Dáng đứng Việt Nam ngoài thềm lục địa

17:30, 09/07/2021

BHG - 55 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và phát triển của Lữ đoàn tàu tuần tiễu săn ngầm 171 Vùng 2 Hải quân, có 4 mốc son chói lọi: Đánh đuổi tàu thủy, máy bay mỹ ở miền Bắc, giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi Pol pot Ieng Sary, tham gia xây dựng đảo Trường Sa và dựng những cột mốc chủ quyền trên biển Đông.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Tàu 11, Lữ đoàn 171 Hải quân.
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Tàu 11, Lữ đoàn 171 Hải quân.

Thuyền gỗ, sào tre đi dựng nhà giàn

Việc xây dựng các nhà giàn DK1 được bắt đầu từ năm 1989. Lực lượng chính xây dựng, chốt giữ trên các “pháo đài” ấy là cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 171.

Cho đến bây giờ, sau 32 năm kể từ ngày Nhà giàn Phúc Tần 3 (DK1/3) được dựng giữa biển khơi, Trung tá Nguyễn Tiến Cường - nguyên Thuyền trưởng tàu HQ - 668 vẫn nhớ ngày ông và đồng đội vượt biển ra khơi dựng giàn. “Ngày đó phương tiện dựng nhà giàn thô sơ. Tôi là người trực tiếp đi tàu ra đo độ sâu, đánh dấu tọa độ để công binh ra đóng các chân đế nhà giàn. Có thể nói đó là những ngày gian khổ nhất”.

Sau sự kiện Gạc Ma tháng 3-1988, Đô đốc Giáp Văn Cương đã đề xuất phải gấp rút triển khai việc xây dựng nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam. Ngày 6-11-1988, biên đội tàu HQ -713 và HQ - 668 đi dựng nhà giàn. Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân làm tổng chỉ huy.

Nhà giàn DK1 vững chắc giữa thềm lục địa.                                                         Ảnh: MAI THẮNG
Nhà giàn DK1 vững chắc giữa thềm lục địa. Ảnh: MAI THẮNG

Tạm biệt vợ mới cưới, Thuyền trưởng Cường xuống tàu. Vợ anh và nhiều người vợ trẻ tiễn chồng ra tận cầu cảng. Cuộc chia tay bịn rịn, những giọt nước mắt, những lời dặn dò lưu luyến của kẻ ở, người đi khiến ai cũng nghẹn ngào. Sau sự kiện Trường Sa năm 1988, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Thời kỳ ấy, tàu hải quân chủ yếu là tàu vỏ sắt nhiều chủng loại. Riêng tàu HQ-668 tiếp nhận về nguyên gốc từ tàu cá của Thái Lan. Với trọng tải 150 tấn, con tàu gỗ nhỏ bé này chật chội không kê được giường. Các chiến sĩ tiện chỗ nào thì ngủ chỗ đó chứ không quy định cụ thể.

Ra đi trong gió mùa Đông Bắc, biển động dữ dội, con tàu cứ chồm lên ngụp xuống trong sóng gió. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn, hai cuộn dây, sáu cây sào tre để đo độ sâu. Do không có định vị vệ tinh nên biên đội tàu sau 3 ngày đã đi lạc vào vùng biển đảo Đá Lát. Đúng lúc đó thì tàu HQ-713 bị vỡ lốc máy. Lệnh của Lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa là bằng mọi cách phải khắc phục, sửa chữa. Cạnh đó, tàu HQ-668 khẩn trương tiến về hướng Nam (khu vực bãi cạn Ba Kè), nhanh chóng khảo sát, đo độ sâu.

Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Cường, các thủy thủ dùng dây thừng thắt nút cách nhau từng mét, một đầu buộc đá thả xuống biển. Nước ngập đến đâu, đếm nút thắt tính ra độ sâu đến đó. “Những cây sào dài không phát huy được tác dụng vì dòng chảy mạnh và mực nước sâu. Tôi vừa đưa cây sào xuống đã bị dòng chảy mạnh làm gãy đôi. Tất cả đều phải nhờ vào sợi dây thừng” – Trung tá Cường kể.

Sau 3 ngày khảo sát, các thủy thủ đã tìm được vị trí trùng khớp với tọa độ ghi trên bản đồ, đo được độ sâu tương đối chính xác, thả phao đánh dấu. Vị trí khảo sát đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần A đã hoàn thành, các thủy thủ tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau.

Sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, ngày 26-11-1988, hai biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 được điều ra các bãi cạn chuẩn bị các mặt cần thiết để xây nhà giàn.

Cột mốc đầu tiên mọc giữa trùng khơi 

Sau 7 tháng khảo sát, đo độ sâu, tháng 5-1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ Giao thông - Vận tải bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần.

Ông Trần Xuân Vọng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 129 Hải quân, nhớ lại: “Có bữa trời đang trong xanh, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Có lần một thợ lặn đang định vị dây xích dưới đáy biển thì dây dẫn khí bị đứt. Tình huống cực kỳ nguy cấp, nếu chỉ chậm vài phút sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Chúng tôi khẩn cấp đưa thợ lặn khác xuống cấp cứu, cho vào buồng giảm áp lực mới cứu sống được anh em”.

Công việc đầu tiên là dọn bãi đặt chân đế boong tong. Những người thợ lặn đeo bình ôxy, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật chuyên dùng san phẳng bãi san hô rồi khoét sâu một lỗ rộng chừng 60 m để đặt khối pông-tông vào đó. Khối pông-tông kết cấu bằng thép, bán kính chừng 16 m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối pông-tông vào đúng lỗ đã được đào sẵn.

Công đoạn thứ hai là kết nối pông-tông và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này. Sau hơn một tháng chạy đua, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần (DK1/3) hiện hữu giữa thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Các chiến sĩ và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt. Những giọt nước mắt sung sướng, tự hào hòa lẫn vào lòng biển mẹ. “Từ thế hệ nhà giàn đầu tiên này, đến nay ta đã có một hệ thống nhà giàn hiện đại, vững chãi trấn giữ ở thềm lục địa phía Nam và trở thành phên giậu của Tổ quốc giữa trùng khơi” – Ông Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.

Hiện nay, các Nhà giàn DK1 không thuộc phạm vi quản lý của Lữ đoàn 171 nữa, song cán bộ chiến sĩ các thế hệ vẫn tự hào, hãnh diện, vì họ là những người đầu tiên ra xây dựng và chốt giữ những “cột mốc sống”.

Kỷ niệm 55 năm thành lập Lữ đoàn 171 Hải quân, do dịch Covid-19, Lữ đoàn không tổ chức Lễ kỷ niệm, song tất cả gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ đều chung một niềm tự hào, bước tiếp truyền thống cha anh đi trước, xây dựng Lữ đoàn chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng với truyền thống Anh hùng “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

Trung đội trưởng Vệ binh, Bùi Thanh Hưng chia sẻ: “Được cống hiến ở Lữ đoàn có bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ, với tôi là một vinh dự. Mỗi chặng đường của Lữ đoàn đều gắn với một chiến công. Những câu chuyện kể của thế hệ cha anh là hành trang để thế hệ chúng tôi tiếp bước, tự hào và noi theo”.

Bài, ảnh: Mai Thắng  (Vũng Tàu)

Cùng chuyên mục

Tuổi trẻ Đoàn Trường Sa: "Xung kích, lập công tô hồng truyền thống"

BHG - Những ngày này, cùng với tuổi trẻ toàn Vùng 4 Hải quân, cán bộ, đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), đã có những hành động cụ thể, thiết thực, xung kích, sáng tạo lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 90 năm, Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 – 26.3.2021), chào mừng Tháng Thanh niên.

 

30/03/2021
Giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu biển, đảo
BHG - Những năm qua, công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai đồng bộ với hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy ý chí, lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
29/01/2021
Điều trân quý nơi đầu sóng, ngọn gió

BHG - Được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, thật sự là niềm vinh dự và tự hào. Hòa mình với cuộc sống của lính biển và những câu chuyện mộc mạc của họ đã cho chúng tôi những trải nghiệm không thể quên.

 

28/12/2020
Biển, đảo và tình người cực Bắc – Kỳ cuối: Tình quân - dân gắn bó

BHG - Những năm qua, công tác tuyên truyền biển đảo, luôn được Đảng bộ tỉnh Hà Giang quan tâm và có nhiều hoạt động hướng về biển, đảo - người chiến sĩ Hải quân. Đã hơn 8 năm, nhưng với anh Đặng Quang Vượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang, thành viên Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang ra thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa vẫn nhớ như in hôm 20.5 2012, tại đảo Trường Sa lớn, bên cột mốc chủ quyền biển...

27/12/2020