Hưởng ứng Giải báo chí của Đảng bộ tỉnh về xây dựng Đảng năm 2022

“Cẩm nang” ấm no của nông dân cực Bắc - Kỳ I: Thi đua tăng gia sản xuất

09:20, 14/09/2022

BHG - Ngày 26 và 27.3.1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang; những lời căn dặn của Người đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đến nay vẫn là ánh sáng soi đường, chỉ lối; là “cẩm nang” để những người nông dân trong tỉnh khơi sâu nguồn sức mạnh của ý chí cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no; xây dựng phên giậu biên cương cực Bắc thêm vững chắc.

Mô hình trồng dưa của Hợp tác xã Ngọc Bích, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) giúp người nông dân tham gia có thu nhập ổn định.
Mô hình trồng dưa của Hợp tác xã Ngọc Bích, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) giúp người nông dân tham gia có thu nhập ổn định.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi với mỗi người dân, thực hành sản xuất như những “lão nông” giàu kinh nghiệm. Vì thế, Người căn dặn đồng bào các dân tộc trong tỉnh: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”. Bác còn dặn: “Muốn sản xuất tốt thì đồng bào phải cố gắng làm nhiều thủy lợi, để có đủ nước cho lúa và hoa màu; phải có nhiều phân bón, phân bón nhiều thì lúa và hoa màu mới tốt; phải cải tiến nông cụ, vì với những nông cụ cũ kỹ thì khó nhọc nhiều mà thu hoạch ít”. Người đã nêu những dẫn chứng cụ thể để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi qua việc chú ý thực hiện: “Đủ nước, nhiều phân, nông cụ cải tiến là ba điều chính. Còn những điều khác cần phải làm, cán bộ phải ra sức tuyên truyền và phổ biến cho đồng bào hiểu và làm để sản xuất cho tốt”.

Khắc sâu lời Bác dặn, xuyên suốt hành trình hơn 61 năm qua, nông dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao mọi mặt đời sống.  Những người nông dân miền cực Bắc của Tổ quốc trước đây quanh năm “chân lấm, tay bùn”, chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và những người “sống trên đá, chết vùi trong đá” nay đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất; hăng hái thi đua lao động, sản xuất; tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần tạo bước phát triển toàn diện cho ngành Nông nghiệp của tỉnh trên cả 3 lĩnh vực: Sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc; trồng rừng kinh tế, dược liệu và trồng cây ăn quả, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Người dân xã Quang Minh (Bắc Quang) chung tay làm đường bê tông theo chương trình xây dựng Nông thôn mới. 			Ảnh: KIM TIẾN
Người dân xã Quang Minh (Bắc Quang) chung tay làm đường bê tông theo chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Đồng Văn mặc dù là huyện vùng cao núi đá, có điểm xuất phát nền kinh tế thấp; thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; giao thông đi lại trở ngại; trình độ dân trí không đồng đều; đời sống người nông dân nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu… nhưng thực hiện lời căn dặn của Bác, nông dân địa phương đã từng bước vươn lên, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa. Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết: Đến nay, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực; chương trình phát triển “3 cây, 4 con” và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập cho người dân. Các chính sách của Nhà nước với cơ chế của tỉnh, huyện hỗ trợ người dân về vốn, giống cây, con giúp người nông dân ổn định cuộc sống.

Để thoát khỏi đói nghèo đeo bám, xây dựng cuộc sống ấm no, nông dân trong tỉnh tuyên truyền, vận động, cùng thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển làng nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi đất trồng cây năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu cho năng suất cao; tích cực tập trung sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình mới trong sản xuất như: Mô hình trồng cam, hồng không hạt, ngô lai giống mới... góp phần làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên địa bàn cả nước, nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, 4 sao.

Phát huy lợi thế huyện vùng thấp, cửa ngõ của tỉnh, vùng động lực phát triển kinh tế, huyện Bắc Quang vận động nông dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng hệ số sử dụng đất; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hoàn thành việc quy hoạch và phát triển vùng sản xuất cam, chè theo quy trình VietGAP; liên kết, quy hoạch phân vùng sản phẩm nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm; tổ chức lại sản xuất thông qua thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn; liên kết sản xuất theo hướng “5 cùng” gắn với đầu tư thâm canh qua cơ chế vay vốn đầu tư có thu hồi; thực hiện hiệu quả Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với thực hiện chương trình trọng tâm phát triển các sản phẩm có thế mạnh địa phương; chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế…

Thi đua tăng gia sản xuất, đến nay toàn tỉnh có trên 11 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; hàng nghìn cán bộ, hội viên trở thành gương điển hình trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Tiến Độ, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) là một trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện tham gia trồng cam, trồng và chế biến chè cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho 12 - 25 lao động địa phương. Ông Độ cho biết: “Gia đình phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có và tập trung theo hướng hàng hóa, không sản xuất nhỏ lẻ. Với ý nghĩ khi đã tâm huyết, quyết tâm thì mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng, gia đình đã không ngại khó, ngại khổ; mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng khi biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã giúp sản phẩm của gia đình có được niềm tin người tiêu dùng”.

Không chỉ riêng gia đình ông Độ, từ phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, trong tỉnh đã hình thành nhiều điểm thu mua nông sản tập trung, hay cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ngô, lạc hàng hóa; trồng cây vụ Đông, trồng cây ăn quả, cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và khu chăn nuôi tập trung, vùng phát triển các sản phẩm đặc trưng, như: Các huyện vùng núi thấp phát triển cây ăn quả, cây chè, chăn nuôi; các huyện vùng cao phát triển du lịch. Nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. Việc cải tiến nông cụ, mua máy cơ giới làm đất, trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản được nhiều nông hộ thực hiện và mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ các phong trào thi đua tăng gia sản xuất đã giúp năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu suất sử dụng đất, hiệu quả kinh tế không ngừng nâng cao và trở thành phong trào trọng điểm, góp phần thực hiện đề án phát triển kinh tế, du lịch. Các phong trào thi đua luôn được đổi mới, tạo sức lan tỏa, phát triển và nhân rộng. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của người nông dân miền cực Bắc…

Bài, ảnh:  KIM TIẾN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương: Kỳ cuối - Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng
BHG - Tăng cường kiểm tra, giám sát (KTGS) các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm minh tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Nhóm giải pháp quan trọng này của cấp ủy tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ).
19/07/2022
Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương - Kỳ 2: Chăm lo khâu “then chốt của then chốt”
BHG - “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; cấp ủy tỉnh đã có nhiều giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được xác định là “then chốt của then chốt” để xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện.
16/07/2022
Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương - Kỳ I: Giáo dục chính trị, tư tưởng - nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Đảng
BHG - Đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách... Những quyết sách này được kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh, góp sức để Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.
14/07/2022
Quy chế Giải báo chí của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xây dựng Đảng năm 2022

Quy chế Giải báo chí của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xây dựng Đảng năm 2022


08/06/2022