Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ hai tại Cam-pu-chia

08:54, 11/01/2018

Trưa 10-1, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Phnôm Pênh, thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Cam-pu-chia, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ hai, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen.

Ðón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn tại sân bay có: Bộ trưởng Du lịch Cam-pu-chia Thong Khon; Ðại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam; Ðại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia và đông đảo cán bộ Ðại sứ quán Việt Nam tại Cam-pu-chia. Lễ đón được tổ chức trong nền nhạc truyền thống với phần biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, diễn viên Cam-pu-chia.

* Ngay sau khi xuống sân bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Cung Hòa Bình, thủ đô Phnôm Pênh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tham dự hội nghị.

 

* Chiều 10-1, tại thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng đoàn Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan, Trung Quốc đã tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) lần thứ hai. Ðoàn Việt Nam dự hội nghị có lãnh đạo các bộ: Ngoại giao; Quốc phòng; Công an; Công thương; Giao thông vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ.

Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương lần thứ nhất (tháng 3-2016) và thảo luận các phương hướng hợp tác thời gian tới. Hội nghị đánh giá, sau hai năm hoạt động, hợp tác Mê Công - Lan Thương đã có những bước tiến quan trọng cả về xây dựng cơ chế hoạt động và triển khai dự án cụ thể, đạt được một số kết quả đáng chú ý như hoàn thành nhiều dự án thu hoạch sớm; thành lập các trung tâm hợp tác về môi trường, nguồn nước và nghiên cứu Mê Công; hình thành và vận hành Quỹ đặc biệt MLC.

Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mê Công - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hợp tác MLC cũng cần phối hợp hài hòa với các chương trình, kế hoạch phát triển như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng như các sáng kiến liên kết khu vực.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và đóng góp của Việt Nam vào hợp tác MLC trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc, mục tiêu quan trọng mà hợp tác cần bảo đảm để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Về hợp tác 5 năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc chú trọng tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công, đưa hợp tác nguồn nước trở thành một trọng tâm hợp tác giữa sáu nước. Theo Thủ tướng, các ưu tiên trước mắt gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng - thủy văn; hợp tác ứng phó hạn hán, lũ lụt; tiến hành các nghiên cứu khoa học chung và nghiên cứu xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Lan Thương - Mê Công. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và kết nối để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn và đi lại của người dân; hỗ trợ các nước Mê Công - Lan Thương tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa tại các nước thành viên; phát triển lực lượng doanh nghiệp và đào tạo lao động có chất lượng; thu hút nguồn lực hướng vào phát triển hạ tầng và tạo điều kiện cho các dự án phát huy tiềm năng, thế mạnh, giải quyết việc làm cho người dân; tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Các đề xuất và đóng góp của đoàn Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnôm Pênh và Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018 - 2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân. Trên cơ sở đó, các Nhóm công tác chuyên ngành sẽ xây dựng kế hoạch hành động riêng cho lĩnh vực ưu tiên gồm nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất và hợp tác kinh tế qua biên giới. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh danh sách 214 dự án MLC do các nước thành viên đề xuất và nhất trí từng bước mở rộng hợp tác sang các dự án lớn của tiểu vùng trên cơ sở tận dụng tối đa Quỹ đặc biệt MLC và các nguồn tài chính huy động từ chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế. Về hợp tác nguồn nước, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước thông qua các hoạt động như: Ðối thoại chính sách; Xây dựng và cải thiện hệ thống theo dõi chất lượng nguồn nước; Chia sẻ thông tin và số liệu thủy văn; Hợp tác kỹ thuật, triển khai các nghiên cứu chung và các dự án thí điểm liên quan nguồn nước sông Mê Công - Lan Thương; Nâng cao năng lực trong quản lý nước; Hợp tác trong quản lý lũ lụt, hạn hán và nghiên cứu sớm thiết lập đường dây liên lạc trong các tình huống khẩn cấp. Các nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác về môi trường, đặc biệt chú trọng giảm rủi ro môi trường trong hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Cam-pu-chia đã chính thức chuyển giao vai trò đồng chủ trì hợp tác MLC cho Thủ tướng CHDCND Lào.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ăn trưa và làm việc với Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Cam-pu-chia đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương lần thứ hai, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Cam-pu-chia ở khu vực. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực mà Cam-pu-chia đã đạt được, bày tỏ tin tưởng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia do Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen đứng đầu sẽ tiếp tục đưa đất nước Cam-pu-chia phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; chân thành chúc nhân dân Cam-pu-chia tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 2-2018 và bầu cử Quốc hội vào tháng 7-2018.

Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang dự Hội nghị; khẳng định sự tham dự của Ðoàn không chỉ đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian qua, nhất là việc hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia 2017 nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 - 24-6-2017). Hai bên nhất trí tiếp tục có các biện pháp hiệu quả giúp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ nhận thức đúng về giá trị của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia đã được xây dựng từ máu xương của nhiều thế hệ đi trước để có trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này.

Hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng… ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, phấn đấu hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất; phối hợp giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người Cam-pu-chia gốc Việt tại Cam-pu-chia trên cơ sở luật pháp Cam-pu-chia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước trong năm 2017; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đi thăm, tiếp xúc thường xuyên, đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tích cực thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hai nước phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đã đạt được; tăng cường hơn nữa sự tin cậy về kinh tế, thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, lành mạnh và tiếp tục tạo điều kiện cho các mặt hàng Việt Nam vào Trung Quốc; triển khai đúng tiến độ, hiệu quả các dự án có sử dụng tín dụng của Trung Quốc tại Việt Nam; hợp tác cùng có lợi về nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ; thúc đẩy hợp tác tài chính, giao thông vận tải. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức mời Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 từ ngày 29 đến 31-3-2018. Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; kiểm soát tốt bất đồng, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Ðông; thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ kiên trì phương châm hữu nghị với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, sẽ tích cực tham gia cơ chế hợp tác GMS; cảm ơn lời mời và sẽ thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp; đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước trao đổi về việc tham dự Hội nghị cấp cao GMS tại Việt Nam.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít trong những ngày đầu năm 2018; đánh giá cao kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức và dự bế mạc Năm Ðoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017 của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bun-nhăng Vo-la-chít, đồng thời đánh giá cao thành công của Năm Ðoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017.

Ðể triển khai quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong năm 2018, hai Thủ tướng nhất trí: Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước tập trung phối hợp chuẩn bị thật tốt Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào vào đầu năm 2018, thúc đẩy triển khai các nội dung tại Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2016 - 2020; phát huy thành công và tinh thần Năm Ðoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục đưa quan hệ chính trị hai nước đi vào chiều sâu; phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tập trung các dự án đầu tư trọng điểm, kết nối kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hai nước; phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn tại; tích cực tuyên truyền đến nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước hiểu biết sâu sắc và phát huy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Lào ưu tiên đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí liên quan việc xin thị thực, giấy phép lao động và thẻ cư trú cho lao động Việt Nam; tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định làm ăn, sinh sống tại Lào.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái-lan P.Chan-ô-cha. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, đầu tư, thương mại, quốc phòng - an ninh, tư pháp... Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2017 tăng 20%, đạt 15 tỷ USD. Hai bên cũng phối hợp tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, GMS... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của Thái-lan trong việc thúc đẩy hợp tác tiểu vùng sông Mê Công cũng như trong khuôn khổ Mê Công - Lan Thương, mong muốn Thái-lan phát huy vai trò trong bảo đảm an ninh nguồn nước và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Thủ tướng Thái-lan chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và bày tỏ sẵn sàng phối hợp Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao GMS vào tháng 3 tới. Hai bên cũng trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thái-lan tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Thái-lan. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Thái-lan đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Thái-lan sinh sống và làm ăn ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái-lan cũng như là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước.

* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời thủ đô Phnôm Pênh lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao MLC lần thứ hai tại Cam-pu-chia.

Theo Nhandan.com.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn hội nhập quốc tế về kinh tế năm 2017

BHG - Ngày 28.11, Sở Công thương phối hợp với Trung tâm tư vấn đào tạo Công nghiệp và Thương mại, thuộc Bộ Công thương mở lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017. Tham dự có: đại diện Bộ Công thương; lãnh đạo Sở Công thương; cán bộ, công chức viên chức của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

28/11/2017
Quang Bình phát triển cam theo hướng VietGap

BHG - Quang Bình, một trong 3 huyện có diện tích cam lớn của tỉnh. Những năm gần đây, cây cam đã đem lại giá trị lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; huyện Quang Bình đã chỉ đạo phát triển cây cam theo quy hoạch, tập trung tại 9 xã, thị trấn: Yên Hà, Hương Sơn, Xuân Giang, Bằng Lang, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Tân Trịnh, Tân Bắc và thị trấn Yên Bình.

19/12/2017
ASEAN tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với EU

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như là một tổ chức khu vực được thành lập trên lý tưởng hòa bình, thịnh vượng và sự hài hòa.

18/10/2017
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh làm việc với Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tonkin

BHG - Chiều 17.11, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với bà Lương Thùy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tonkin. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Đồng Văn. 

17/11/2017