Hà Giang

Xã Hùng An liên kết với doanh nghiệp cải tạo vườn tạp

16:24, 05/04/2021

BHG - Cải tạo vườn tạp để tạo sinh kế bền vững cho người dân là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh. Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh vườn để mang lại hiệu quả đang là bài toán đối với các địa phương. Hùng An (Bắc Quang) là một trong những xã linh hoạt trong cải tạo vườn tạp gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm. Xã đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng để làm vườn và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Cán bộ, nhân dân xã Hùng An ra quân cải tạo vườn tạp tại thôn Hùng Thắng.
Cán bộ, nhân dân xã Hùng An ra quân cải tạo vườn tạp tại thôn Hùng Thắng.

Hợp đồng ký kết hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng với những người làm vườn tại xã Hùng An có sự chứng kiến của chính quyền xã xác nhận: Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất dược liệu đứng chân tại thôn Đá Bàn, xã Hùng An và người dân thôn Hùng Thắng, xã Hùng An đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua cây dược liệu. Bản hợp đồng thể hiện rất rõ trách nhiệm của các bên.

Trong đó, người dân thôn Hùng Thắng, trước mắt là 11 hộ có đất tiến hành cải tạo trồng 11 ha cây Nhân trần cung cấp cho nhà máy chế biến dược liệu của Công ty. Trước mắt, Công ty tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng cây cho các hộ; đồng thời, cung cấp hạt giống, phân bón (ứng trước); chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trong quá trình sản xuất đến khi thu hoạch. Toàn bộ sản lượng Công ty có trách nhiệm thu mua theo đơn giá tạm tính thấp nhất là 2.500đ/kg cây Nhân trần tươi ngay sau thu hoạch.

Cán bộ khuyến nông xã kiểm tra vườn Nhân trần của gia đình anh Trương Minh Tuấn, thôn Hùng Thắng sau 1 tuần tra hạt, cải tạo vườn tạp.
Cán bộ khuyến nông xã kiểm tra vườn Nhân trần của gia đình anh Trương Minh Tuấn, thôn Hùng Thắng sau 1 tuần tra hạt, cải tạo vườn tạp.

Anh Trương Anh Tuấn, thôn Hùng Thắng cho biết: Gia đình tôi đã cải tạo 1,1 ha vườn, đồi tạp, nhận 1,7 kg hạt giống cây Nhân trần của Công ty về trồng. Mọi vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc đều được cán bộ kỹ thuật Công ty phối hợp với cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn làm. Hy vọng, tới tháng 7 này, gia đình sẽ có ít nhất là 25 – 30 tấn Nhân trần bán cho doanh nghiệp thu về khoảng 55 – 60 triệu đồng.

Bên cạnh việc liên kết trồng, thu mua cây Nhân trần, Công ty đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây giống và mở rộng liên kết với các hộ dân trong xã trồng thêm cây nghệ vàng, cây quế và một số cây dược liệu khác. Mục tiêu của Công ty và Đảng bộ, chính quyền xã đặt ra là mở rộng diện tích trồng các loại cây dược liệu có giá trị ra các thôn. Quyết tâm đưa xã Hùng An trở thành vùng trồng cây dược liệu chính cung cấp nguyên liệu thường xuyên, liên tục đáp ứng nhu cầu chế biến tại chỗ của doanh nghiệp. Tiếp theo, là từng bước nhân rộng vùng trồng và thu mua cây dược liệu ra các xã xung quanh trong huyện để đáp ứng nguyên liệu chế biến thuốc trong quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Anh Lê Đức Liêm, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Hùng An, người trực tiếp phụ trách công tác chỉ đạo cải tạo vườn tạp xã cho biết: Hùng An đã triển khai công tác cải tạo vườn tạp ra 6 thôn, bản. Đến nay, đã có hàng trăm hộ đăng ký tham gia ký kết với Công ty trồng trên 40 ha cây quế, 5 ha cây Nhân trần và gần 2 ha cây nghệ vàng.

Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Công ty sẽ ký hợp đồng ngay sau khi công tác triển khai tại xã có kết quả các hộ tham gia trồng cây dược liệu chính thức ngay trong đầu quý II.2021. Quyết tâm đưa Hùng An trở thành vùng nguyên liệu trọng điểm để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, sẽ nghiêm cứu đưa vào liên kết với người dân Hùng An trồng thêm một số loại cây dược liệu mới có giá trị kinh tế cao phục vụ cho chế biến tại nhà máy của Công ty ở thôn Đá Bàn.

Liên kết với doanh nghiệp và từng bước mời gọi doanh nghiệp bắt tay cùng nhà nông sản xuất, bao tiêu sản phẩm là cách làm hay của Đảng bộ, chính quyền xã Hùng An. Đó cũng là cách làm để đưa Nghị quyết 05 của tỉnh vào cuộc sống vừa bền, vừa chắc và có chiều sâu, phù hợp với thực tiễn cuộc sống của từng vùng, từng địa phương và trong từng địa bàn dân cư.

Bài, ảnh:  NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo từ mảnh vườn của gia đình, huyện Mèo Vạc đang thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM; hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân.

30/03/2021
Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

27/03/2021
Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng

BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

26/03/2021
"Hồi sinh" những mảnh vườn trên đá

BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được "hồi sinh" khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp. Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày.

25/03/2021