Hà Giang

Phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào chất lượng, hiệu quả, thiết thực

11:01, 11/09/2017

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, triển vọng hợp tác trong thời gian tới. 


TTXVN trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn. 

- Xin Chủ tịch nước cho biết ý nghĩa của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Từ khi có Đảng cách mạng lãnh đạo, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. 

Mối quan hệ đó đã được thử thách qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược nên ngày càng được củng cố và phát triển, trở thành tấm gương mẫu mực, trong sáng. Đây là tài sản vô giá, nguồn lực quý báu và là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công của sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước. 

Lịch sử phát triển ở hai nước cho thấy, nếu không có quan hệ đặc biệt đó, thì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước ngày nay, không thể có được những thành tựu to lớn. Cùng với đó, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

- Xin Chủ tịch nước cho biết những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước 55 năm qua? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết, ngày 5/9/1962, hai nước Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. 

Trên cơ sở thống nhất về chủ trương, đường lối chiến lược, sách lược cách mạng, bước vào cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, sát cánh bên nhau, đưa cách mạng hai nước tiến lên. Sau chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) của Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã phát động toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nổi dậy giành chính quyền. Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời, đánh dấu thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. 

Từ sau năm 1975 đến nay, quan hệ Việt Nam - Lào bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Ngày 18/7/1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia, nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Từ sau Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai nước đều tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước. 

Trong suốt 55 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào vẫn ngày càng gắn bó keo sơn, phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả thực chất. 

Các cơ chế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt ở cấp cao được củng cố, phát huy hiệu quả, thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu. Hợp tác biên giới, an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh. Hợp tác kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển. 


Tính đến tháng 4/2017, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có 408 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn khoảng 3,7 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Lào; nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, sản xuất, kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước. Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đã và đang là lĩnh vực được hai bên ưu tiên và nâng lên cả về số lượng và chất lượng. 

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, du lịch. Hợp tác giữa các địa phương được chú trọng với việc hình thành các khu kinh tế và giao lưu buôn bán qua các cửa khẩu quốc tế và quốc gia. 

Cùng với hợp tác trong khuôn khổ song phương, quan hệ Việt Nam-Lào còn được thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới. 

- Xin Chủ tịch nước cho biết triển vọng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới ở mỗi nước đã tạo nên những điều kiện vật chất và tinh thần to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào trong thời gian tới. 

Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác giữa hai nước thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới theo phương châm chất lượng, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước là xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Trong dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử này, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được củng cố và phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. 

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!

Nguồn tin: TTXVN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sự tham gia của Việt Nam ở ASEAN: Nguồn lực nhỏ, đóng góp lớn

Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thể hiện qua việc vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực càng ngày càng tăng lên

28/07/2017
Việc làm ý nghĩa nhân lên tình hữu nghị

BHG- Là 2 nước có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn rất bền chặt. 

27/07/2017
ASEAN phấn đấu vì một Cộng đồng chung không ma túy

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy (Hội nghị ASOD 38 vừa kết thúc thành công tốt đẹp sau 2 ngày làm việc chính thức (từ ngày 25-26/7) tại Hà Nội.

27/07/2017
Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

2. Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam:Sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tại ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong hơn 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

26/07/2017