"Lương y phải như từ mẫu"

15:25, 27/02/2018

BHG - Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những người làm trong ngành y. Cách đây 63 năm, ngày 27.2.1955, trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Rồi Người kết luận: "Lương y phải như từ mẫu".

 

 

Trong xã hội, nghề nào cũng vẻ vang, cao quý nếu phục vụ lợi ích cho dân, tuy nhiên có hai ngành đặc biệt là giáo dục và y tế được Bác đặc biệt quan tâm, dìu dắt và nâng đỡ. Hai ngành là điển hình cho chủ nghĩa nhân đạo, một bên là dạy dỗ, đào tạo con người nên nhân cách; một bên là trị bệnh cứu người. Tình cảm của Bác với các thầy thuốc đặc biệt cảm động qua những câu chuyện, trong đó câu chuyện về Bác với GS Tôn Thất Tùng làm chúng ta nhớ mãi. Dù là một Bác sĩ giỏi hàng đầu về tim mạch không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, nhưng GS Tôn Thất Tùng luôn tích cực tham gia cách mạng cùng với Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, chiến tranh diễn ra ác liệt, Bác được tin vợ của GS sinh con trai đầu lòng ở Chiến khu Việt Bắc, Bác đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên: Bác rất mừng chú thím đã sinh cháu trai đầu lòng, Bác đến thăm xem thím và cháu có khỏe không? Chú là Tùng, Bác muốn đặt tên cháu là Bách (Tôn Thất Bách). Sau này, Tôn Thất Bách được Bác dìu dắt, nâng đỡ đã nối nghiệp cha và cũng trở thành một thầy thuốc nổi tiếng của Việt Nam.

Một câu chuyện khác, đó là GS, Bác sĩ Trần Hữu Tước - một trí thức lớn được Bác đưa từ Pháp về Việt Nam để cống hiến cho ngành Y tế nước nhà. Khi GS ốm đau, Bác đến nhà hỏi thăm, động viên an ủi GS Trần Hữu Tước, Bác nói mong GS cần giữ gìn sức khỏe, làm việc điều độ để còn phục vụ lâu dài cho đất nước…

Bác có một phương châm rất khoa học, đó là kết hợp đông y với tây y để điều trị bệnh. Bác đến thăm Bệnh xá Vân Đình, Bác khuyên cán bộ, y sĩ ở đây cần chú trọng đến việc phát triển các loại cây thuốc sẵn có của Việt Nam để kết hợp đông y và tây y chữa trị cho nhân dân và chiến sỹ. Hơn thế nữa, Bác rất chú trọng công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh cho nhân dân. Khi Bác về nước, tại Cao Bằng, việc đầu tiên Bác làm là vào các làng, bản đưa các cháu nhỏ ra suối tắm, vệ sinh sạch sẽ, bôi thuốc ghẻ lở cho các cháu và dặn bà con phải ăn, ở vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi rãnh nước thông thoáng để bảo vệ sức khỏe… Đi đến đâu Bác cũng thăm nơi ăn, nơi ở, khu vực vệ sinh có đảm bảo sức khỏe cho con người không. Tất cả điều đấy cho thấy tính nhân văn của Bác trong ngành Y tế là thấm nhuần tính nhân đạo, tính nhân dân vì sức khỏe nhân dân phục vụ.

Riêng cá nhân Bác rất chú trọng tập luyện thể dục để giữ sức khỏe, chính vì vậy Bác đã có lời kêu gọi toàn dân tập thể dục để có sức khỏe phục vụ đất nước. Bác nói, một người khỏe mạnh thì cả gia đình khỏe mạnh; một người dân khỏe mạnh thì đất nước sẽ cường mạnh. Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta và cho ngành y tế hiện nay.

Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, năm 1961, Bác lên thăm đồng bào dân tộc Hà Giang, tại đây Bác dặn đồng bào phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch để giữ gìn sức khỏe. Vận dụng những lời căn dặn của Bác, tỉnh ta hiện nay tích cực chăm lo và phát triển con người cũng như cơ sở vật chất trong ngành y để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

GS, TS Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, khi Bác mới 40 tuổi. Cách đó 10 năm (1920) Bác là đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Trong suốt cuộc đời Bác, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan tâm thường trực của Bác. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải đáp ứng rất nhiều nguyên tắc, mà Hồ Chí Minh là người lý giải những nguyên tắc này rất sâu sắc bằng chính việc làm thiết thực, cụ thể. 

31/01/2018
"Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu nước, thương dân, thiết tha với độc lập dân tộc, mà Người còn là chiến sỹ cộng sản chân chính. Bước ngoặt trong 10 năm đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Bác tiếp cận tư tưởng của Lê-nin và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). 

30/10/2017
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Hồ Chí Minh còn là một Nhà văn hóa lớn được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong di sản của Người để lại về tư tưởng văn hóa, Bác cho biết "Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi", văn hóa không ở bên ngoài mà tồn tại trong kinh tế, chính trị của nhân loại. 

24/10/2017