Đồng Văn thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân

10:21, 12/03/2021

BHG - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã và đang được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Tại huyện Đồng Văn, Nghị quyết 05 không chỉ làm thay đổi diện mạo những mảnh vườn, mà còn từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế cho người nông dân.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú giúp đỡ hộ ông Vừ Sáu Pó cải tạo vườn tạp.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú giúp đỡ hộ ông Vừ Sáu Pó cải tạo vườn tạp.

Từ xưa, người nông dân đã coi “nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền”, “một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng” để khẳng định vai trò của kinh tế vườn hộ. Đối với những người dân sinh sống trên vùng cực Bắc, đá tai mèo nhiều hơn đất, việc biến những mảnh vườn cằn cỗi, giá trị kinh tế thấp thành những “tấc vàng”, đem lại giá trị kinh tế cao là ước mong từ ngàn đời. Tuy nhiên, với thói quen canh tác còn lạc hậu, những mảnh vườn của người nông dân nơi đây chưa phát huy được hết giá trị kinh tế. Đến nay, nhờ có những chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện từ Nghị quyết 05 đã giúp họ thay đổi, có động lực vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Diện tích đất vườn 1.200 m2 của gia đình ông Vàng Mí Hờ, thôn Há Súng, xã Tả Lủng được lựa chọn làm điểm trên toàn huyện. Trước đây, cũng giống như các hộ khác trong thôn, gia đình ông Hờ sử dụng vườn để trồng rau, màu, chủ yếu là tự cung cấp nguồn rau cho gia đình nên giá trị kinh tế thấp. Khi tiến hành giúp đỡ hộ cải tạo lại vườn, toàn bộ diện tích trồng rau màu trước đây được chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm là cây lê, đào, mận máu, là những cây được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Ông Hờ chia sẻ: Bà con trong thôn từ xưa đến nay chỉ biết trồng rau củ cải, trồng ngô. Ngô còn giúp tăng gia sản xuất, nhưng củ cải có khi vào đúng vụ, ăn không hết, lại bỏ cả vườn, nhưng cũng không ai muốn thay đổi để trồng cây khác. Vừa qua, cán bộ xã, huyện đã đến vận động và giúp đỡ tôi cải tạo lại vườn, kè đá, san mặt bằng, trồng cây ăn quả. Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện cũng đã có mặt để giúp tôi làm thủ tục vay vốn. Đến nay, rất nhiều hộ trong thôn cũng đã dần thay đổi lối canh tác cũ, một số hộ đã đăng ký cải tạo vườn được hỗ trợ vay vốn; một số hộ có tiềm lực kinh tế đã bắt tay tự cải tạo lại vườn. Ai nấy đều kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi này.

Có mặt tại buổi ra quân cải tạo vườn tạp cho gia đình ông Vừ Sáu Pó, thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú. Hàng trăm người, là những cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và bà con trong thôn tham gia, ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi. Mảnh vườn tạp đầy cỏ dại, lẫn đá lởm chởm chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã gọn gàng, sạch sẽ; từng cây lê giống được trồng xuống, mang theo bao niềm hy vọng, chờ mong của những người nông dân. Chia sẻ với chúng tôi, ông Pó cho biết: “Bà con vùng cao còn chưa hiểu biết về việc lựa chọn cây giống cho phù hợp, và vẫn chỉ theo thói quen, tập quán canh tác cũ, trồng những cây rau, củ, quả truyền thống. Vừa qua, qua các cuộc họp thôn, được biết tỉnh có chủ trương hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo như chúng tôi cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế. So các tiêu chí, vườn nhà tôi đủ tiêu chuẩn, vì vậy tôi đã đăng ký ngay với xã, cũng là mong muốn được thay đổi cuộc sống. Từ gia đình tôi, tôi hy vọng bà con trong thôn, xã, cũng như bà con đồng bào các dân tộc vùng cao đều sẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm tự vươn lên trong cuộc sống, để những chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước phát huy hết hiệu quả”.

Theo kế hoạch năm 2021, huyện Đồng Văn sẽ tiến hành cải tạo vườn tạp cho 42 hộ, trong đó có 30 hộ cải tạo vườn tạp đất, 12 hộ phải tiến hành xếp đá, san mặt bằng mới để khắc phục tình trạng thiếu đất. Hiện, 19/19 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện cải tạo những mảnh vườn tạp đầu tiên. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực, góp phần tạo sinh kế cho người dân. Nhận thức rõ được điều đó, nên những người nông dân trên Cao nguyên đá đã và đang hưởng ứng tích cực, dần thay đổi thói quen, tập quán canh tác cũ, chủ động học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, lựa chọn cây, con giống phù hợp. Nhìn vào sự thay đổi tích cực đó, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào những mảnh vườn cằn cỗi trên địa đầu của Tổ quốc, mong chờ nó sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

Bài, ảnh:  MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn.

28/02/2021
Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững (Phần 3)

BHG – Tiếp theo nội dung giới thiệu Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Trong chương trình tiếp theo này, Báo Hà Giang điện tử sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn phần 3 lớn, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YÉU của Nghị quyết 05.

27/02/2021
Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững (Phần 2)

BHG - Ở phần trước, Báo Hà Giang điện tử đã giới thiệu đến quý vị và các bạn phần I lớn: Thực trạng kinh tế vườn hộ trong Nghị quyết Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp theo trong chương trình này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu phần hai lớn, Quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 05.

 

26/02/2021
Thay đổi tư duy trồng trọt trên chính mảnh vườn của mình

BHG - Kinh tế vườn hộ thời gian qua chưa được phát huy, còn để vườn tạp; việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý; tập quán canh tác còn truyền thống, năng suất thấp nhưng chưa được lãnh, chỉ đạo; chưa chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên giá trị kinh tế từ vườn hộ rất thấp, chưa tạo thu nhập bền vững cho người dân…

 

25/02/2021