Hà Giang

Trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA lần 2: Vị thế của Việt Nam được nâng tầm

07:12, 08/06/2019

Ngày 7/6/2019, theo giờ Mỹ, Việt Nam đã trúng cử cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu gần như tuyệt đối: 192/193 phiếu bầu. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử cương vị này. Điều này chứng tỏ vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, được bạn bè và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thêm một lần nữa, Việt Nam chứng tỏ mình là thành viên có đóng góp tích cực trong các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc.

10 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Trong nhiệm kỳ đó, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong Hội đồng Bảo an, trong đó có việc ủng hộ một nghị quyết có tính lịch sử của Liên Hợp Quốc- Nghị quyết về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh: Sputnik).
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh: Sputnik).

Kể từ khi tham gia tổ chức Liên Hợp Quốc (1977) đến nay, Việt Nam ngày càng trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với các hoạt động chung của tổ chức này. Năm 1997, Việt Nam trúng cử vai trò phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (khóa 52, 1997-1998), đồng thời là thành viên nhiệm kỳ 1997-1998 của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC); Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016); thành viên của ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018; Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, Uỷ ban Luật pháp quốc tế 2017-2021.

Việt Nam cũng tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã cử 63 sĩ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Sudan, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Cuối năm 2018, Việt Nam được lựa chọn vào Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), trong giai đoạn 6 năm kể từ 2019.

Việc Việt Nam liên tục trúng cử với số phiếu cao vào các vị trí quan trọng của Liên Hợp Quốc, vừa chứng tỏ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này, vừa cho thấy vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng tầm. Từ một nước nghèo đói phải nhận viện trợ từ Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tham gia với Liên Hợp Quốc hỗ trợ các nước nghèo, có xung đột. Việt Nam được Tổ chức Phát triển của LHQ (UNDP) ghi nhận là một trong những nước thành công nhất trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo, và đã chia sẻ những kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo trên nhiều diễn đàn quốc tế.

Từ một nước trải qua nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, ngày nay Việt Nam tham gia tích cực vào việc xây dựng và gìn giữ hòa bình. Một minh chứng rõ nét nhất là tháng 2/2019, Việt Nam đã được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, thể hiện sự tin cậy và an tâm của các đối tác. Việt Nam cũng thành công trong việc tổ chức, chủ trì các sự kiện quốc tế và khu vực, như APEC 2017, WEF ASEAN 2018…

Với việc trúng cử cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đang chứng tỏ uy tín và tiếng nói có trọng lượng của mình trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, trong giai đoạn này Việt Nam cũng là Chủ tịch luân phiên của tổ chức ASEAN. Nói như ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đây là vị thế đặc biệt “độc nhất vô nhị”, vì hiếm có khi một quốc gia vừa là thành viên Hội đồng Bảo an, vừa là Chủ tịch một tổ chức quốc tế khu vực như ASEAN.

Việt Nam sẽ thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ ngay trong tháng 01/2020.

Đây là cơ hội “có một không hai” để chúng ta thúc đẩy quan điểm, lập trường của Việt Nam, đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, đây cũng là thách thức lớn, khi cộng đồng quốc tế đang có nhiều kỳ vọng ở Việt Nam trên các diễn đàn ngoại giao đa phương. Tham gia vào những diễn đàn ngoại giao đa phương này, uy tín và vị thế của Việt Nam cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Theo: VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông nghiệp Hà Giang hội nhập kinh tế quốc tế

BHG – Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dịp đầu năm mới 2019, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.

31/12/2018
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực

Ngày 30/12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do.

30/12/2018
Quốc hội New Zealand chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Chính phủ New Zealand ngày 25-10 thông báo nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quốc hội New Zealand đã phê chuẩn CPTPP vào cuối ngày 24-10 với ủng hộ của tất cả các đảng, trừ Đảng Xanh. Trước đó, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn CPTPP hồi đầu năm 2018. 

26/10/2018
Việt Nam - Thái Lan đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ

Chính phủ phê duyệt "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phía Việt Nam và phía Thái Lan tổ chức triển khai Hiệp định.

25/12/2018