Cứu quốc do nhiều lí do không nắm được tình hình, đã bỏ lỡ thời cơ giành chính quyền. Sau đó, ta đã tăng cường phát triển lực lượng, vừa dùng áp lực quân sự, vừa tiến hành vận động cách mạng kết hợp với binh, địch vận. Lực lượng cách mạng giành được chính quyền ở tỉnh bằng một loạt trận thắng: Giải phóng Đồn Bắc Quang và Trinh Tường (ngày 4 và 5. 11.1945); giải phóng huyện Hoàng Su Phì (ngày 13.11.1945); hạ Đồn Quản Bạ và Bạch Đích (ngày 21.11.1945); tiêu diệt Quốc dân Đảng, giải phóng thị xã Hà Giang (ngày 8.12.1945); châu Đồng Văn được giải phóng bằng quá trình thu phục Thổ ty.

Từ đây, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cùng với đồng bào cả nước; quân dân các dân tộc Hà Giang luôn kề vai sát cánh bên nhau ra sức đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, đánh đổ ách thống trị tàn bạo của thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho quê hương đất nước.

CTV (Biên soạn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả Mô hình "Thôn đoàn kết cùng giữ gìn an ninh trật tự" ở thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù

BHG - Xã Lũng Pù cách trung tâm huyện Mèo Vạc 12 km, có 12 thôn bản. Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển KT-XH, xã Lũng Pù còn làm tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), trong đó phải kể đến việc xây dựng Mô hình "Thôn đoàn kết cùng giữ gìn an ninh trật tự (ANTT)" tại thôn Lũng Lừ A.

 

31/07/2018
Tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chung sức xây dựng Nông thôn mới

BHG - Hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018 và thực hiện Cuộc vận động "Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM)", tuổi trẻ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã tích cực thực hiện Cuộc vận động " LLVT Hà Giang chung sức xây dựng NTM", gắn thực hiện nhiệm vụ QP – AN và tham gia phát triển KT – XH ở địa phương. Thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) giờ đây luôn được vệ sinh, chỉnh trang khang trang và đẹp hơn trước; đây là một nội dung trong kế hoạch Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè 2018 gắn với Cuộc vận động "LLVT Hà Giang chung sức Xây dựng NTM" của tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. 

30/07/2018
Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lực lượng vũ trang

BHG - Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật (PBPL) cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm; nhận thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của CBCS được củng cố và nâng cao; góp phần tích cực trong công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. CBCS luôn có ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

30/07/2018
Bộ đội biên phòng tỉnh: Bế giảng khóa huấn luyện chiến sỹ mới

BHG - Sáng ngày 30.7, Tiểu đoàn 19, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức lễ Bế giảng khóa huấn luyện chiến sỹ mới. Dự lễ có Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh; Chỉ huy các phòng, Văn phòng và toàn thể cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 19.Tiểu đoàn 19 được giao nhiệm vụ huấn luyện trên 100 chiến sỹ mới. Ngay sau khi nhận được Kế hoạch huấn luyện năm 2018, đơn vị đã ra Nghị quyết lãnh đạo, tổ chức giáo dục, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của trên. 

30/07/2018