Hà Giang

Hồi sinh những mảnh đất vùng biên

08:47, 07/04/2021

BHG - Những tên thôn như: Nặm Ngặt, Cốc Nghè, Nà Sát… thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên được biết đến là nơi thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây là xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống còn khó khăn, người dân rất mong mỏi có thể tìm ra hướng thoát nghèo. Như “chiếc phao” cứu sinh, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, đã mở đường cho người dân Thanh Thủy hình thành hướng đi, cách làm mới nhằm vươn lên phát triển kinh tế.

Gia đình anh Hoàng Văn Toán, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) trồng na trên diện tích vườn mới cải tạo.                                                                                             Ảnh: HOÀNG YẾN
Gia đình anh Hoàng Văn Toán, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) trồng na trên diện tích vườn mới cải tạo. Ảnh: HOÀNG YẾN

Là người có đôi bàn tay không lành lặn, lại là trụ cột của gia đình, nên luôn mong muốn tìm hướng đi phát triển kinh tế. Nhưng do không có nguồn vốn, chưa lựa chọn được phương pháp và cách làm phù hợp nên gia đình vẫn thuộc hộ cận nghèo của xã. Đó là hoàn cảnh của gia đình bác Hoàng Văn Toán, thôn Thanh Sơn. Nhằm san sẻ khó khăn và giúp thoát nghèo, xã vận động gia đình bác tham gia cải tạo vườn tạp. Chia sẻ về những lợi ích của việc được nhận hỗ trợ, bác Toán cho biết: “Khi được vận động vay vốn để cải tạo vườn tạp, quả thực bản thân không biết vay rồi sẽ làm gì? Sẽ trả số vốn như thế nào? Nhưng, dưới sự hướng dẫn và định hướng của xã trong việc trồng cây na, các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp cùng gia đình cải tạo vườn. Từ đó, gia đình như có thêm động lực và quyết định vay vốn nhằm phát triển và nhân rộng diện tích trồng na, tiến tới là cải tạo ao cá, mua thêm giống và xây dựng hệ thống dẫn nước để thuận lợi cho việc tưới tiêu và tạo cảnh quan, tăng thu nhập. Hiện tại, sau 3 tháng, 1.200 m2 na của gia đình phát triển tốt…”.

Lựa chọn cho mình loại cây có giá trị kinh tế cao, bác Lý Xuân Phú, thôn Nà Sát đã mạnh dạn vay vốn tham gia cải tạo vườn tạp. Bác chia sẻ: “Đầu năm 2021, gia đình may mắn được xã lựa chọn cho vay vốn, sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể xã trong việc vận động và hỗ trợ hơn 100 cây giống Mận hậu. Với số vốn vay, gia đình đã tiến hành cải tạo vườn. Sau hơn 2 tháng trồng, cây mận phát triển tốt và thích hợp với đất của gia đình”.

Tuy nhiên, xã còn gặp một số khó khăn như: Diện tích thực hiện cải tạo vườn tạp manh mún, nhỏ lẻ, bà con chưa nắm và hiểu về nghị quyết. Trước những hạn chế đó, theo đồng chí Mương Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã: “Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, xã đã ban hành lộ trình cụ thể, chi tiết, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào trong toàn thể nhân dân; bố trí lại cấu trúc không gian nhà, vườn như: Khu chăn nuôi, vệ sinh, nước sinh hoạt, xây hoặc rào lại khu vườn, dọn dẹp, loại bỏ những cây tạp không có giá trị, bố trí lại cây trồng hợp lý… Hiện, xã đã hoàn thành việc thẩm định các hồ sơ đăng ký, các hộ đủ điều kiện vay vốn, tiến tới sẽ đưa các hộ đi tham quan một số mô hình cải tạo vườn tạp trên địa bàn thành phố Hà Giang; vẽ sơ đồ cải tạo vườn tạp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ thực hiện…”.

Những vùng đất từng bị mưa bom, bão đạn, cỏ cây bao trùm nay đang dần khoác lên mầu áo mới với sự quy củ, bài bản, đồng thời dưới tác động của Nghị quyết 05 đã giúp người dân có tư duy làm nông nghiệp mới, góp phần xóa nghèo và tạo nên cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho chính ngôi nhà của mình.

HOÀNG YẾN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo từ mảnh vườn của gia đình, huyện Mèo Vạc đang thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM; hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân.

30/03/2021
Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

27/03/2021
Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng

BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

26/03/2021
"Hồi sinh" những mảnh vườn trên đá

BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được "hồi sinh" khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp. Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày.

25/03/2021