Hà Giang

Bắc Mê đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

09:31, 12/03/2019

BHG - Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân và tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, huyện Bắc Mê đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Người dân thôn Tạm Mò, xã Yên Định thu hoạch chuối xuất khẩu.
Người dân thôn Tạm Mò, xã Yên Định thu hoạch chuối xuất khẩu.

Hơn 3 năm triển khai Dự án trồng chuối xuất khẩu tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định do Công ty Cổ phần phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang đầu tư, hàng trăm tấn chuối mỗi vụ đã được thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những diện tích đồi tạp trước đây đã khoác lên mình diện mạo mới; những quả chuối được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang địa danh Bắc Mê lần đầu mang sứ mệnh “xuất ngoại”. Người dân từ chỗ chỉ trồng ngô, đảm bảo an ninh lương thực, nay đã có việc làm thường xuyên trên chính mảnh đất của mình với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Từ 150 ha ban đầu trồng theo dự án, đến nay, với lợi ích cây chuối xuất khẩu mang lại, huyện Bắc Mê đã phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang mở rộng diện tích lên 214 ha dọc Quốc lộ 34, đưa chuối trở thành cây chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.

Sản phẩm chuối Bắc Mê được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm chuối Bắc Mê được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Là huyện có lợi thế đất đai rộng lớn, từ nhiều năm nay, người dân Bắc Mê đã trồng cây nghệ; tuy nhiên, đầu ra không ổn định khiến củ nghệ nhiều phen lao đao. Để thúc đẩy phát triển nghệ thành cây trồng hàng hóa, huyện tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển các sản phẩm từ nghệ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có HTX Khởi nghiệp Thành Công; HTX Dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp Ngọc Sơn; Công ty TNHH Cát Thành đầu tư sản xuất tinh bột nghệ và các sản phẩm từ nghệ. Các doanh nghiệp, HTX ký kết với người dân thu mua nghệ củ với mức từ 3 – 4 nghìn đồng/kg.  Cùng với chuối, tinh bột nghệ, hiện nay, huyện Bắc Mê đầu tư phát triển sản phẩm tinh dầu hồi. Với diện tích trên 210 ha trồng tại các xã: Đường Âm, Phú Nam và thị trấn Yên Phú, sản lượng từ 120 – 140 lít tinh dầu/ha, giá bán trên 450 nghìn đồng/lít; tinh dầu hồi đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập.

Để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, huyện Bắc Mê ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư; bàn giải pháp đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện theo hình thức đầu tư có thu hồi như: Xã Minh Ngọc liên kết với Công ty Phát Đạt Hà Giang thực hiện 45 ha lúa Xuân chất lượng cao; HTX Nà Xá (Yên Định) liên kết với Công ty An Đạt Thành - Chi nhánh Quang Bình thực hiện gieo mạ khay, máy cấy, cung ứng giống, phân bón; xã Phú Nam liên kết với Cty TNHH Cát Thành trồng 60 ha nghệ; HTX Thiên Ân (Yên Cường) liên kết trồng dâu nuôi tằm...

Hiện nay, một số doanh nghiệp, HTX đang khảo sát để đầu tư trồng dược liệu như: Tập đoàn TH True Milk; Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II; HTX Dược liệu Phiêng Luông; Công ty TNHH Dịch vụ và xuất nhập khẩu Ngọc Linh; Công ty Dược liệu Bông Sen Vàng và 2 cá nhân đầu tư dự án chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả tại xã Yên Định. Ngoài ra, để phát huy lợi thế về chăn nuôi, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, phương án thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con gia súc giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025 và phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm năm 2018. Toàn huyện hiện có 33 gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 20 con trở lên, trong đó có 1 trang trại quy mô 150 con bò tại xã Yên Định. Bên cạnh đó, với lợi thế diện tích lòng hồ thủy điện, các HTX tại Thượng Tân, Yên Phong, thị trấn Yên Phú đầu tư nuôi cá lồng với các loài đặc sản như: Cá Chiên, Lăng, Bỗng… bước đầu mang lại lợi ích kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Củng Thị Mẩy cho biết: “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương bằng hình thức liên kết sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng việc liên kết sản xuất đã tạo luồng sinh khí mới giúp nông nghiệp Bắc Mê khởi sắc. Huyện thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm nắm tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Thời gian tới, huyện Bắc Mê tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Du lịch thời công nghiệp 4.0

BHG - Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên một thế giới phẳng, xóa nhòa giới hạn về không gian, thời gian; tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo đà phát triển du lịch bền vững. Nhờ cách mạng 4.0, giờ đây du khách khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, giúp họ lựa chọn địa điểm và hành trình phù hợp, an toàn, hiệu quả. 

21/12/2018
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Ban chỉ đạo Tái cơ cấu kinh tế tỉnh

BHG - Chiều 19.12, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang...

20/12/2018
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khẳng định vị thế cam Hà Giang

BHG - Thương hiệu cam Sành Hà Giang được khẳng định từ nhiều năm về trước bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm và độ sạch trong khâu sản xuất. Với sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế cam Hà Giang trên thị trường.

 

18/12/2018