Quân khu 2 – chặng đường vẻ vang 70 năm (19.10.1946 – 19.10.2016)

08:45, 08/10/2016

L.T.S: Thực hiện Kế hoạch của Bộ Tư lệnh Quân khu 2; căn cứ Đề cương “Truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang Quân khu 2 (19.10.1946 – 19.10.2016)” của Cục Chính trị Quân khu 2; từ số này, Báo Hà Giang mở Chuyên mục “Quân khu 2 – chặng đường vẻ vang 70 năm (19.10.1946 – 19.10.2016)”; nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sỹ Quân khu và quân, dân các dân tộc trên địa bàn; qua đó khơi dậy lòng tự hào, phát huy truyền thống, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Sự hình thành, phát triển của Lực lượng vũ trang Quân khu 2, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

1. Tình hình các địa phương trên địa bàn Quân khu sau Cách mạng tháng Tám thành công

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội trước toàn thể quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), từ thời điểm này đất nước bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập tự do, kết thúc sự cai trị của chính quyền thực dân và phong kiến.

Sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là thành quả của phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo đó là thắng lợi của một dân tộc thuộc địa, dám vùng lên chống lại ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Cách mạng tháng Tám thành công, hầu hết các địa phương trên cả nước đều giành được chính quyền về tay nhân dân lao động. Nhưng trên địa bàn Quân khu các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và thị xã Vĩnh Yên, do tổ chức đảng và cơ sở cách mạng chưa đủ mạnh nên không có khởi nghĩa hoặc khởi nghĩa không thành công. Tình hình các địa phương trên địa bàn Quân khu vào thời điểm này diễn ra vô cùng phức tạp, phong trào cách mạng đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Tháng 11/1945, hai tiểu đoàn quân Pháp từ Vân Nam - Trung Quốc kéo vào Lai Châu chiếm đóng với ý đồ chiếm lại toàn bộ vùng Tây Bắc. Trước tình hình Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua ghềnh thác, lãnh đạo toàn thể dân tộc, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khôn khéo dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, để bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám.

Như vậy vấn đề cấp bách được đặt ra cho quân và dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu lúc này là: Tiếp tục củng cố chính quyền cách mạng ở những địa phương đã giành được chính quyền về tay nhân dân; còn những nơi ta chưa giành được chính quyền thì nhanh chóng đấu tranh để thiết lập chính quyền về tay nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu của thực dân Pháp và các thế lực phản động.

2. Công tác xây dựng lực lượng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phản động tay sai

Tháng 10 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập các Chiến khu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 11 để lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu; các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang thuộc Chiến khu 1. Tỉnh Sơn La, Lai Châu cùng với các tỉnh khác thuộc Chiến khu 2.

Trong một thời gian ngắn (từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946) các đơn vị Vệ quốc đoàn lần lượt ra đời gồm: Chi đội giải phóng quân Trưng Trắc ở Vĩnh Yên, Chi đội giải phóng quân Trần Quốc Toản ở Phú Thọ, Chi đội giải phóng quân 3 ở Sơn La sau này trở thành Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Tháng 11/1945 Trung ương Đảng quyết định thành lập mặt trận Tây Bắc để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược.

Ngày 19/10/1946 Chiến khu 10 được thành lập do đồng chí Bằng Giang làm Tư lệnh, đồng chí Xuân Thu làm Chính trị uỷ viên.Trước những thay đổi của tình hình chiến sự trong cả nước và để phù hợp với điều kiện mới của cuộc kháng chiến, Đảng và Chính phủ quyết định phân chia lại các đơn vị hành chính và quân sự. Tháng 9/1947 huyện Mai Đà (Hòa Bình) và vùng tây nam Phú Thọ của Khu 10 sáp nhập với Sơn La, Lai Châu thành Khu 14.

Năm 1948 thực hiện chỉ thị của trên, Khu 10 và Khu 14 được sáp nhập thành Liên khu 10. Lúc này địa bàn Liên khu 10 gần như trùng với địa bàn Quân khu 2 hiện nay. Đồng chí Bùi Quang Tạo làm Bí thư Liên khu uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến của Liên khu, đồng chí Bằng Giang làm Tư lệnh Liên khu, đồng chí Lê Trọng Tấn làm Liên khu phó.

Tháng 11/1949 do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, Liên khu 10 và Liên khu 1 sáp nhập thành Liên khu Việt Bắc, ngoài Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng Tây Bắc, Trung ương Đảng quyết định thành lập thêm Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Bắc đảm nhiệm chỉ huy tác chiến trên 4 hướng của các tỉnh: Sơn La, Lai châu, Yên Bái, Lào Cai; đồng chí Bằng Giang được cử làm Tư lệnh, đồng chí Song Hào làm Chính uỷ mặt trận.

(Còn nữa)

BTV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công an tỉnh: Biểu dương người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trên lĩnh vực đảm bảo ANTT

BHG - Ngày 28.9, Công an tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trên lĩnh vực đảm bảo ANTT trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012 - 2016. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị có liên quan và 100 đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

29/09/2016
Nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ trong Đảng bộ Quân sự tỉnh

BHG- Quán triệt các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của trên; nhận thức sâu sắc sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động cơ bản, đồng thời là nguyên tắc tổ chức và là biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). 

27/09/2016
Đại diện biên giới đoạn 4 tỉnh Hà Giang hội đàm với đại diện biên giới đoạn 4 tỉnh Vân Nam - Trung Quốc

BHG - Sáng ngày 26.9, tại khu vực thôn Nà La, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), Đoàn đại biểu Đại diện Biên giới Đoạn 4 (Việt Nam) do Thượng tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Đại diện Biên giới Đoạn 4 cùng Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã có buổi hội đàm với Đoàn đại biểu Đại diện Biên giới Đoạn 4 (Trung Quốc) do Đại tá Trương Quý Thành, trưởng Đại diện Biên giới Đoạn 4 (Trung Quốc) làm trưởng đoàn.

27/09/2016