Hà Giang

Lan tỏa phong trào thi đua cải tạo vườn tạp

19:11, 01/03/2021

BHG - Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025” mới được ban hành hơn 2 tháng nay, nhưng khí thế triển khai chương trình đang lan tỏa mạnh mẽ ở các địa phương, cho thấy nghị quyết đang đi vào cuộc sống.

Đoàn viên, thanh niên xã Lùng Tám (Quản Bạ) giúp gia đình bà Lò Thị Si, thôn Tùng Nùn cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh.
Đoàn viên, thanh niên xã Lùng Tám (Quản Bạ) giúp gia đình bà Lò Thị Si, thôn Tùng Nùn cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh.

Quản Bạ - địa phương nhiều năm gần đây đều nằm trong số những huyện dẫn đầu các phong trào thi đua của tỉnh đang có những cách chỉ đạo, triển khai cải tạo vườn tạp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Vì vậy dễ hiểu khi đến nay, Quản Bạ có 70/105 hộ hoàn thành việc cải tạo vườn tạp, đạt 71% kế hoạch năm 2021. Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới thông tin: Năm 2021 Quản Bạ được tỉnh giao thực hiện 59 vườn nhưng huyện đặt mục tiêu thực hiện cải tạo 105 vườn. Để làm được như vậy, huyện đã giao chỉ tiêu cho mỗi đoàn thể, MTTQ, các Đồn Biên phòng, Công an huyện và các xã, thị trấn… hỗ trợ thực hiện 5 vườn/đơn vị, địa phương. Ngoài ra, chỉ đạo các trường có học sinh bán trú ký kết thu mua sản phẩm của các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, qua đó giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn cung cấp cho học sinh.

Nương bậc thang đá của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề, xã Sính Lủng (Đồng Văn) được cải tạo trồng cây mận và Sâm khoai. 								Ảnh: DUY TUẤN
Nương bậc thang đá của gia đình anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề, xã Sính Lủng (Đồng Văn) được cải tạo trồng cây mận và Sâm khoai. 

Cùng với sự lãnh, chỉ đạo của huyện, một số địa phương ở Quản Bạ cũng có những cách làm riêng như: Xã Thanh Vân bố trí kinh phí cho các hộ vay theo hình thức đầu tư có thu hồi để thực hiện các nội dung cải tạo vườn tạp, định mức cho vay 5 triệu/hộ; xã Lùng Tám huy động các lực lượng ra quân giúp ngày công để các hộ cải tạo vườn tạp, đặc biệt là cách làm bù đất trên nương đá để trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Chứng kiến người dân thôn Tùng Nùn hỗ trợ các hộ cải tạo vườn mới thấy sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong triển khai chương trình này ở cơ sở. Với xã Quản Bạ, thực hiện việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu được gắn với du lịch và xây dựng Nông thôn mới để nâng cao thu nhập. Hiện, hầu hết ở các đơn vị, địa phương ở Quản Bạ đều đang vào cuộc quyết liệt, huy động các lực lượng ra quân giúp các hộ cải tạo vườn.

Ở Hoàng Su Phì, đa số các gia đình có vườn tạp là đất đồi dốc quanh nhà theo dạng bậc thang với diện tích trung bình khoảng từ 200 - 500 m2. Tuy nhiên, các loại cây trồng và chuồng trại trong vườn hộ không có quy hoạch, không tương tác hỗ trợ lẫn nhau, chưa mang lại giá trị kinh tế và chưa thành hàng hóa, giá trị thu nhập thấp, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về rau và thực phẩm thường xuyên cho hộ gia đình. Từ thực trạng trên, huyện quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 05 để giúp các hộ cải tạo vườn tạp giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, tạo sinh kế, vươn lên thoát nghèo. 

Mục tiêu của Hoàng Su Phì trong năm 2021 sẽ hoàn thành cải tạo thí điểm 56 vườn ở 24 xã, thị trấn. Với phương pháp triển khai tập trung vào tuyên truyền về các nội dung của Nghị quyết 05 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ cải tạo vườn, gắn với đăng ký thực hiện và rà soát, khảo sát thực tế nguồn lực về đất đai, lao động và ý tưởng về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của từng hộ để xây dựng sơ đồ quy hoạch cải tạo vườn tạp và sơ đồ hiện trạng trước khi thực hiện. Sau đó cấp ủy, chính quyền, BCĐ các địa phương trực tiếp tham gia và huy động các hội, đoàn thể tổ chức hướng dẫn các hộ rào vườn xung quanh khuôn viên gia đình, tận dụng tối đa vật liệu tại chỗ như: Tre, nứa, hàng rào cây xanh, lưới cước, lưới sắt B40… tích cực ứng dụng các loại máy cơ giới và kỹ thuật vào cải tạo vườn. Đồng thời huy động được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm kinh phí cho các hộ thực hiện. Đến nay Hoàng Su Phì đã hoàn thành cải tạo được 27 vườn. 

Các huyện vùng thấp như thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê là vùng có diện tích vườn hộ lớn, tương đối bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, có nguồn nước, quy mô vườn lớn hơn so với các vùng khác. Tuy nhiên, vườn hộ chưa được quy hoạch bài bản, còn để vườn tạp, cơ cấu cây trồng nhiều loại, sản phẩm chủ yếu chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và thu nhập cho các hộ. Là địa phương được BCĐ tỉnh chọn tổ chức phát động triển khai Nghị quyết cải tạo vườn tạp, Vị Xuyên đang tích cực chỉ đạo các địa phương đăng ký thực hiện và hoàn thành cải tạo vườn, các hộ đã triển khai từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo thống kê, Vị Xuyên đã có 25 hộ ở 5 xã, thị trấn đăng ký và đang triển khai thực hiện điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng cho 19 xã, thị trấn còn lại.

Không chỉ ở 3 huyện trên, 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường, thị trấn đang tập trung triển khai Nghị quyết 05 phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán và trình độ sản xuất của nhân dân, hướng tới mục tiêu hoàn thành cải tạo thí điểm 356 vườn của 151 hộ nghèo, 205 hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; trong đó có 23 hộ nghèo, cận nghèo huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thí điểm đổ đất tạo vườn, cải tạo nương xếp đá. Những ngày đầu năm 2021, qua kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp tại một số địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống từ sự quyết liệt, linh hoạt của các cấp, ngành, địa phương và sức lan tỏa phong trào thi đua cải tạo vườn tạp của cả hệ thống chính trị. Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao các giải pháp mới, sáng tạo của các huyện, nhất là 4 huyện vùng Cao nguyên đá trong việc giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương và thực hiện bù đất, kè bậc thang đá để cải tạo vườn, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 05 để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo đúng phương châm: “không nóng vội, không thành tích”, “dễ làm trước, khó làm sau”…

Bài, ảnh:  DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị quyết và sự cộng hưởng từ lòng dân

BHG - "…Phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn" - quyết tâm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

 

29/01/2021
Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn.

28/02/2021
Yên Minh phát động chương trình cải tạo vườn tạp

BHG - Sáng 28.1, tại xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh tổ chức Lễ phát động Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Tham dự có đồng chí Ngô Xuân Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Minh; lãnh đạo Văn Phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh; các phòng, ban chuyên môn và 18 xã/thị trấn trên địa bàn…

28/01/2021
Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững (Phần 3)

BHG – Tiếp theo nội dung giới thiệu Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Trong chương trình tiếp theo này, Báo Hà Giang điện tử sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn phần 3 lớn, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YÉU của Nghị quyết 05.

27/02/2021