Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng

16:17, 08/06/2021

BHG - Chỉ sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đã có 86 công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, truyền thống các ngành, địa phương được xuất bản với đầy đủ giá trị khoa học và thực tiễn. Đây là một trong những thành tựu nổi bật kết tinh cho sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thảo luận, trao đổi nghiệp vụ.
Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thảo luận, trao đổi nghiệp vụ.

Ngày 18.1.2018, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 20 về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị này, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm làm rõ quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của tổ chức cơ sở Đảng; tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng của nhân dân các dân tộc, địa phương, đúc kết bài học kinh nghiệm, những vấn đề lý luận cách mạng ở từng địa phương, đơn vị. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên trong tình hình mới. Đồng thời, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng.

Minh chứng cho thấy, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được các cấp, ngành thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả thông qua nhiều hình thức, như: Tuyên truyền lồng ghép với các sự kiện chính trị; tọa đàm, ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng địa phương; xuất bản, phát hành tờ rơi giới thiệu về các khu di tích lịch sử cách mạng; triển lãm nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh; tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng... Không những vậy, các cấp, ngành còn tận dụng loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội để giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương dưới hình thức: Đăng tải, phát sóng tin, bài, phóng sự về các sự kiện lịch sử Đảng, đề cương tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, hoạt động hướng về nguồn cội của cán bộ, đảng viên và nhân dân… Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo của T.Ư, tỉnh ta đã thành lập nhóm chuyên gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về những giá trị đúng, chân thực của lịch sử Đảng.

Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương cho thế hệ trẻ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành 2 bộ tài liệu về lịch sử để sử dụng tại các trường THCS, THPT. Trong đó, tích hợp nội dung lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương vào nội dung bài giảng các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; dành thời lượng 7 tiết/năm học đối với cấp THCS theo tài liệu “Lịch sử Hà Giang”, 4 tiết/năm học đối với cấp THPT theo tài liệu “Lịch sử địa phương tỉnh Hà Giang”.

Không dừng ở kết quả trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, trong đó có chuyên đề về biên soạn lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương cho hơn 300 lượt người tham gia. Thông qua tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đã từng bước giúp cán bộ cơ sở nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng; nắm được những vấn đề cơ bản về phương pháp luận, quy trình, các bước tiến hành, văn bản cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương, đơn vị, nhất là hướng dẫn cụ thể cách làm theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 20, toàn tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản và phát hành 86 công trình, gồm 7 cuốn lịch sử Đảng cấp tỉnh, 3 cuốn cấp huyện, 76 cuốn cấp xã, phường, thị trấn, nâng tổng số cuốn lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh lên 161 cuốn. Ngoài ra, Tỉnh ủy đã hoàn thành việc in ấn, xuất bản 11 tập Văn kiện Đảng bộ tỉnh Hà Giang toàn tập, giai đoạn 1945 – 2020; một số huyện và các ngành, tổ chức chính trị từ cấp tỉnh đến huyện đã, đang nghiên cứu, biên soạn cuốn văn kiện đảng bộ huyện, truyền thống, kỷ yếu của ngành mình…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Các công trình lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương được tiến hành nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành đảm bảo theo đúng quy trình; từ công tác sưu tầm tư liệu, xây dựng đề cương sơ lược, đề cương chi tiết, xây dựng bản thảo và tổ chức hội thảo khoa học dưới sự chủ trì của cấp ủy, sự tham gia ý kiến góp ý về chuyên môn của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng tại Ban Tuyên giáo các cấp. Chất lượng các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, nội dung, bố cục chặt chẽ, logic, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, có giá trị lý luận và thực tiễn.

Có thể khẳng định, việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lịch sử Đảng, góp phần tổng kết thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường cách mạng đúng đắn mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Lấy dân làm gốc" ở Bắc Quang

BHG - "Lấy dân làm gốc", "gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị huyện Bắc Quang trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, huy động sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội để xây dựng huyện "cửa ngõ" phía Nam phát triển toàn diện.

28/03/2021
Hoàng Su Phì đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

BHG - Triển khai chương trình hành động, sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tại huyện Hoàng Su Phì, ngay từ những tháng đầu của nhiệm kỳ mới, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã khẩn trương triển khai các giải pháp, bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

27/03/2021
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội
BHG - Những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của internet, các thế lực thù địch đã và đang tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái trên các trang mạng xã hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Trước thực trạng đó, mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận và truyền tải thông tin trên mạng xã hội. 
24/05/2021
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thời gian qua, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, tập trung lãnh đạo toàn diện các hoạt động phòng, chống thiên tai tại địa phương, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

23/04/2021