Củng cố sức mạnh trong lòng dân bằng cách chăm sóc đời sống, tinh thần cho nhân dân

11:13, 02/01/2018

BHG - Quan tâm đến con người là quan điểm lớn của chủ nghĩa nhân văn trong Hồ Chí Minh. Học theo tư tưởng của Bác, Đảng ta coi con người là mục tiêu phát triển, nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân là mối quan tâm thường trực của Đảng và Nhà nước ta.

Sinh thời, Bác để lại biết bao tấm gương bằng những việc làm hằng ngày. Có lần Bác tâm sự: Bác mặc như thế này (tức là bộ quần nâu, áo vải) mà dân còn khổ, nếu Bác mặc sang trọng như các chú muốn thì cũng dễ thôi, ở đời ai chả muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng mặc như vậy thì dân sẽ còn khổ đến bao giờ?. Qua đây ta mới cảm được điều sâu sắc nhất trong Bác đó là thương dân và vì dân!Bác luôn coi trọng việc nâng cao đời sống vật chất cho dân.

 

 

Ở mỗi thời kỳ cần có một chính sách cụ thể, rõ rệt nhất để chăm lo đời sống cho nhân dân. Khi mới giành được độc lập, Bác đề ra chính sách phát động toàn dân tăng gia, sản xuất để nâng cao đời sống cho nhân dân; trong khi nước nhà có 2 triệu đồng bào chết đói thì Bác lại phát động trong toàn Đảng, toàn dân tiết kiệm, “lá lành đùm lá rách” để cứu đói cho dân nghèo; ngay cả Ngày Thương binh, liệt sỹ, cũng chính là ngày Bác đề xướng, trong đó Bác kêu gọi cán bộ, công chức định kỳ nhịn ăn để lấy gạo giúp những gia đình có công với cách mạng. Đi đến đâu, Bác cũng xem nơi ăn, nơi ở của dân có tốt không, đảm bảo không. Đến cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy Bác không nghe báo cáo ngay mà vào tận nơi ăn ở, nơi sinh hoạt của cán bộ, công nhân, người lao động.

Đặc biệt nữa là, người dân của một nước độc lập, có dân chủ, có tự do thì phải nâng cao đời sống tinh thần. Trước hết là phải biết chữ, biết đọc, biết viết nên xóa nạn mù chữ là một trong những giải pháp đầu tiên Bác nghĩ đến khi có chế độ dân chủ cộng hòa. Sau đó mở mang trường học, phát triển các ngành văn hóa, chăm lo đời sống, y tế cho nhân dân để bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhất là bà mẹ và trẻ em. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Bác lo làm sao đưa ánh sáng, văn hóa đến, kể cả việc giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp và sửa chữa những điều không còn phù hợp, nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa, từ chữ viết đến tiếng nói… Trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Bác cũng chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân tài, vì họ là những tinh hoa để có thể cống hiến cho đất nước, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Chúng ta có thể thấy, sự quan tâm vật chất, tinh thần của nhân dân là một tư tưởng lớn. Không chỉ là đường lối chính trị, nó còn là đường lối kinh tế và văn hóa, sâu xa là tình thương yêu mênh mông của Bác dành cho tất cả mọi người.

Chúng ta đã phát triển kinh tế thị trường, đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Và hơn ai hết chính là người dân, họ cảm nhận được sự thay đổi qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không hài lòng với những điều đã có, bởi  một bộ phận dân cư còn đang thất nghiệp, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm... Đặc biệt, với sự biến đổi khí hậu như hiện nay, việc chăm lo đến sức khỏe là rất quan trọng, để có một môi trường sống lành mạnh cho dân. Chúng ta cần chống lại những điều mà theo Bác gọi là cơ học, mục nát, cũ kĩ và lỗi thời, chống quan liêu, tham nhũng để đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn. Đây là trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhất là những người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị. Khi nhân dân ủng hộ chế độ, ủng hộ Đảng và Nhà nước thì chúng ta sẽ có sự phát triển tốt đẹp. Ngược lại chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi những thế lực bên ngoài luôn dòm ngó, chống phá. Hơn bao giờ hết, củng cố sức mạnh trong lòng dân bằng cách chăm sóc đời sống, tinh thần cho nhân dân là vấn đề rất thời sự trong Đảng ta.

GS, TS Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu nước, thương dân, thiết tha với độc lập dân tộc, mà Người còn là chiến sỹ cộng sản chân chính. Bước ngoặt trong 10 năm đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Bác tiếp cận tư tưởng của Lê-nin và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). 

30/10/2017
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Hồ Chí Minh còn là một Nhà văn hóa lớn được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong di sản của Người để lại về tư tưởng văn hóa, Bác cho biết "Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi", văn hóa không ở bên ngoài mà tồn tại trong kinh tế, chính trị của nhân loại. 

24/10/2017
Chuyên mục nghe kể chuyện về Bác Hồ

LTS: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn dân cũng như mỗi cán bộ, đảng viên trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cũng như việc thực hiện "Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang"; thông qua những câu chuyện kể chân thật, gần gũi, dễ hiểu của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo về Bác Hồ. Từ số này, Báo Hà Giang điện tử mở Chuyên mục "Kể chuyện về Bác", trân trọng mời quý vị và các bạn đón xem!

22/10/2017