Bảo tồn, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn

16:18, 13/09/2018

BHG - Xã Lũng Phìn (Đồng Văn) có điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, thích hợp với cây chè. Vì vậy, từ xa xưa, người dân nơi đây đã trồng được giống chè Shan tuyết mang hương vị đặc trưng của vùng núi đá. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, với nhiều giải pháp cụ thể như: Bảo tồn giống chè, cải tiến kỹ thuật sao chè, đảm bảo hương vị và chất lượng sản phẩm đầu ra đã giúp thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn giữ vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Những gốc chè Shan tuyết trên 200 năm tuổi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A.
Những gốc chè Shan tuyết trên 200 năm tuổi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A.

Chè Shan tuyết Lũng Phìn được trồng ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Hiện, toàn xã Lũng phìn có khoảng 15 hộ trồng chè Shan tuyết với gần 100 ha, tập trung chủ yếu tại các thôn: Cán Pẩy Hở A, Cán Pẩy Hở B và một số thôn khác. Trong đó, có khoảng 3.000 gốc chè cổ thụ với tuổi thọ trên 200 năm. Diện tích chè đang cho thu hoạch của cả xã gần 90 ha, hàng năm cho sản lượng trên 100 tấn chè búp tươi.

Gia đình ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A là hộ trồng chè đã 3 đời, có số gốc chè Shan cổ thụ lớn nhất xã, với gần 200 gốc trên 200 năm tuổi. Ông Sá chia sẻ: Thông thường, mỗi năm cây chè cho thu hoạch 3 đợt, bắt đầu từ tháng 4 âm lịch. Đợt đầu tiên cho năng suất lớn nhất, khoảng 20 kg chè khô, từ các đợt hái sau sẽ giảm dần còn 13 - 15 kg vào đợt 2 và 5 - 6 kg vào đợt cuối. Với giá bán dao động 300 – 700 nghìn đồng/kg chè khô, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng. Nếu chăm sóc đúng cách, năng suất và chất lượng tăng, có thể mang lại thu nhập khá cho mỗi gia đình trồng chè trong xã.

Công đoạn sao chè được anh Giàng Mí Chứ, thôn Cán Pẩy Hở B, làm hết sức cẩn thận để có chất lượng chè đảm bảo.
Công đoạn sao chè được anh Giàng Mí Chứ, thôn Cán Pẩy Hở B, làm hết sức cẩn thận để có chất lượng chè đảm bảo.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn, cho biết: Để giúp người dân trồng chè, chính quyền xã thường xuyên cử cán cán bộ nông nghiệp trực tiếp xuống hướng dẫn bà con chăm sóc, cách đốn chè đúng kỹ thuật; trồng chè, cách thu hái chè đảm bảo tiêu chuẩn; sao chè đúng cách để giữ lông tuyết... Đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho bà con; nhờ đó, vụ thu hoạch chè năm 2018 chất lượng và năng suất cao hơn so với năm trước.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè, Viện KH - KT Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Chất lượng chè ở Lũng Phìn rất đặc biệt, hàm lượng Axitamin trong chè Shan tuyết Lũng Phìn cao từ 3 - 4 %, cao nhất so với các vùng chè trên cả nước. Để khai thác có hiệu quả cao, tạo thương hiệu riêng cho chè Shan tuyết Lũng Phìn, UBND huyện Đồng Văn đã có những chính sách tạo điều kiện và khuyến khích người trồng chè như: Hỗ trợ giống và lương thực (1 ha trồng chè bằng 2 tấn ngô); xây dựng Đề án 04 của UBND huyện về việc nhân giống và trồng mới giống chè Shan tuyết Lũng Phìn; đầu tư 350 triệu đồng để mua hệ thống dây chuyền hiện đại phục vụ chế biến sản phẩm; phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc nhân giống, triết cành để nhân rộng loại chè quý hiếm này. Bên cạnh đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc còn hướng dẫn người dân kỹ thuật, cách sao chè có chất lượng, hương vị tốt nhất. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm mang thương hiệu chè Lũng Phìn.

Mặc dù vậy, để bảo tồn được giống chè Shan tuyết này, cũng đặt ra không ít những khó khăn. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, cho biết thêm: Hiện nay, mặc dù xã đã cố gắng để bảo tồn giống chè quý của địa phương nhưng một số khó khăn vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả, như: Diện tích chè ngày càng bị thu hẹp, trong 2 năm (2012 – 2014), xã chỉ đạo trồng mới thêm 37 ha, nhưng đến hiện tại chỉ sống khoảng 10 ha. Một phần nguyên nhân là do bà con chưa thực sự ý thức được việc bảo tồn giống chè và thương hiệu chè của địa phương, đồng thời còn do hạn chế ở kỹ thuật trồng, chăm sóc. Bên cạnh đó, chè khô không được bảo quản đúng cách đã ảnh hưởng đến chất lượng; đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định cho người trồng chè. Hầu hết bà con tự hái, tự sao rồi bán cho người có nhu cầu mà chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua. Đặc biệt, hiện trên địa bàn xã, những người có kỹ thuật sao chè ngon, giữ đúng hương vị của chè Shan tuyết Lũng Phìn không còn nhiều…

Để giải quyết dứt điểm những khó khăn trên, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là hỗ trợ người dân về trang thiết bị máy móc với kỹ thuật tiên tiến hơn để bảo tồn và phát triển được thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn - thương hiệu chè nổi tiếng vùng Cao nguyên đá.

Bài, ảnh:  MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018
Hữu Vinh - "miệt vườn" trên "Công viên đá"

BHG - "Miệt vườn" – cụm từ chỉ vùng đất phù sa rộng lớn, có nhiều cây ăn quả, dân cư đông đúc và thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nay, khi đặt chân đến vùng đất Hữu Vinh (Yên Minh), mọi người được đắm mình trong những vườn xoài, vải, dứa, hồng... đan xem nhau, rất thơ mộng. Nằm bên trục Quốc lộ 4C, các thôn Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng của xã Hữu Vinh đang sở hữu hơn 20 ha cây ăn quả. 

27/08/2018
Nâng cao giá trị cam Sành Tiên Yên

BHG - Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị kinh tế của cây cam Sành đã làm "thay da, đổi thịt" cuộc sống người dân xã Tiên Yên, huyện Quang Bình. Thứ quà quê mang hương vị ngọt ngào trở thành đặc sản nức tiếng, vang danh trên thị trường. Bởi thế, cam Sành được lựa chọn, đăng ký thành sản phẩm hàng hóa chính để giữ gìn thương hiệu, mang đến tiềm lực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH trên địa bàn.

 

22/08/2018
Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

BHG - Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh đã tích cực tham mưu cho BCĐ xem xét và ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện CVĐ. Thông qua hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của CVĐ trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo thói quen trong dùng hàng Việt Nam...

 

14/08/2018