Hà Giang

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tôn giáo, tín ngưỡng

11:04, 21/05/2018

BHG - Tự do tôn giáo, tín ngưỡng là nội dung đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa. Hiếm có một lãnh đạo nào xem tôn giáo, tín ngưỡng dưới góc nhìn đạo đức như Bác Hồ.

Tôn giáo là đạo đức, mà đạo đức nằm trong văn hóa. Với góc nhìn sâu rộng như vậy nên tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, xây dựng chế độ mới, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Quan điểm “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng” của Bác có nghĩa là tự do có đạo hay tự do không có đạo. Người không chỉ có lý thuyết mà còn ứng xử với các nhà tu hành chuyên nghiệp, giáo dân, phật tử theo đạo với một lòng thành kính và tính thuyết phục rất lớn.

 

 

Một trong những câu chuyện cảm động nhất là giữa Bác với linh mục Phạm Bá Trực, người theo đạo Thiên chúa, yêu nước, thương dân, có uy tín trong xã hội. Vì vậy, Bác và Đảng ta đã tín nhiệm, bố trí linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong một phiên họp bàn về chiến sự của đất nước, họp xong đã rất khuya, đường về xa nên Bác gặp linh mục Phạm Bá Trực và nói: Thưa cha, bây giờ khuya quá rồi, xin cha nghỉ lại đây đêm nay, ngày mai có người đưa cha về sớm cho an toàn. Linh mục Phạm Bá Trực xúc động đến mức không thể đứng nổi, không tin một lãnh tụ như Bác lại đối xử tôn trọng, tình cảm và chân thành như vậy. Đêm đó, linh mục không ngủ, nhìn sang phòng Bác vẫn sáng đèn, nghe tiếng lách cách của máy chữ, ông biết Bác vẫn còn làm việc. Tiến gần cửa phòng Bác, linh mục Phạm Bá Trực nói to: Ngài quả là một vị thánh. Nghe tiếng linh mục, Bác dừng bút làm việc và trả lời: Ở đây, cả tôi và ngài không ai là thánh thần cả, chúng ta là những con người, vì việc lớn mà chúng ta phải hy sinh. Ngài chăm sóc phần hồn các con chiên, còn chúng tôi làm cách mạng lo cơm ăn, áo mặc, độc lập, tự do cho đồng bào. Khi ấy, phần xác no đủ, phần hồn mới thong dong được… Bác của chúng ta là như vậy, kính Chúa, yêu nước; đẹp đời, tốt đạo; đạo pháp dân tộc đồng hành cùng chủ nghĩa xã hội là những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, nó phản ánh nhân văn, cách mạng của Bác trong ứng xử với tôn giáo.

Một người nữa cũng theo đạo Thiên chúa là cụ Ngô Tử Hạ, một người được xếp vào hàng khai quốc, công thần của chế độ mới. Lịch sử nhớ lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, khi ấy cụ Ngô Tử Hạ là một điền chủ, đồng thời là một chủ nhà in lớn ở Ninh Bình, có tấm lòng yêu nước, thương dân, ảnh hưởng từ Bác để theo cách mạng, đi làm kháng chiến. Ngày hội bầu cử đầu tiên đó, cụ kéo xe bò, đội khăn vòng quanh phố Tràng Tiền kêu gọi người dân góp gạo, cứu tế và xây dựng chế độ ta. Theo lời kêu gọi của Bác cũng như những khẩu hiệu tuyên truyền của cụ khi kéo xe bò, người dân ai cũng ủng hộ lương thực, thực phẩm. Khi xe bò đã đầy ắp ngô, khoai, gạo thì nhiều thanh niên ra giúp cụ kéo xe về trước Nhà hát lớn, nơi bỏ phiếu bầu cử. Khi xe về đến nơi, Bác đến ôm cụ và nói, “Đây mới là gạo đại đoàn kết”, nó thể hiện sự đoàn kết của nhân dân, đoàn kết trong cả công giáo và lương giáo.

Một người đứng đầu Đảng, Nhà nước như Bác không bao giờ quên gửi thư chúc mừng các giáo dân theo đạo Thiên chúa trong ngày Noel. Mỗi lần gửi thư chúc mừng giáo dân, Bác đều kết thúc bằng một câu “Cầu chúa ban phúc lành cho chúng ta, ủng hộ chúng ta kháng chiến cứu quốc đến ngày thắng lợi”. Ngược lịch sử, chúng ta cũng đều biết đích thân Bác đã vẽ tượng phật trên núi ở Pắc Pó (Cao Bằng); ở Thái Lan, Bác đã từng mặc áo cà sa đi khất thực, Bác ngủ trong nhà chùa với phật tử… Đó là cách làm dân vận của Bác để đoàn kết lương và giáo, giữa tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Bác còn chỉ đạo Chính phủ, Quốc hội đưa việc “Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” vào Hiến pháp.

Những quan điểm, câu chuyện của Bác nêu trên cho chúng thấy Bác là người Cộng sản hiện đại, thể hiện rất tinh tế và sâu sắc, những tình cảm, tư tưởng về tôn giáo đều hướng tới mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, khi Bác mới 40 tuổi. Cách đó 10 năm (1920) Bác là đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Trong suốt cuộc đời Bác, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan tâm thường trực của Bác. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải đáp ứng rất nhiều nguyên tắc, mà Hồ Chí Minh là người lý giải những nguyên tắc này rất sâu sắc bằng chính việc làm thiết thực, cụ thể. 

31/01/2018
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Lương y phải như từ mẫu"

BHG - Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những người làm trong ngành y. Cách đây 63 năm, ngày 27.2.1955, trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. 

27/02/2018
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"

BHG - Trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh có thể nói chữ "dân" có giá trị thiêng liêng và bền vững. Đời Bác chỉ xoay quanh chữ "dân" và chữ "nước". Ta bắt đầu từ tên của Bác, Bác sống 79 mùa Xuân mà Bác dùng 175 tên, Bác lấy tên Nguyễn Ái Quốc từ thời ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua 30 năm tìm đường cứu nước, đi vòng quanh thế giới gần 40 nước khác nhau để rồi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân. Ái Quốc nghĩa là yêu nước, Ái Dân là yêu dân, "yêu nước là phải yêu dân", đấy chính là triết lý sâu xa mà Bác đã truyền lại cho chúng ta ngày nay như một lẽ sống. 

23/01/2018