Quang Bình: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

10:59, 12/02/2019

BHG - Sau 3 năm thực hiện mạnh mẽ Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn từ 2016 - 2020; đến nay, “bức tranh” nông nghiệp huyện Quang Bình đạt được những kết quả khởi sắc, tạo bước đột phá về sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Tẩn, thôn Tân An, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình chăm sóc đàn trâu gia đình.
Ông Hoàng Văn Tẩn, thôn Tân An, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Năm 2016, khi bắt tay vào thực hiện Đề án ngành Nông nghiệp, huyện Quang Bình xác định là phải xuất phát từ hiệu quả kinh tế, lấy giá trị tăng thêm làm thước đo, không dàn trải chạy theo số lượng. Vì vậy, địa phương lựa chọn những cây trồng, vật nuôi tiềm năng để phát triển theo vùng quy hoạch. Nhờ các giải pháp đồng bộ, nông nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập của người dân từng bước nâng lên, nông thôn có nhiều đổi mới. Đến năm 2018, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 66,3 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 38% (tăng 2,4% so với năm 2017).

Đối với lĩnh vực trồng trọt, riêng cây cam Sành, tổng diện tích toàn huyện có khoảng 2.682 ha; trong đó, 1.257 ha cho thu hoạch. Niên vụ 2018 - 2019, năng suất ước đạt 98 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 13.800 tấn. Hết năm 2018, diện tích cam được chứng nhận VietGAP đạt 1.119 ha với 28 tổ sản xuất tại 7 xã, chiếm 89% diện tích cho sản phẩm. Nhờ thực hiện kế hoạch số 219 về áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với cây chè nên sản xuất theo hướng VietGAP tăng lên 1.189 ha. Hàng năm, cây chè trồng mới cũng không ngừng mở rộng, nâng diện tích chè lên hiện có lên 3.145 ha, sản lượng chè búp tươi năm 2018 đạt hơn 12.000 tấn, giá trị trên 96 tỷ đồng.

Từ những cơ sở thuận lợi của Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, huyện tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân mở rộng được 40 mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô 10 - 30 con, nâng tổng đàn trâu, bò là 23.017 con, tốc độ tăng trưởng đàn trâu đạt 3%/năm. Bên cạnh việc hướng dẫn bà con nắm chắc kỹ thuật bảo quản, chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa Đông, huyện còn thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo nhằm cải thiện tầm vóc cho đàn trâu, tránh thoái hóa giống, giảm nguy cơ dịch bệnh.

Ông Hoàng Văn Tẩn, thôn Tân An, thị trấn Yên Bình, cho hay: “Trước kia, gia đình chỉ nuôi 1 con trâu để lấy sức cày kéo, năm 2016, tôi được vay 60 triệu đồng theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để mua 3 con trâu cái về nuôi sinh sản. Đến nay, đàn trâu đã sinh được 3 nghé con; tôi nhận thấy, việc tiếp cận vốn để chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình. Tôi mong muốn, các ngành chuyên môn tiếp tục tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn, giúp người nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi hiệu quả hơn”.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện linh hoạt lựa chọn một số cây trồng ưu thế dựa trên đặc điểm, điều kiện sản xuất vùng miền, như: Cây Thảo quả, lúa hàng hóa và trồng rau, hoa. Để hình thành những cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo 5 cùng gắn với áp dụng cơ giới hóa, trên địa bàn huyện có 3 xã dồn điền đổi thửa với diện tích 30,9 ha; duy trì các Tổ sản xuất rau, hoa an toàn tại 4 xã, thị trấn. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã ban hành việc triển khai chương trình trồng cây Thảo quả dưới tán rừng tại các xã Tân Nam, Tiên Nguyên, Bản Rịa.

Đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Ngoài những kết quả đạt được, sản xuất vẫn chưa chặt chẽ giữa các khâu nên giá trị sản phẩm chưa cao, thiếu sức cạnh tranh đối với đầu ra cho các sản phẩm tốt; nguồn vốn còn hạn hẹp… Để duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, huyện sẽ tập trung đầu tư, phát triển các cây, con theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gồm: Cam, chè, trâu, lúa hàng hóa, Thảo quả và rau, hoa an toàn theo chuỗi giá trị. Trong đó, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tạo ra sản phẩm hàng hóa, gắn kết cùng các doanh nghiệp trong khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh đăng ký, chứng nhận thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực kết hợp với quảng bá, xúc tiến thương mại. 

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Du lịch thời công nghiệp 4.0

BHG - Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên một thế giới phẳng, xóa nhòa giới hạn về không gian, thời gian; tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo đà phát triển du lịch bền vững. Nhờ cách mạng 4.0, giờ đây du khách khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, giúp họ lựa chọn địa điểm và hành trình phù hợp, an toàn, hiệu quả. 

21/12/2018
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Ban chỉ đạo Tái cơ cấu kinh tế tỉnh

BHG - Chiều 19.12, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang...

20/12/2018
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khẳng định vị thế cam Hà Giang

BHG - Thương hiệu cam Sành Hà Giang được khẳng định từ nhiều năm về trước bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm và độ sạch trong khâu sản xuất. Với sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế cam Hà Giang trên thị trường.

 

18/12/2018